Thông tin về hệ thống phun lửa hạng nặng thế hệ mới mang tên Tosochka đã được tiết lộ lần đầu tiên trong cuộc họp tổng kết năm 2017 của Văn phòng thiết kế NPO SPLAV.
Tổ hợp này theo thông báo ban đầu thì sẽ sử dụng khung gầm xe thiết giáp bánh lốp thay vì đặt trên khung xe tăng T-72 như loại TOS-1 Buratino.
Điều này được cho là đã có sự thay đổi về tư duy thiết kế đối với hệ thống pháo phản lực nhiệt áp thế hệ mới được ngành công nghiệp quốc phòng Nga nghiên cứu.
Cần chú ý rằng tầm bắn của các tổ hợp TOS-1 là ngắn hơn rất nhiều so với pháo phản lực phóng loạt (MLRS) thông thường, khi chỉ đạt cự ly hiệu quả trên dưới 6 km.
Điều này nằm ở học thuyết sử dụng vũ khí của quân đội Nga khi TOS-1 chính là phương tiện yểm trợ hỏa lực cho đội hình tiến quân của xe tăng, thiết giáp.
TOS 1 sẽ bắn dọn bãi cho xe tăng ngay trước khi xông lên chiếm lĩnh trận địa, vì vậy nó được xếp vào dạng hỏa lực trực tiếp chứ không phải hỏa lực gián tiếp như những hệ thống MLRS khác.
Ngoài ra do gần như hành tiến song song với đội hình xe tăng, cho nên khung gầm của TOS-1 phải đủ vững chắc để chịu được đòn tấn công từ phía đối phương.
Bởi vậy mà thân xe tăng T-72 đã được trưng dụng, khác hẳn với pháo phản lực phóng loạt là hỏa lực gián tiếp bố trí ở tuyến sau sẽ không đòi hỏi yêu cầu này.
Việc tổ hợp Tosochka không đi theo tư duy thiết kế cũ khi sử dụng khung gầm xe bánh lốp có thể là chỉ dấu cho thấy nó không còn đảm nhiệm vai trò hỏa lực yểm trợ trực tiếp cho các sư đoàn xe tăng như TOS-1 Buratino.
Xe bọc thép bánh lốp chắc chắn sẽ có lớp giáp bảo vệ thua xa khung xe tăng T-72, không thể chịu hỏa lực đáp trả từ phía đối phương để nó có thể hành tiến ngay bên cạnh mũi xuyên phá của đơn vị cơ giới nữa.
Khả năng được nhắc tới khi đó là Tosochka sẽ quay trở về với các đặc điểm của hệ thống MLRS đích thực, đó là tầm bắn được nối dài và độ chính xác được nâng cao để có thể đứng từ tuyến sau hỗ trợ hỏa lực gián tiếp như pháo binh thông thường.
Nhưng thật bất ngờ khi mới đây Tổng công trình sư Nicholas Makarovets của Công ty phát triển sản phẩm - Liên hiệp nghiên cứu - Sản xuất SPLAV (thành viên của Rostec) đã công bố một thông tin khác hoàn toàn.
Ông Makarovets cho biết, tổ hợp Tosochka vẫn sẽ được đặt trên khung gầm bánh xích, trong khi Solntsepek mới là sản phẩm sử dụng khung xe thiết giáp bánh hơi.
Các nhà phát triển thiết kế như vậy là đã có tính đến kinh nghiệm hoạt động của các hệ thống phun lửa (khung gầm bánh xích) trong điều kiện sa mạc.
Như vậy có thể hiểu rằng hệ thống phun lửa hạng nặng thế hệ mới của Nga vừa có tầm bắn xa như pháo phản lực thông thường trong khi uy lực vẫn được giữ nguyên và không có sự thay đổi lớn.
Dự đoán rằng Tosochka và Solntsepek được trang bị loại đạn nhiệt áp có kích thước lớn hơn TOS-1A để vừa nâng cao tầm bắn vừa tăng cường uy lực.
Điều cần lưu tâm nữa là 2 tổ hợp Tosochka và Solntsepek đã ở trạng thái hoàn thiện, sẵn sàng sản xuất hàng loạt chứ không phải là mẫu chế thử nữa.
Hy vọng rằng sau khi được giới thiệu kín thì hai tổ hợp phun lửa hạng nặng mới của Nga sẽ sớm được ra mắt chính thức trước công chúng.
Việt Dũng