Choáng váng khi quy đổi tài sản của Hòa Thân ra tiền hiện đại: Lọt top 3 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc do Forbes xếp hạng
Không ngoa khi nói số tiền mà Hòa Thân tham nhũng không tham quan nào ở Trung Quốc từ xưa đến nay có thể bì kịp.
Thi cử không đỗ đạt phải làm thị vệ trong cung, đâu ai ngờ Hòa Thân bằng sự khôn khéo, hiểu lòng Càn Long mà có thể leo đến chức quan đứng đầu triều đình, được vua hết mực trọng dụng. Cũng chính vì thế mà hắn có cơ hội tham ô, nhận hối lộ, vơ vét không biết bao nhiêu là tài sản của dân chúng.
Để nói về sự giàu có của Hòa Thân thì người xưa thường so sánh: "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có". Tức là tham quan này còn giàu có hơn cả hoàng đế mà hắn đang phục vụ. Hoàng đế kế ngôi của Càn Long là vua Gia Khánh từ nhỏ đã cực kì căm ghét những thủ đoạn nịnh bợ, vơ vét tiền của dân chúng. Chính vì vậy, chỉ 15 ngày sau khi Càn Long qua đời, ông đã luận tội Hòa Thân và buộc y phải lựa chọn cái chết là tự tử.
Sử sách có ghi chép lại rằng số tiền thu được tại nhà của Hòa Thân khi đó là khoảng 800 triệu lượng bạc. Ngoài ra, y còn có nhiều hiệu cầm đồ, cửa hàng, ruộng đất với tổng giá trị khoảng 300 triệu lượng bạc. Khối tài sản của Hòa Thân rơi vào khoảng 1,1 tỷ lượng bạc, chênh lệch quá lớn với lương vài chục lượng bạc/tháng của quan nhất phẩm lúc bấy giờ. Thậm chí, nếu so với mức tiền thu thuế hàng năm của triều đình là 70 triệu lượng bạc thì Nhà Thanh phải tích góp trong vòng 15 năm mới có thể thu về số tài sản như Hòa Thân sở hữu. Quy ra tiền hiện đại thì Hòa Thân sở hưũkhoảng 253 tỷ nhân dân tệ, tương đương tầm 40,9 tỷ USD. Xét theo bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc năm 2022 của Forbes, "đệ nhất tham quan" này nghiễm nhiên là người giàu thứ 3 của Trung Quốc, chỉ xếp sau ông trùm nước đóng chai Chung Thiểm Thiểm và tỷ phú truyền thông số Trương Nhất Minh.
Trên thực tế, tiền của Hòa Thân không phải hoàn toàn là tiền tham ô, nhận hối lộ. Hòa Thân là người rất có tầm nhìn xa, nhanh nhạy trong kinh doanh. Thời xưa người ta gọi Hòa Thân là doanh nhân lớn nhất triều nhà Thanh khi sở hữu vô số hiệu cầm đồ, cửa hàng lương thực, quán trọ, cửa hàng đồ cổ, cửa hàng đồ sứ… Hậu thế sau này thường nói: “Hòa Thân thất thế, Gia Khánh viên mãn”, ý nói vua Gia Khánh một công đôi việc, vừa diệt trừ được tên tham quan lộng hành nhất, lại vừa trở nên giàu có không ai sánh bằng.