'Choáng' với các chức danh tự phong tràn lan!
Hiện nay chức 'Giám đốc' nhiều không đếm xuể ở các công ty tư nhân: Giám đốc Vùng, Giám đốc Miền, Giám đốc Khu vực, Giám đốc thường trực, Phó/Tổng Phụ trách, ... Song, trên thực tế, phần nhiều chỉ là các chức danh 'tự phong' hoặc được 'bổ nhiệm' cho oai mà không có quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể.
Để có được một "profile" sang chảnh, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại tự thổi phồng chức danh của mình để "public" và PR bản thân. Nếu nghe những danh xưng này đối với nhiều người không hiểu chuyện sẽ là một sự ngưỡng mộ lớn. Nhưng chức danh ở các công ty tư nhân, công ty gia đình chẳng có ý nghĩa gì so với những chức danh tương đương trong các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn.
Tôi có một đứa cháu họ xa tên D học chưa hết cấp III, được lên thành phố làm việc cho một công ty tư vấn về xuất khẩu lao động. Công việc thực tế của chàng thanh niên này là tìm kiếm các thanh niên "vật vờ" như cậu có nhu cầu đi lao động xuất khẩu thì lôi kéo nộp hồ sơ. Nhưng để "uy lực", chức danh của cậu được đặt là "Giám đốc thương mại và quan hệ khu vực Miền Bắc"- nghe rất dễ làm người khác tin cậy. Về quê, bố nó bảo tôi: " Ở nhà, thằng M thì biết nấu ăn, cho làm bếp trưởng, con S thì biết tính toán, cho làm kế toán. Riêng thằng D không biết làm gì thì cho làm... giám đốc!". Mà y như rằng, cháu tôi giờ làm "giám đốc" thật. Buồn thay cho công ty nào có nó.
Chuyện chức danh "tự phong" không còn mới mẻ trong những năm gần đây, nhưng nhìn chung, giữa một thế giới thích sống ảo, nhiều bạn trẻ ngày nay càng thích sống ảo hơn nữa.
Thậm chí, trong không ít công ty có tên tuổi đàng hoàng, cũng có nhiều vị trí "hữu danh vô thực". Điển hình như ở một số ngân hàng tư nhân lớn có tới cả 1.000 cán bộ kinh doanh, mà tất cả đều được gọi là "giám đốc quan hệ khách hàng" với biển tên và chức danh đó đeo nghễu nghện trước ngực - một chức danh mà các bạn kinh doanh nói nhỏ là.... "để đi giao dịch". Như vậy, chẳng phải khách hàng sẽ dễ dàng tưởng là được làm việc với người nắm giữ vị trí quan trọng của ngân hàng? Nhưng thực tế, đó chỉ là một cán bộ bán hàng cấp thấp. Và vị trí này có thể thay đổi (ra, vào) dễ dàng nếu không đạt chỉ tiêu bán.
Chị H (một Giám đốc kinh doanh Khu vực của một Công ty Sữa lớn) cho biết: Ngay trong bộ phận của chị phụ trách ở Khu vực Miền Bắc có tới 10 giám đốc kinh doanh, nhiều người còn nhầm lẫn các vị trí ấy to hơn cả...vị trí của chị!
Đa số mọi người sẽ không hiểu được tại sao phải chia như vậy. Địa bàn hoạt động bán lẻ hàng hóa trải rộng theo địa lý, mỗi bạn giám đốc kinh doanh buộc phải chia tỉnh để dễ dàng hỗ trợ các đại lý. Việc chia chức danh "oai" cho cán bộ quản lý là có thật. Song, khi được gọi là "giám đốc kinh doanh" thì thực tế chỉ là trưởng nhóm điều phối hàng hóa, kho vận, đơn hàng, kiểm hàng và chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề phát sinh nhỏ trong thẩm quyền cho phép. Các bạn giám đốc kinh doanh này nhiều khi không có nhân viên dưới quyền, và cũng không có thẩm quyền quyết định các vấn đề kinh doanh mà chỉ làm theo chủ trương từ trên giao xuống.
H.M là một nhân viên bán hàng mới vào làm việc ở một công ty bảo hiểm, nhưng khi làm hồ sơ cho khách hàng, chức danh của H.M được đẩy lên là "Phụ trách bộ phận". Chức danh này nghe có vẻ khá "nhập nhằng". Phụ trách thì thường ai cũng nghĩ tương đương với giám đốc, hoặc trưởng bộ phận. M lý giải là cô phụ trách chính công việc của mình nên tự đặt luôn cho mình là "phụ trách bộ phận". Vậy là khi đi giao dịch, thường khách hàng hiểu M là cán bộ có uy tín. Nhưng thực tế, chức danh này chẳng có giá trị gì đối với công ty M đang làm việc và cả với mặt hàng bảo hiểm mà M tư vấn cho khách.
Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp như M mới đi làm chưa có kinh nghiệm, nhưng khi có chức danh tự phong đã dùng luôn danh xưng đó để làm bàn đạp, xin việc tiếp tại công ty mới, với vị trí cao hơn và đương nhiên là mức thu nhập cũng sẽ tốt hơn. Nếu công ty muốn xác minh lại thông tin từ người liên quan, ứng viên sẽ "dặn dò" kỹ lưỡng để khi có "check" chéo thì cũng không ai biết được chuyện kém cỏi của mình.
Trong thị trường lao động, việc xác định chức danh không chính xác, hay còn gọi là nói khống chức danh, có thể gây ra nhiều khó xử khi không có tiêu chí đồng bộ để đánh giá vị trí, năng lực của một người.
Đội ngũ kinh doanh hay cán bộ bán hàng trong công ty là một trong số các bộ phận có sự thay đổi liên tục và thường xuyên nhất. Chính vì vậy, khi khách hàng (đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, tiêu dùng) mà làm việc với một cán bộ bán hàng thời vụ, thì sẽ không được chăm sóc kỹ càng. Trừ khi, công ty đó có được một hệ thống vận hành, quản lý, điều phối khoa học, theo chuẩn ISO quốc tế và không dựa nhiều vào con người thì các hợp đồng với khách khi được đưa lên hệ thống quản lý mới được chăm sóc cẩn thận. Còn không, nếu khách hàng nào đã "tin tưởng" gửi gắm thông tin, tài khoản, tiền bạc, tài sản... của mình cho một cán bộ mà không thẩm định, xem xét kỹ... sẽ rất dễ rơi vào tình huống bị lừa đảo, tiền mất tật mang.
Mặc dù ngay nay đội ngũ tuyển dụng ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có nhiều cách để thu thập thông tin, xem xét ứng viên. Tuy nhiên, cũng không thể lường trước được những tình huống thổi phồng của nhân sự khi đi phỏng vấn xin việc.
Thời gian sàng lọc hồ sơ cũng là khâu quan trọng khi xem xét tuyển dụng các ứng viên. Nhưng với hệ thống chức danh khủng bủa vây trong các tệp hồ sơ đẹp đẽ, nhiều công ty tuyển dụng đã bị lừa.
Ngoài cái lợi trước mắt của việc "có chức danh" này nọ là...oách, thì nhiều người còn nhắm đến những chiến thuật đánh lừa các nhà tuyển dụng, các công ty "head hunter", với những nhịp nhảy việc mang về những khoản lương (kiểu "không làm gì cũng có ăn"), vị trí công việc có lợi cho mình. Khi nhà tuyển dụng kịp nhận ra họ là thứ thùng rỗng kêu to thì đã mất một khoản lương không nhỏ.
Khi được mời tới phỏng vấn, nhiều ứng viên còn thể hiện khả năng "chém" hùng hồn, mà không ít trường hợp đã thuyết phục được nhà tuyển dụng. Đương nhiên, sau đó, công ty sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để tuyển dụng các nhân sự, đợi cho họ "test" việc một thời gian và cũng là thời gian chịu đựng "nuôi báo cô" nhân sự mà không đem lại bất cứ giá trị nào cho công ty. Quả là một sự lãng phí lãng xẹt!
Sếp tôi - một nhà quản lý kỳ cựu, trong một lần phỏng vấn ứng viên vào làm phóng viên ở Tòa soạn báo đã từng gặp phải một trường hợp "chém gió" như thần Zeus vậy, thậm chí không để cho ai kịp nói. Hỏi làm ở đâu cũng giữ vị trí như một chuyên gia đầy ắp kinh nghiệm nhưng sao cứ nhảy việc liên tục, thì ứng viên này luôn nói đến những kế hoạch, ý tưởng lớn lao kiểu như "mọi người thì kém cỏi, chỉ mình ta tài giỏi". Và ứng viên buông 1 câu rất tự tin: "Hãy cứ thử một lần rồi biết!". Sếp tôi...choáng và tất nhiên không tuyển dụng ứng viên chém gió này. Tôi nghĩ, nếu ứng viên đó làm tốt thì tại sao phải rời bỏ những nơi cô ấy đã trở thành "idol" như lời chém?
Mất thời gian, tốn công sức của nhiều người là một sự phá hoại không hề nhỏ. Hồ sơ/vị trí đẹp tự khai chẳng nói lên điều gì nếu như họ không có được kết quả công việc đúng với khả năng như kỳ vọng.
Việc sử dụng chức danh tràn lan đã tạo ra những hệ lụy không hề nhỏ đối với thị trường lao động nói riêng và vận hành xã hội nói chung. Khi nghe tới một chức danh nào mà dễ gây hiểu lầm hoặc không ai hiểu được người đó cụ thể làm công việc gì thì thiết nghĩ không nên tồn tại chức danh ấy.
Thẳng thắn, công bằng, minh bạch... là những yếu tố cần có trong bất cứ môi trường nào. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân ngày nay, cần có một hệ thống chức danh tương thích với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn quốc tế để phát triển và hội nhập. Và, chúng ta không bị điều tiếng "làm màu" khác với những gì bản sắc vốn có của con người Việt Nam: thật thà, thông minh, cần cù và bản lĩnh.