Choáng với những dịch vụ lạ đám tang thời hiện đại

Trần muốn sao thì phải làm cho âm như vậy. Muốn giàu có thì đám tang phải được tổ chức theo nghi thức vua chúa hoặc theo kiểu của Tây....

Với quan niệm trần sao âm vậy, nhiều gia đình khi có người thân mất đi thường mong muốn tổ chức thật linh đình, những gì người sống được hưởng lúc ở dương gian thì khi chết cũng sẽ được như vậy. Nhiều dịch vụ lạ đời cũng vì thế mà nở rộ phục vụ nhu cầu của khách từ A tới Z với những nghi thức tang lễ kiểu Tây, Tàu...Các công đoạn như tắm rửa, trang điểm tử thi, mặc quần áo cho tử thi, liệm, nhập quan, trống kèn…đều được phía dịch vụ tang lễ đảm nhiệm.

Theo báo Người đưa tin, dịch vụ tang lễ ở Phùng Hưng (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) rất đa dạng tùy vào ý định tổ chức đám tang của gia chủ. Bình thường, sẽ bài trí đám tang theo kiểu truyền thống ngoài với bát hương, hương, nến, hoa quả, chén nhỏ để đựng rượu và nước nhưng với những gia đình cầu kỳ và có tiền, nhân viên ở đây còn tư vấn những vật dụng cầu kỳ hơn. Bố trí bàn thờ được nhân viên ở 129 Phùng Hưng mời chào như sau: "Lớp trong phải là chiếc bàn thật lớn cao khoảng 1m, dài 2m và rộng 1m để bày đồ cúng, bài vị hay ảnh thờ. Trên bàn có hai chiếc mâm đặt phía trong. Mâm to đựng đồ cúng gọi là mâm cỗ, mâm nhỏ bày hương, hoa trong ngày cúng hay giỗ. Ngoài ra, có thể trang trí thêm đồ vật như hoành phi, câu đối... vào chính giữa bàn thờ hoặc hai bên. Lớp ngoài gọi là Hương án… Nhiều nhà cầu kỳ còn yêu cầu bàn hương án thay bằng tủ thờ đóng theo kiểu dáng tủ thờ Gò Công, chạm trổ công phu. Tuy nhiên, mức giá cũng khá cao, khoảng 12 – 17 triệu đồng/chiếc".

Nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa của gia chủ, nhiều dịch vụ tang lễ trên đường Phùng Hưng còn kiêm luôn viết kịch bản cho đám tang. Tùy vào phong cách sống của người quá cố khi còn ở dương gian mà có những kịch bản khác nhau. Chẳng hạn, người quá cố khi còn sống thích văn hóa nước Hàn, khi chết kịch bản sẽ lên theo đúng sở thích này: Có nghĩa là tông sân khấu là phải màu trắng và một chút đen, những nhân viên phục vụ, tiếp đón cũng phải vận bộ đồ tang lễ của người Hàn. Ngay cả đến đồ ăn cũng toàn là sushi, bánh kẹo có chữ Hàn. Hơn nữa, nhạc trong đám tang cũng phải là bài hát của xứ kim chi...

Ngoài ra, nếu muốn có một kịch bản thật chu đáo để sau này người chết có thể phù hộ độ trì cho con cháu được ấm no, giàu sang, nhiều cửa hàng ở Phùng Hưng còn giới thiệu luôn cả thầy bói xem ngày giờ và làm kịch bản "xịn". “Trần muốn sao thì phải làm cho âm như vậy. Muốn giàu có thì đám tang phải được tổ chức theo nghi thức vua chúa hoặc theo kiểu của Tây. Quan tài ít nhất phải thuê loại gỗ cẩm lai. Khuôn hòm thì nhờ phía tang lễ tìm loại làm bằng gỗ giáng hương giá chừng hơn 100 triệu đồng. Xe hoa có thể thuê loại 5 tạ - 1,2 tấn cùng với đội bê quan tài, đội bê hoa đồng phục vest đen. Đó là những khoản lớn, còn kịch bản đám tang thì gửi cho “cậu” thông tin về người quá cố. “Cậu” sẽ xem và thảo cho phù hợp” - một thầy bói nói với PV Người đưa tin như vậy.

Tục chèo đò đã có từ lâu lắm, đó là chuyến đò chở linh hồn người đã khuất về miền cực lạc. Nhưng tục chèo đò trong đám tang cũng bị biến tướng và cũng bị những người tổ chức "làm tiền". Trong một đam tang người thân ở Cổ Đông, Sơn Tây (Hà Nội), một người trong ban nhạc hiếu giả làm người lái đò và bắt đầu diễn. Trong lúc tiễn đưa người quá cố ra đồng. Mặc cho trời nắng chang chang, đi được vài phút là người lái đò lại dừng lại, lúc thì mắc cạn, lúc thì sóng to, gió lớn, lúc thì đò thủng…và cuối cùng chỉ để xin được nhiều tiền, nếu thấy ít tiền, người lái đò với vẻ mặt không bằng lòng và sẽ không chịu đi. Như vậy gia chủ cũng chỉ biết khó chịu đứng chờ và rỉ tai nhau cho tiền to vào nón của người chèo đò để đò được đi nhanh hơn. Cứ như vậy, hành trình từ nhà ra nơi yên nghỉ của người quá cố bị dừng lại rất nhiều lần, với khoảng cách khoảng 1km, cuộc tiễn đưa người quá cố ra đồng cũng mất vài tiếng đồng hồ vì sự điều khiển của người lái đò.

Múa 'pê đê' trong đám tang

Đám tang là sự kiện chất chứa những u buồn khó tả, gia đình vĩnh biệt một người thân. Thế nhưng, những năm gần đây không ít gia đình có tang lễ lại thuê nguyên dàn nhạc sống, đội ngũ ca sĩ kèm theo hùng hậu, nội dung bài hát không được chọn lọc thích hợp, cứ thích bài nào hát bài đó, tây ta lẫn lộn, tiếng nhạc xập xình nổi lên bắt đầu cho những màn nhảy nhót, múa hát,... Không có những giọt nước mắt đau buồn, thay vào đó là những buổi biểu diễn văn nghệ, với đủ các loại nhạc ầm ĩ thâu đêm khiến cho hàng xóm không sao ngủ được.

Đầu tháng 7 vừa qua, tại một con hẻm ở quận 4, TP.HCM trong tiếng vỗ tay, tiếng cười nói rôm rả, tiếng nhạc xập xình inh ỏi nhiều người đi đường tưởng đó là một đám cưới, ngày vui của đôi uyên ương nào đó. Nhưng có vào tận nơi mới nhận ra, đây đích thị là một đám tang. Những "người mẫu pê đê" thân hình đẫy đà khêu gợi chẳng thua gì kiều nữ ưỡn ẹo trên sàn catwalk, trông khá chuyên nghiệp. Biểu diễn được vài phút họ tháo dần những mảnh vài đính hờ của chiếc váy cũn cỡn cho đến khi trang phục chỉ còn "hai mảnh". Tiếp theo sau đó là màn trình diễn múa lửa đầy kịch tính và khêu gợi của các "kiều nữ".

Chưa dừng lại ở đó, nhiều gia đình khá giả còn thuê dàn nhạc tây đến phục vụ nhiều lượt, mỗi lượt từ 1 giờ đến vài giờ, ban đầu thì cũng sử dụng những bài hát thích hợp như "Lòng mẹ" hay "Tình cha", nhưng lúc sau thì thích bài nào thì chơi bài đó, kể cả những bài nhạc giật gân, pop, rock, khi nhạc tây đến đã thu hút rất nhiều người xem, những đám tang cặp theo tuyến giao thông thì người tham gia giao thông cũng hiếu kỳ đậu lại xem đến khi kết thúc, làm tắc nghẽn giao thông. Sau vài bản nhạc lại đến phần ảo thuật của đội ngũ này thực hiện.

Đại đức Thích Phước Trí (chùa Bát Nhã, TP.HCM) cho biết theo đúng những gì được dạy trong giáo lý đạo Phật, mỗi khi có người qua đời, gia đình nhà hiếu mời thầy về tụng kinh siêu độ. Không khí của lễ tang mang một bầu khí trầm buồn, chỉ có tiếng gõ mõ tụng kinh, tiếng khóc thương của người đến viếng. "Khi người chết đã nằm xuống thì người sống cần phải giữ sự trang nghiêm trước linh cữu. Hơn nữa gia đình nhà tang lúc này đang rất đau buồn nên cần sự tĩnh lặng hơn là sự huyên náo ồn ào", thầy Phước Trí nói.

Thiết nghĩ, để thực hiện tốt Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, mỗi người phải có ý thức tổ chức lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện nét đẹp văn hóa cộng đồng, không phô trương, hình thức, lãng phí và phải phù hợp với điều kiện kinh tế và mối quan hệ tình cảm, xã hội của gia đình mình.

HK(tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/83137/choang-voi-nhung-dich-vu-la-dam-tang-thoi-hien-dai.html