Chơi billiard, kể chuyện 'thế hệ trà đá' cùng Wren Evans

Wren Evans thừa nhận mình từng là người có 'máu nghiện game', thích ra quán Internet với bạn bè. Nhưng từ khi theo đuổi âm nhạc, anh kỷ luật hơn với bản thân, hạn chế sở thích này.

Giờ tan tầm, các con đường ở khu trung tâm TP.HCM lấy lại sức sống sau một giấc ngủ trưa dài. Trên phố, dòng xe hối hả hòa với tiếng chào mời từ các hàng quán tạo ra bầu không khí nhộn nhịp, mang màu sắc của một đô thị năng động.

Trái ngược với vẻ vội vã bên ngoài, cửa hàng đĩa than trên đường Nguyễn Văn Nguyễn (quận 1) - nơi tôi và Wren Evans hẹn nhau - lại có một sắc thái hoàn toàn khác biệt.

Bản nhạc nhẹ nhàng của Adele vang lên từ máy phát khiến dòng thời gian như trôi chậm lại. Mỗi lần bước chân vào đây, chúng tôi được chìm trong thế giới âm nhạc từ thập niên 1980 đến những ca khúc hiện đại.

Khác với tôi, Wren Evans yêu thích và đã có hơn 10 chiếc đĩa than với đa dạng thể loại. Nhưng khi từ Hà Nội vào TP.HCM làm việc, anh chỉ mang theo 2 cái. Là một nghệ sĩ, sở thích sưu tầm đĩa than với anh giống như động lực cho việc làm nhạc.

“Mỗi chiếc đĩa ở đây ẩn chứa nhiều giá trị và cảm xúc của người tạo ra nó. Cầm chúng, tôi thấy như được bước vào chuyến phiêu lưu của họ”.

Kể từ cuộc gặp lần trước, hơn một năm rồi chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện với nhau. Ngoài chủ đề âm nhạc, cả hai nói thêm những câu chuyện về đường phố, cuộc sống và thú vui sau công việc.

Lúc tôi đến, Wren đã khám phá xong một lượt các sản phẩm đang trưng bày trong tiệm.

Nghe anh rảo phím đàn piano, tôi không khó để nhận ra đó là giai điệu của Thích em hơi nhiều - MV đầu tay đưa tên tuổi Wren Evans đến gần hơn với khán giả.

Nhịp bossa nova của bài hát khiến mọi người thích thú nhẩm theo. Đam mê nhiều thể loại, nhưng đây mới là âm hưởng theo chân anh từ những ngày đầu theo đuổi nghệ thuật.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyển vào TP.HCM để phát triển sự nghiệp, Wren thừa nhận giới trẻ ở hai thành phố có gout thưởng thức âm nhạc riêng biệt.

“Ở đây có những chiếc đĩa mà ngoài Bắc không có và ngược lại. Thị hiếu nghe nhạc của hai miền khá khác, song đó cũng là điều thú vị với người nghệ sĩ như tôi”.

Wren coi làm nhạc tương tự công việc của một người sáng tạo. Mô típ làm việc giống nhau nhưng cách cho ra đời một tác phẩm lại khác nhau.

Chẳng hạn, Charlie Puth “nhảy số” ra bài hát mới khi nghe tiếng bật công tắc. Còn Wren thì dựa vào những nguồn cảm hứng đến bất ngờ.

“Ý tưởng ‘xoẹt’ qua khá là nhanh và nhiều, quan trọng mình có kịp bắt nó hay không. Mọi người thường nói nhạc của Wren mang màu sắc của US-UK.

Nếu được thử một phong cách mới, tôi sẽ gói gọn nó bằng album Baby one more time của Britney Spear. Chiếc đĩa này tôi đã nghe nhiều lần rồi, nhưng mỗi lần thấy là lại ‘oh wow’. Album này chứa rất nhiều ý nghĩa, sự tiên phong trong phối khí”.

Trong lúc trò chuyện, Wren hào hứng khi nhìn thấy chiếc đĩa than cũ, đã ngưng phát hành trên thị trường, nhưng tiệm chỉ trưng bày chứ không bán.

Dù tiếc nuối, anh vẫn gật gù đồng ý: “Đúng là nên giữ lại những chiếc này. Bản này khá hiếm, thật vui khi thấy nó ở đây”.

Tôi giới thiệu cho Wren một album khác, khá thịnh hành hiện nay của Olivia Rodrigo - một giọng ca trẻ cũng thuộc thế hệ Z. Sau khi chọn thêm vài sản phẩm, chúng tôi nhanh chóng chạy qua điểm hẹn tiếp theo để chơi billiard cùng vài người bạn khác.

Wren là một tay chơi billiard khá cừ với 5 năm kinh nghiệm. Ngay từ lúc nhập cuộc, tôi cũng nhận ra mình ít cơ hội để thắng chàng trai này.

Trước đó, Wren đã chỉ tôi vài thứ về trò chơi này như cách chọn cây cơ để tăng tỷ lệ vào lỗ, tư thế ngắm chuẩn xác hay sự khác nhau giữa các loại bàn.

“Mỗi lần tôi sẽ chơi với một hội khác nhau, lần cuối cùng chắc là đấu với Anh Phan và Low G. Có lúc thắng lúc không, quan trọng là vui, giải tỏa được căng thẳng. Tôi rất thích bộ môn này”.

Dù lịch trình bận rộn, mỗi tuần Wren đều dành một ngày cho bản thân. Thỉnh thoảng, ngoài billiard, anh còn chơi bóng đá, bóng bầu dục, bơi lội. Lúc đi chơi, Wren không thích mặc cầu kỳ, mang theo nhiều đồ và thường chỉ chọn outfit trắng - đen.

Wren cũng thừa nhận mình là người có “máu nghiện game”, thích ra quán Internet với bạn bè. Nhưng từ khi theo đuổi âm nhạc, Wren kỷ luật hơn với bản thân, hạn chế sở thích này.

Sinh năm 2001 nhưng Wren nói mình thuộc thế hệ trà đá, không phải thế hệ trà sữa như các bạn Gen Z cùng trang lứa.

Hồi còn ở Hà Nội, cậu thường ngồi quán trà đá vỉa hè, nghe người lớn tuổi hơn nói chuyện về đủ loại chủ đề.

“Mấy năm trước giới trẻ hay có câu ‘trà đá chém gió vỉa hè’. Thật sự rất đúng, ra đây nghe mọi người nói với nhau từ chuyện ngập lụt, tắc đường đến ở đâu có cái gì hay, văn hóa mới lạ. Tôi với anh em thì thường chia sẻ những thứ đời thường, xoay quanh âm nhạc”.

Khi được hỏi về một bữa tiệc âm nhạc trong mơ, anh chàng không ngừng kể ra những cái tên huyền thoại như Kendrick Lamar, Jacob Collier, Tom Misch, Britney Spear…

“Chà, có lẽ gout nghe nhạc của tôi khá già dặn. Hồi nhỏ tôi được gia đình cho học piano cổ điển và tập những bản nhạc khó nhằn. Nhưng cũng nhờ đó tôi có vốn liếng, nền tảng tốt cho quá trình sản xuất nhạc”.

Chơi hết 3 ván, trời đã sập tối sau cơn mưa lớn, tôi và Wren đành tạm biệt nhóm bạn, kết thúc buổi đi chơi. Hôm sau, Wren còn nhiều lịch trình khác nên cũng không thể nán lại lâu.

Từ lúc Nam tiến, công việc của anh ngày càng bận rộn. Ở tuổi 21, chàng trai ấp ủ nhiều dự án nghệ thuật và dự định riêng cho con đường âm nhạc. Nhưng điều này cũng mở ra cho cậu một chương mới với không ít thử thách phía trước.

“Nếu phải đặt tên một bài hát về cuộc đời mình chắc Wren sẽ chọn Tây Du Ký. Nhiều tình tiết trong bộ phim này khá là lạ mà đối chiếu với hành trình của Wren thì cũng có vài điểm tương đồng. Gout nhạc của Wren khá Tây nên chọn tên này là hợp lý”, Wren dí dỏm nói.

Trong lúc chờ xe, chúng tôi thảo luận thêm về bộ phim anime Neon Genesis Evangelion xem lại gần đây. Wren nói nếu có cơ hội được làm OST cho phim ảnh, anh nhất định sẽ chọn thể loại hoạt hình.

“Hoạt hình luôn chứa những yếu tố bất ngờ, nhiều tình tiết ảo, kỳ lạ. Không biết nếu chèn âm thanh vào những đoạn đó sẽ cho ra kết quả như thế nào. Wren khá tò mò và thấy nó rất thú vị”.

Đợi tầm 10 phút thì taxi tới, chúng tôi chào nhau sau một buổi tối nhiều cảm xúc.

“Khi nào có dịp gặp lại thì cùng chơi cờ vua nhé”, Wren ngoái lại, nói với ra từ sau kính cửa.

Phương Thảo

Ảnh: Phương LâmVideo: Văn Nguyện - Hải DươngThiết kế, dàn trang: Minh TríSản xuất: Phan Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/choi-billiard-ke-chuyen-the-he-tra-da-cung-wren-evans-post1345929.html