Chơi 'tàu lượn siêu tốc' ở DEEP C

Từ một vùng đất hoang hóa, DEEP C đã trở thành một tổ hợp khu công nghiệp sinh thái hiện đại nhờ sự lãnh đạo quyết liệt và 'khó đoán' của CEO Bruno Jaspaert, với hành trình phát triển đầy thử thách và kịch tính như trò chơi 'tàu lượn siêu tốc'.

Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng II

Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng II

Vào một ngày cuối năm 2018, chị Bùi Thị Thùy Dung, một trợ lý dự án sống tại Hà Nội, nhận được lời mời phỏng vấn từ DEEP C - khi ấy vẫn mang tên Khu công nghiệp Đình Vũ.

Nhớ lại thời gian đó, cái tên Đình Vũ không hề mang đến cho chị Dung cảm giác hấp dẫn mà ngược lại, nó gợi lên hình ảnh một nơi xa xôi, hoang sơ. Chị vẫn không thể quên trước đây một thành viên trong nhóm phượt của chị bị ngã và chảy máu trên đoạn đường đá gồ ghề đi qua cảng Đình Vũ và Khu công nghiệp Đình Vũ để ra bến phà Gót đi ra đảo Cát Bà. Xung quanh là những nhà máy sắt thép, bồn chứa xăng dầu khổng lồ và đầm lầy hoang hóa.

Dù vậy, chị vẫn quyết định đi phỏng vấn, mang theo hy vọng được trở về quê hương sau thời gian dài làm việc ở thủ đô. Vượt ngoài mong đợi, chị liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi khám phá những thay đổi đầy tích cực của nơi từng gắn liền với vẻ đơn sơ.

Khi bước ra khỏi thang máy lên văn phòng tại tầng 5 của tòa nhà trên đường Trần Phú, Hải Phòng, chị Dung bất ngờ khi thấy nhiều chuyên gia nước ngoài đứng khắp các hành lang. Buổi phỏng vấn diễn ra với một quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt và sau hai vòng phỏng vấn căng thẳng, chị đã chính thức trở thành nhân viên của công ty, trong vai trò chuyên viên tiếp thị.

Trong những tháng tiếp theo, chị Dung và các đồng nghiệp được đào tạo rất bài bản, thậm chí cả về các phương pháp kỹ thuật như việc bơm cát thủy lực để biến những vùng đất sình lầy thành mặt bằng công nghiệp, cho đến việc tìm hiểu về mô hình hoạt động của các khu đất, nhà xưởng và cảng cho thuê. Những trải nghiệm này khiến chị không khỏi ngạc nhiên, bởi trước đó, chị chưa bao giờ nghĩ rằng quê hương mình lại có một dự án quy mô như vậy.

Ông Bruno Jaspaert, CEO của DEEP C

Ông Bruno Jaspaert, CEO của DEEP C

Chị làm việc trong một môi trường đa quốc gia với phong cách quản lý linh hoạt, nơi người sếp trực tiếp chú trọng vào kết quả công việc, giúp quãng đường hơn 10km từ nhà đến công ty trở nên gần hơn mỗi ngày.

Tuy nhiên, những thay đổi tích cực này không phải là sự ngẫu nhiên, mà chỉ bắt đầu vài tháng trước đó khi ông Bruno Jaspaert tiếp nhận vai trò CEO của DEEP C. Chị Dung cũng không hề hay biết mình vừa bước vào một hành trình lột xác của công ty, đầy bất ngờ và thử thách, như chính trò chơi ‘tàu lượn siêu tốc’ mà vị CEO gốc Bỉ thiết kế và làm mới mỗi ngày.

Thắt dây an toàn

Ông Bruno nhớ lại, sau một tuần khảo sát tại Hải Phòng trước khi nhận vị trí CEO, ông nhận ra rằng DEEP C cần một cú hích mạnh mẽ, bởi tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và chưa bắt kịp đà tăng trưởng của Việt Nam.

Dù đã sở hữu năm dự án khu công nghiệp tại Hải Phòng và Quảng Ninh với tổng diện tích 3.400 ha từ sau cái bắt tay giữa nhà đầu tư Bỉ DEEP C Holdings và UBND thành phố Hải Phòng vào năm 1997 để phát triển hạ tầng công nghiệp, DEEP C mất gần 25 năm để lấp đầy dự án đầu tiên rộng hơn 540ha. Dự án thu hút các tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất sắt thép, lốp xe và hóa chất, hóa dầu như Chevron, Bridgestone.

“Tôi luôn tin rằng một công ty muốn phát triển cần phải tương xứng với sự tăng trưởng của quốc gia, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Khi tôi đến, DEEP C vẫn chưa đạt được điều này và vẫn đang hoạt động dưới tiềm năng thực sự của mình,’ ông Bruno chia sẻ.

Là một lão làng trên thương trường toàn cầu và luôn tìm kiếm những thử thách mới, ông quyết định rời bỏ vị trí cấp cao tại một công ty đa quốc gia của Mỹ để gia nhập đội ngũ nhỏ bé của DEEP C tại Việt Nam. Mục tiêu của ông là tái định vị thương hiệu, viết nên một câu chuyện xứng tầm với ý tưởng táo bạo: biến DEEP C thành một công ty mang tư duy và tầm nhìn quốc tế, tiên phong trong những xu hướng hiện đại và kiên định theo đuổi triết lý kinh doanh cùng quản trị bền vững.

Không vội vàng thay đổi hay can thiệp, ông dành nhiều thời gian lắng nghe, để mọi người giải thích lý do đằng sau cách họ đang làm việc, để thực sự thấu hiểu đội ngũ của mình.

Sau sáu tháng quan sát và đánh giá, một bài thuyết trình quan trọng đã được đưa ra trước nhân sự nội bộ và cổ đông, nhấn mạnh rằng mô hình hiện tại không còn hiệu quả và cần thay đổi. Thay vì chỉ bán đất công nghiệp, công ty sẽ trở thành “điểm đến duy nhất” cung cấp toàn bộ dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng và phát triển nhà máy và hoạt động hiệu quả. Có như vậy, DEEP C mới thay đổi được cục diện, kể cả khi tăng giá đất thêm 10 USD mỗi mét vuông.

“Tôi muốn khu công nghiệp trở thành một nơi xanh, đẹp, khiến cho bất cứ ai đến làm việc cũng cảm thấy dễ chịu, chứ không phải là những khu vực xám xịt, ô nhiễm và xuống cấp”, ông Bruno nhấn mạnh.

Tầm nhìn dài hạn gặp phải sự kháng cự từ đội ngũ nhân sự, đặc biệt khi đề xuất tăng giá đất bị cho là bất khả thi. Mô hình quản lý “kim tự tháp’ với thói quen ra chỉ thị từ trên xuống đã ăn sâu vào phong cách quản lý của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thời bấy giờ khiến cho nhân sự trở nên bị động và bị giới hạn tầm nhìn cũng như bị kìm hãm và thậm chí thui chột sự sáng tạo. Ông hiểu rằng cần thay đổi từ gốc, mọi thứ cần xuất phát từ nền tảng là tư duy và tầm nhìn.

Để phá vỡ lối mòn, ông Bruno tiến hành tái cấu trúc lại các phòng ban. Trước đây, bộ phận chăm sóc khách hàng và kinh doanh hoạt động tách biệt, trong khi các bộ phận kỹ thuật, nước và điện cũng làm việc độc lập. Nhận thấy sự thiếu phối hợp giữa các bộ phận, ông quyết định gộp chúng lại với nhau và thúc đẩy một môi trường làm việc chung, thay vì duy trì sự tách biệt như trước.

Quan trọng hơn, ông truyền cảm hứng đón nhận thử thách cho nhân sự nhưng cũng đồng thời trao cho họ sự tự do - tự do thử nghiệm, tự do thất bại, nhưng phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Điều này giúp họ tự do hơn, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực để vượt qua vùng an toàn.

Sự thay đổi không diễn ra ngay lập tức. Với một nền văn hóa vốn quen phụ thuộc vào “ý kiến sếp”, không ít người cảm thấy khó thích nghi. Nhưng ông tin rằng thất bại là một phần của học hỏi. “Tôi chấp nhận thất bại, miễn là họ dám thử”, ông chia sẻ.

Ngoài sự quyết liệt thì điều đặc biệt ở ông Bruno là sự “khó đoán”. Ông liên tục thay đổi để tránh sự nhàm chán và thúc đẩy sáng tạo. Ông tin rằng sự thay đổi liên tục chính là cách để tạo nên một văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, nơi nhân viên không chỉ làm việc mà còn phát triển và lớn mạnh cùng công ty. Những nỗ lực đã mang lại kết quả. Số lượng chuyên gia nước ngoài giảm còn một nửa, khi đội ngũ nhân sự địa phương ngày càng đảm nhiệm hiệu quả các vai trò quan trọng.

“Làm việc ở đây như lên tàu lượn siêu tốc mỗi ngày - đầy thử thách, không ngừng nghỉ, nhưng luôn thú vị”, ông ví von.

Khu công nghiệp Deep C

Khu công nghiệp Deep C

Viết lại câu chuyện xứng tầm

Khi tháo gỡ được nút thắt tư duy, vị doanh nhân người Bỉ đã khơi dậy sức mạnh tổng hòa từ hàng trăm con người, cùng nhau hướng đến những mục tiêu lớn và tầm nhìn dài hạn. Khoảnh khắc ý nghĩa nhất chính là khi mọi thứ vào guồng và bắt đầu tự vận hành.

“Tôi từng làm việc tại tám quốc gia, nhưng phải thừa nhận rằng nhân sự ở đây là những người chăm chỉ và tài năng nhất. Họ tự đặt ra tiêu chuẩn rất cao”, ông Bruno chia sẻ.

Bước vào hành trình chuyển mình từ cuối năm 2018, DEEP C đặt mục tiêu trở thành nhà phát triển công viên công nghiệp sinh thái hàng đầu tại Việt Nam, nơi tăng trưởng kinh tế được kết hợp hài hòa với phát triển bền vững. DEEP C là một trong những khu công nghiệp tiên phong tại Việt Nam đã và đang chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái do Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện, DEEP C đã triển khai 137 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Chiến lược bền vững của công ty xoay quanh ba trụ cột chính: hành tinh, con người và lợi nhuận. Những trụ cột này phản ánh cam kết của DEEP C trong việc tạo ra một môi trường sống bền vững, chăm sóc cộng đồng và đảm bảo lợi ích tài chính lâu dài.

Với hành tinh, DEEP C ưu tiên chọn lọc các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao thay vì lĩnh vực công nghiệp nặng và thâm dụng lao động. Chẳng hạn, DEEP C đã thu hút Tập đoàn SK (Hàn Quốc) xây nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao đầu tiên tại Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững và đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh doanh sinh thái và công nghệ cao ở miền Bắc.

DEEP C chú trọng giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý nước và chất thải hiệu quả, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, DEEP C hợp tác với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để triển khai dự án năng lượng mặt trời bằng cách lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng/nhà máy của họ và kết nối vào lưới điện khu công nghiệp, nhằm mục tiêu giảm phụ thuộc vào lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đến năm 2040 đáp ứng 50% nhu cầu điện sản xuất kinh doanh trong DEEP C. Doanh nghiệp này cũng lắp đặt tua-bin gió với công suất 2,3 MWp vào cuối năm 2021.

Công ty cũng đã phát triển vùng đất ngập nước và khu vực xanh rộng 62,4 ha, bảo tồn 54 loài thực vật và 18 loài động vật, góp phần xây dựng hệ sinh thái bền vững trong các khu công nghiệp.

“Nhiều công ty khác đang theo bước chúng tôi làm phát triển bền vững và tôi hoàn toàn hoan nghênh điều đó. Chúng tôi xác định làm người tiên phong trong việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thậm chí còn làm việc với các bộ ngành để định hình tiêu chuẩn cho tương lai”, ông Bruno chia sẻ.

Chúng tôi xác định làm người tiên phong trong việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thậm chí còn làm việc với các bộ ngành để định hình tiêu chuẩn cho tương lai.

Ông Bruno Jaspaert, CEO DEEP C

Đối với con người, DEEP C đặt trọng tâm vào việc phát triển nhân lực, đảm bảo an toàn lao động và đóng góp cho cộng đồng. Trong năm qua, công ty đã tổ chức đào tạo an toàn lao động cho 260 nhân viên. DEEP C cũng tự hào với tỷ lệ nữ quản lý chiếm 48% tổng số vị trí lãnh đạo, thể hiện cam kết về bình đẳng giới.

Đặc biệt, DEEP C không chỉ là tổ hợp khu công nghiệp với máy móc và nhà xưởng, mà còn là không gian truyền cảm hứng cho sự chăm chỉ, sáng tạo và tận hưởng cuộc sống, nổi bật với những lễ hội ngoài trời ngập tràn ẩm thực, âm nhạc và bia, xứng đáng là một trong những nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024 theo ghi nhận của HR Asia.

Về trụ cột lợi nhuận, DEEP C không chỉ duy trì hiệu quả tài chính mà còn tích hợp các thực hành bền vững vào hoạt động kinh doanh. Doanh thu năm 2023 đạt trên 180 triệu USD, tăng 46% so với năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 39 triệu USD, tăng 52,3%. Công ty cũng cam kết tuân thủ các quy định về thuế và hợp tác với 238 nhà cung cấp trong nước, chiếm 79% tổng giá trị giao dịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

“Tôi tự hào về sự gắn kết của đội ngũ và sự phát triển của công ty”, ông Bruno chia sẻ.

Ngoài ba trụ cột chính, DEEP C đã xây dựng một hệ thống quản trị bền vững vững chắc. Hệ thống này không chỉ đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) mà còn tăng cường tính minh bạch thông qua việc công khai thông tin và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GRI, ESRS và SASB.

Theo ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của DEEP C, cũng nhờ phát triển khu công nghiệp sinh thái nên DEEP C nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhà đầu tư, khách hàng và đối tác có ý thức bảo vệ môi trường. Nếu như trước đây đối tác dành 3/4 thời gian để đàm phán giá và thời lượng còn lại dành để hỏi về bền vững thì đến nay, tình hình đã đảo chiều, họ tập trung tìm hiểu kỹ về yếu tố bền vững trong khu công nghiệp, thứ mà vị CEO của DEEP C đã xây dựng như một lợi thế cạnh tranh lớn.

Ông Bruno khẳng định, DEEP C hướng tới những nhà đầu tư muốn gắn bó lâu dài tại Việt Nam, với trọng tâm đặt vào chất lượng dịch vụ và giá trị bền vững. DEEP C giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và nguồn lực bằng cách cung cấp một nền tảng sẵn có, hỗ trợ họ đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như vận hành.

“Điểm khác biệt của DEEP C nằm ở việc tạo ra một môi trường chuyên nghiệp và “xanh” hơn, mang lại giá trị dài hạn thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ”, ông Bruno nói.

Xanh ở Deep C

Xanh ở Deep C

Nhờ tiên phong phát triển mô hình khu công nghiệp xanh, DEEP C đã xây dựng được niềm tin vững chắc từ các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng. Thiết kế hạ tầng mới với vùng đệm là các khu vực xanh và hệ thống thoát nước mở đã chứng minh hiệu quả trong việc điều tiết nước, ngăn ngừa ngập lụt, giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau siêu bão Yagi.

Cũng nhờ vậy mà chỉ sau sáu năm chuyển mình, ông Bruno và đội ngũ đã “làm mối” cho hàng trăm nhà đầu tư chất lượng khắp thế giới đến với Việt Nam với tổng số vốn FDI tăng gấp bảy lần. Nhiều đơn vị còn mang theo các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sang Việt Nam đặt nhà máy. Được phát triển với tư duy cấp tiến so với dự án đầu tiên cộng với những đột phá về hạ tầng ở Hải Phòng và Quảng Ninh, bốn khu công nghiệp mới của DEEP C đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các “đại bàng”, các nhà máy hiện đại nhanh chóng mọc lên và thay đổi diện mạo mỗi ngày.

Gia cố để tăng tốc

Ông Bruno Jaspaert, CEO DEEP C

Ông Bruno Jaspaert, CEO DEEP C

Coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai, vị doanh nhân người Bỉ luôn trân trọng cơ hội mà đất nước này mang lại. Nhưng hơn cả, ông ý thức rõ trách nhiệm đóng góp ngược lại cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt khi quốc gia này đang bước vào một kỷ nguyên mới đầy khát vọng.

“Điều tôi thấy đặc biệt ở Việt Nam là khi đã quyết tâm làm gì, mọi người đều dốc toàn lực để hoàn thành. Chính điều đó khiến tôi tin tưởng rằng trong bảy năm tới, Việt Nam sẽ ở một vị trí rất thuận lợi”, ông Bruno nhận định.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, ông cho rằng Việt Nam cần xây dựng một “nền móng” vững chắc hơn, cả về khung pháp lý, bộ máy hành chính lẫn chiến lược phát triển công nghiệp.

Một nền móng vững chắc không chỉ cần thiết cho một ngôi nhà để vững vàng trong cơn bão mà còn cho một công ty và rộng hơn là cả một quốc gia. Ông Bruno cho rằng, nền móng của Việt Nam hiện đang có nhiều bất ổn. Khung pháp lý chưa đủ rõ ràng, đôi khi còn mâu thuẫn, khiến cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuân thủ và vận hành. Một ví dụ điển hình là dự án tuabin gió mà công ty ông thực hiện tại khu công nghiệp. Vì không có quy chuẩn xây dựng cho loại công trình này trong khu công nghiệp, dự án phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý kéo dài.

Dù việc tái cơ cấu để tạo ra các “siêu bộ” là một tín hiệu tích cực, nhưng ông nhấn mạnh rằng những cải tổ này cần thời gian để chứng minh hiệu quả thực sự. Đối với ông, điều mà Việt Nam cần thay đổi lớn nhất - và cũng là giá trị cốt lõi mà ông đang nỗ lực xây dựng tại DEEP C - chính là sự cởi mở và minh bạch. Theo ông, trách nhiệm không thể dừng lại ở những văn bản hay lời nói mà phải được thể hiện qua hành động cụ thể. Bắt tay vào làm, sau đó chứng minh hiệu quả và giá trị của mình chính là cách làm việc hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, theo ông Bruno, Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư. Các ngành công nghiệp dựa vào lao động giá rẻ hay chi phí thấp như dệt may, da giày chỉ mang tính ngắn hạn. Khi chi phí tại Việt Nam tăng, những ngành này sẽ nhanh chóng di dời sang các quốc gia có chi phí thấp hơn.

Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam nên chậm lại một chút, tập trung vào chất lượng thay vì chạy đua về số lượng. Việt Nam nên tập trung phát triển thành điểm đến hấp dẫn cho các ngành công nghiệp thực sự tạo giá trị cốt lõi và mang lại giá trị bền vững. Dẫn chứng từ ngành năng lượng mặt trời, ông cho biết nhiều dự án đầu tư trong 5 năm qua chỉ dừng lại ở việc lắp ráp linh kiện từ Trung Quốc, khi Mỹ áp thuế mới, toàn bộ ngành này nhanh chóng bị di dời.

“Một nền móng vững chắc sẽ giúp xây dựng một ngôi nhà lớn và bền hơn”, CEO DEEP C nhấn mạnh.

Mặc dù chỉ ra nhiều thách thức, ông Bruno vẫn giữ niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của Việt Nam. Và dù thừa nhận rằng quá trình thay đổi sẽ không dễ dàng và cần nhiều thời gian, ông Bruno tin rằng với sự cởi mở, minh bạch hơn và tập trung vào cải thiện hệ thống nền tảng, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

“Thực sự khó để tìm thấy một quốc gia nào khác trên thế giới hiện nay có nhiều cơ hội như Việt Nam. Dĩ nhiên, vẫn còn rủi ro, nhưng so với các quốc gia khác, Việt Nam đang là một điểm đến rất hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Bruno khẳng định.

Đặng Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/choi-tau-luon-sieu-toc-o-deep-c-d38864.html