Chớm hè ngan ngát mùa điều, tôi nhớ về những món ăn từ quả chín ấu thơ
Nắng chuyển mùa chớm hè làm tôi nhớ thiết tha cái bóng mát nơi gốc điều. Nhớ mùi hương thoang thoảng của trái điều chín, thèm tô canh điều má nấu, và những món ăn khắc dấu mãi tuổi ấu thơ.
Người dân xứ tôi quen gọi cây điều là cây đào, trong khi từ miền Đông trở ra lại gọi là cây điều. Có lẽ đây là loại cây duy nhất hột nằm bên ngoài trái nên mọi người gọi luôn là “đào lộn hột”. Ba tôi không trồng điều thành vườn như người ta. Ba chỉ chọn giống điều ngọt, ít chát, trồng vài cây từ đầu ngõ vào đến trước sân nhà.
Chớm Hè, mùa chờ đợi cũng về, những trái điều căng mọng, ú na ú nần, trĩu nặng từng chùm trên cây như lồng đèn nho nhỏ. Cái hạt trưởng thành đã cứng cáp, nhìn như quả thận khuyết một bên. Tôi hít thật sâu mùi hương điều chín. Mãi đến bây giờ mùi hương ấy vẫn phảng phất bên tôi khi nhớ về kỷ niệm ngày thơ.
Chị em tôi đều là con gái nên ba cấm không cho leo trèo, thu hoạch điều là chờ các nàng ấy chín rụng. Sáng sớm, ba chị em đem thau, rổ ra gốc điều lượm trái chín. Sau một đêm, dưới những gốc điều, trên lớp lá khô dày rụng đầy trái, chị em tôi tha hồ lượm.
Tuy là trái rụng nhưng nguyên vẹn và sạch bóng, vừa lượm vừa chùi vô áo rồi ăn. Ôi, ngọt lịm, tươm đầy nước quả thơm nồng. Chúng tôi chỉ ăn phần phình to gần hột, còn phần gần cuống vừa nghe có tí vị chát là quăng ngay. Trước khi đi lượm điều, má bắt buộc mấy chị em tôi phải thay đồ màu tối để tránh dính mủ dơ, giặt không ra.
Mang điều về nhà chị em tôi nâng niu lấy hạt. Má dặn dò là phải vặn nhẹ theo chiều kim đồng hồ, điều mới không bị giập. Xong công đoạn lấy hạt, má rửa sạch và chia thành từng nhóm: Trái nguyên vẹn thì để dành ăn sống, trái hơi giập thì để chế biến thức ăn, trái giập nhiều thì vắt lấy nước, sên thành thứ siro mà nhà tôi quen gọi là rượu điều. Rượu điều chữa bệnh đau bụng, khó tiêu rất hay, chỉ cần một cốc nhỏ, thơm ngon dễ uống, hết khó chịu ngay. Má tôi làm mấy chai rượu điều để dùng cả năm, đến tận mùa điều năm sau.
Điều được má chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, cả chay và mặn. Ba tôi thích món khô cá sặc trộn với điều. Ba nướng khô thơm nức, hai nhỏ em cùng ba xé khô, lấy phần thịt bỏ xương. Tôi chạy ra sân sau, hái mấy quả dưa leo xanh mướt, một nhúm rau răm, mấy trái ớt đỏ tươi rửa sạch mang vô bếp cho má. Một dĩa khô trộn đầy màu sắc đỏ vàng của điều, đan xen màu xanh lá của dưa leo, màu vàng nâu của khô, lấm tấm trắng đỏ của tỏi ớt băm hòa nhau ngon lành cả hương lẫn vị. Có món này, ba tôi ăn những năm chén cơm.
Tôi thì thích món canh chua điều do chính tay má nấu, nguyên liệu đều "cây nhà lá vườn". Cá đối ba đi chài trong vuông dưới mé sông, tươi sống tròn lẳn, cần tàu và lá me non ngoài sau vườn. Chỉ thế thôi mà với bàn tay “ngự trù” má đã làm cho tôi ghiền món canh chua điều đến thế. Điều trong canh má nấu mềm mà dẻo, tô canh nóng hổi bốc mùi thơm ngọt ngào, vị hơi chua, từng muỗng tan vào miệng thanh tao.
Ngủ trưa dậy, mấy chị em buồn miệng, đâm một chén muối ớt, cắt dĩa điều và hít hà. Màn điều chấm muối ớt luôn bị sặc nhưng chị em tôi vẫn rất thích thú, cười ngặt nghẽo. Má nấu cơm chiều xong, ba vùi hạt điều trong bếp than, mùi dầu trong vỏ hạt điều tươi thơm nồng. Ba dùng hai viên đá đập vỏ, lấy phần nhân hạt để ra dĩa cho chúng tôi. Như “tằm ăn rỗi”, ba tôi phục vụ không kịp ba cái “tàu há mồm”.
Ngoài các món ngày mặn, đến ngày chay, má kho điều ăn cũng rất ngon. Má còn có tuyệt chiêu sên mứt điều, sáng điểm tâm ăn kèm với bánh mì ngon như mứt thơm. Lá điều non ăn với bánh xèo, bánh tráng tôm thịt, cả chấm nước cá kho cũng ngon tuyệt.
Một mùa điều qua, một mùa điều đến. Tuổi thơ trôi qua, kỷ niệm nhớ hoài. Tôi nhìn mùa Hè tới, lại thấy nôn nao trong lòng một mùa điều thơm ngát.