Chọn cho được cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

"Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy nhà nước là chủ trương lớn, đúng đắn của Trung ương. Chúng tôi hết sức ủng hộ, nhưng trong quá trình thực hiện cần phải lựa chọn được những cán bộ thực sự có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức. Đặc biệt là phải kiên quyết chống tình trạng chạy chức, chạy quyền, không để lọt vào bộ máy những cán bộ yếu kém”, cử tri Nguyễn Thanh Quyền (thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 14.12 vừa qua.

Ý kiến của vị cử tri trên đây đề cập đến một công tác rất cụ thể nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đó là: làm sao để đánh giá, lựa chọn cho đúng, trúng những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ của bộ máy mới. Đây cũng là một trong 3 câu hỏi lớn được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng hôm qua, 16.12: làm sao phải có đội ngũ cán bộ có giác ngộ, có tâm huyết vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng?

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Ở bình diện chung, với những nguyên tắc đã được Trung ương đưa ra, với sự quyết tâm, khí thế cách mạng và hành động quyết liệt trong cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân như hiện nay thì tinh gọn bộ máy là xu thế không thể đảo ngược. Nói cách khác, dù có khó khăn, phức tạp, nhưng tinh gọn bộ máy là việc chắc chắn sẽ làm được, không ai có thể đứng ngoài, không ai có thể trì hoãn. Thực tế đã cho thấy, chỉ trong mấy tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đã triển khai khối lượng công việc rất lớn để chuẩn bị các điều kiện cho cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy với khí thế, tiến độ có thể nói là khẩn trương chưa từng có, “thần tốc” chưa từng có.

Tuy nhiên, công tác cán bộ có những phức tạp riêng khi đụng chạm trực diện đến con người với những tâm tư, tình cảm, lợi ích hết sức đa dạng. Thực tế triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mấy chục năm qua cũng cho thấy, trong bộ máy vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn, suy thoái về đạo đức, tư tưởng, chính trị. Đây cũng chính là một trong những yếu tố khiến công cuộc cải cách tổ chức bộ máy chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra bởi bộ phận cán bộ này hơn ai hết không muốn cải cách, thậm chí tìm mọi cách trì hoãn cải cách để bảo toàn lợi ích của chính mình và “ê kíp” của mình.

Trong khi đó, công tác cán bộ dù luôn được Đảng ta xác định là khâu then chốt, quyết định thành bại của mọi công việc, các quy trình, quy định, tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ, minh bạch hơn nhưng đến nay vẫn còn những hạn chế. Như Tổng Bí thư Tô Lâm, trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngày 16.12, đã chỉ rõ: công tác tuyển chọn, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ hiện còn rất nhiều tồn tại, bất cập; công tác quản lý, đánh giá cán bộ còn rất khó khăn; công tác phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa chưa đồng đều; bố trí chiến lược cán bộ cũng chưa được chú trọng; sinh hoạt Đảng, nhiều nơi còn hình thức, tính chiến đấu trong tự phê bình, phê bình còn thấp; việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ tuy có chuyển biến bước đầu nhưng hiệu quả cũng chưa cao; tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, vụ lợi trong công tác cán bộ vẫn còn xảy ra một số nơi, một số cán bộ lãnh đạo...

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sáng 1.12, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những “căn bệnh” của công tác cán bộ trước Đại hội “phải hết sức lưu ý khắc phục” như: người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...”.

Như thế để thấy rằng, hơn lúc nào hết, càng trong giai đoạn quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy hiện nay, càng phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Trước hết, theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải “khẩn trương rà soát để có phương án cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh; kiên quyết phòng, chống việc lợi dụng chủ trương sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ để tiêu cực, tham nhũng”. Thực hiện nghiêm yêu cầu này, chúng ta sẽ thực sự “giữ chân” được những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để đảm đương được trách nhiệm, nhiệm vụ trong bộ máy mới và đó cũng sẽ là cơ sở để động viên, khuyến khích một bộ phận cán bộ sẵn sàng rời khỏi bộ máy nhà nước, chấp nhận thay đổi, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung.

Cùng với đó, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất, vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Đặc biệt, từng tổ chức đảng, người đứng đầu tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan, phải thấu triệt và thực hiện nghiêm cẩn các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ. Chỉ như vậy, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy mới thực sự tạo nên sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chon-cho-duoc-can-bo-ngang-tam-nhiem-vu-post399511.html