Chọn công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để xây dựng cảng nước sâu Bãi Gốc

Sáng 13/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát khu vực dự kiến xây dựng cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác Chính phủ tại khu vực xây dựng Cảng Bãi Gốc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác Chính phủ tại khu vực xây dựng Cảng Bãi Gốc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Theo Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021, Cảng Bãi Gốc phục vụ và phát triển khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Cảng Bãi Gốc có tổng diện tích sử dụng đất và mặt nước là 220ha. Diện tích mặt đất 134ha, đã giải phóng mặt bằng; diện tích mặt nước 86ha, cách mép bờ 20m. Mực nước cảng có độ sâu khoảng từ -20m ÷ -25m.

Sau khi khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, tỉnh Phú Yên cần có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết rõ ràng để xây dựng phù hợp.

Trong quá trình thực hiện xây dựng cảng Bãi Gốc phải tính toán được công suất sử dụng hiệu quả.

Đối với hạ tầng trong khu vực được kết nối đồng bộ từ hệ thống giao thông, viễn thông, xử lý nước thải... Quan trọng nhất là giao thông phải có đầy đủ đường bộ, đường sắt, đường biển. Từ đây tạo nên một hệ sinh thái phát triển từ công nghiệp đến logistics với chi phí thấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý, Phú Yên là tỉnh đi sau trong việc đầu tư xây dựng cảng biển, vậy nên chọn lựa những công nghệ mới nhất, an toàn nhất đối với môi trường.

Bên cạnh đó, địa phương cần tính toán được nhu cầu lao động làm việc trong các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên để quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân; phát triển hạ tầng đô thị ở những khu vực chung quanh..

Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, việc đầu tư và phát triển cảng Bãi Gốc và khu công nghiệp Hòa Tâm là hạt nhân của Khu kinh tế Nam Phú Yên, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển.

Đây là lợi thế của tỉnh Phú Yên trong tăng cường liên kết giữa các vùng, các địa phương trong quá trình phát triển, nhất là giữa Nam Phú Yên-Bắc Khánh Hòa và Phú Yên-Tây Nguyên, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Định hướng cảng Bãi Gốc thực hiện theo phương thức nhà đầu tư tự bỏ vốn ra đầu tư và kinh doanh; có bến tổng hợp, bến chuyên dụng cho nhà máy thép; bến chuyên dụng cho nhà máy lọc dầu; bến chuyên dụng hàng lỏng, khí; khu vực logistics. Bến chuyên dùng tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 250 nghìn tấn. Bến tổng hợp tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 50 nghìn tấn...

Theo định hướng đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, Khu kinh tế Nam Phú Yên được tiếp tục xây dựng và phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng và các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, trở thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực.

Việc đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và khu hậu cần cảng biển có ý nghĩa hết sức quan trọng, với mục tiêu là cảng tổng hợp, phát huy được các lợi thế về các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường thủy nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực thu hút những dự án công nghiệp, dịch vụ lớn đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chon-cong-nghe-moi-nhat-hien-dai-nhat-de-xay-dung-cang-nuoc-sau-bai-goc-post747532.html