Chọn Form CO cho điều nhân xuất khẩu là cần thiết

Sáng nay 17-9, tại khách sạn Bombo (thành phố Đồng Xoài), Hội Điều Bình Phước tổ chức hội nghị đào tạo về cách khai và xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa (gọi tắt là CO) cho điều nhân xuất khẩu, với sự tham gia của hơn 100 hội viên, doanh nghiệp.

Hội nghị nhằm giúp cho hội viên, doanh nghiệp hiểu rõ cơ chế, nguyên tắc, thủ tục xin CO đối với từng nguồn hàng điều thô khác nhau, từ đó tận dụng tối đa các nguồn hàng sẵn có để xin CO, tránh các sai phạm không đáng có.

Bình Phước là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động với 1.416 cơ sở chế biến hạt điều, 140 doanh nghiệp vừa và nhỏ và hơn 1.200 doanh nghiệp siêu nhỏ, 39 tổ hợp tác sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động dưới hình thức hỗ trợ nhau trong liên kết sản xuất, hướng đến sản xuất theo chuỗi khép kín. Trong đó có hơn 200 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu điều nhân. Ngành điều đang đóng góp lớn vào sức tăng trưởng kinh tế của tỉnh khi chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của tỉnh.

Hội viên, doanh nghiệp tham gia hội nghị

Hội viên, doanh nghiệp tham gia hội nghị

Theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và một số quốc gia thì nhân điều xuất khẩu vào các thị trường này, nếu có chứng nhận CO thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Thời gian qua, một số hội viên, doanh nghiệp lầm tưởng rằng để lấy được CO thì phải là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam cho nên đã tìm cách khai hàng xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Hải quan Bình Phước đã thành lập các đoàn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ghi nhận nhiều lỗi vi phạm các doanh nghiệp thường mắc phải như: khai sai tên hàng, xuất xứ, đơn vị tính, mã loại hình lô hàng xuất khẩu nhân hạt điều; khai sai số lượng và trị giá so với thực tế nhập khẩu của một số lô hàng nhập khẩu; cung cấp chứng từ tài liệu không đúng với thực tế đề nghị của Bộ Công Thương cấp chứng nhận CO.

Hội viên, doanh nghiệp trao đổi tại hội nghị

Hội viên, doanh nghiệp trao đổi tại hội nghị

Bên cạnh đó, một số trường hợp doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu mà không khai báo với cơ quan hải quan; quản lý không tốt nguyên phụ liệu nhập khẩu để tồn thực tế chênh lệch âm với tồn trên hồ sơ khai báo hải quan; lập báo cáo quyết toán không đúng với thực tế sử dụng; xử lý một lượng phế liệu hàng nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu không đúng quy định…

Tại hội nghị, chuyên gia CO đến từ Bộ Công Thương đã chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cho doanh nghiệp về thủ tục xin xuất xứ, quy tắc xuất xứ và cụ thể mặt hàng để doanh nghiệp đạt được mục đích là xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và các nước ASEAN đúng theo quy định hiện hành và cấn trừ được điều thô nhập khẩu.

Chủ tịch Hội điều Bình Phước Vũ Thái Sơn chia sẻ tại hội nghị

Chủ tịch Hội điều Bình Phước Vũ Thái Sơn chia sẻ tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội điều Bình Phước Vũ Thái Sơn cho rằng, hiện tại Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định với các nước (mỗi hiệp định là đi kèm mẫu CO riêng). Trong đó, nhiều hiệp định quy định điều thô nhập khẩu từ Châu Phi, Campuchia chỉ cần chế biến ở Việt Nam cũng được miễn thuế nhập khẩu vào Hàn Quốc. Hoặc giữa khối ASEAN có hiệp ước là điều thô nguồn gốc ở các nước Campuchia hoặc Indonesia, được sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu vào các nước như ASEAN và Trung Quốc cũng được miễn thuế nhập khẩu… Như vậy, việc kê khai tên hàng, xuất xứ, đơn vị tính và việc cho Form xin cấp CO cho mã loại lô hàng là rất cần thiết. Nếu chủ doanh nghiệp, nhân viên làm xuất nhập khẩu thực hiện sai thì doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân sẽ thiệt hại rất lớn.

Thanh Mảng - Trương Hiện

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/137010/chon-form-co-cho-dieu-nhan-xuat-khau-la-can-thiet