Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nêu 5 lưu ý phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu 5 lưu ý để TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Chiều 16/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” do UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nêu 5 lưu ý để TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng cùng các bộ, ngành nghiên cứu khi phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Việt Nam có quyết tâm và khát vọng xây dựng 2 trung tâm tài chính quốc tế
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” có vai trò rất quan trọng, bàn về vấn đề một vấn đề mới của Việt Nam, như là cú hích của nền kinh tế, là sự chuẩn bị để Việt Nam vươn mình cất cánh, tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên mới.
Bày tỏ vui mừng vì các chuyên gia đồng tình cao với Việt Nam về việc lựa chọn TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh triển khai xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những gợi ý của các chuyên gia, diễn giả về đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam chọn TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh vì 2 thành phố hội tụ đầy đủ yếu tố hiện tại và tiềm năng trong tương lai để hình thành trung tâm tài chính.
Chỉ ra điểm yếu khi xây dựng trung tâm tài chính của Việt Nam là bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên, chưa có kinh nghiệm về trung tâm tài chính quốc tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhận định, việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế sẽ có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng khẳng định, trung tâm tài chính quốc tế rất quan trọng, vì muốn thúc đẩy kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là một trong những quyết định mang tầm chiến lược. “Vì vậy, khó thì phải vượt qua, khó cũng phải đi và tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, cộng đồng quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế, thuận lợi, trong đó, một thuận lợi lớn là Việt Nam là đất nước ổn định, có cuộc sống thanh bình, an toàn, với những người dân cần cù luôn mong muốn sáng tạo, rất thân thiện với mọi người.
“Từ những lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng lãnh đạo 2 thành phố đều có cùng quyết tâm, khát vọng xây dựng 2 trung tâm tài chính quốc tế thành công. Khi có khát vọng và biết làm việc đó tốt thì sẽ có lời giải tốt”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
5 lưu ý để xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam thành công, từ hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành lưu ý 5 vấn đề.
Thứ nhất là pháp luật và cơ chế chính sách ưu đãi, hạ tầng pháp lý. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, trung tâm tài chính quốc tế muốn vận hành tốt phải có hạ tầng pháp lý tốt. “Việt Nam cam kết hạ tầng pháp luật Việt Nam đang nghiên cứu sẽ thông thoáng, cởi mở, minh bạch, đáng tin cậy và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Và mong cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lộ trình thực hiện trung tâm tài chính quốc tế thành 2 giai đoạn, tuy nhiên, ở điều kiện cho phép, nếu có thể sẽ triển khai ngay một số chính sách.
Thứ hai là vấn đề nhân lực. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các chuyên gia đều khuyến cáo phải có hiền tài, chuyên gia như chuyên gia quản trị trung tâm tài chính quốc tế, chuyên gia vận hành trung tâm tài chính quốc tế, chuyên gia xử lý rủi ro, chuyên gia giải quyết tranh chấp… “Vì vậy, các địa phương phải chuẩn bị một đội hình chuyên gia. Liên hệ với các trung tâm tài chính thế giới để đưa đội hình này đến thực tập, học tập, làm việc, học hỏi. Phải chuẩn bị đội ngũ nhân sự, đội hình chuyên gia đủ năng lực để có thể vận hành được trung tâm tài chính quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu.
Thứ ba là phải chuẩn bị về hạ tầng, gồm hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng môi trường sống, hạ tầng môi trường làm việc và một hệ sinh thái hậu thuẫn cho trung tâm tài chính quốc tế như trung tâm thương mại, bảo hiểm… “Những nhân sự của trung tâm tài chính quốc tế là những nhân tài. Mà nhân tài thường sống ở nơi đáng sống, vì vậy phải có điều kiện sống, điều kiện làm việc hấp dẫn”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói.
Thứ tư là phải lựa chọn hướng đi đúng, hướng đi độc đáo, đặc thù của Việt Nam, cùng với đó là các giải pháp liên quan. “Không phải đi học là bê nguyên của nơi khác về, mà trung tâm tài chính Việt Nam phải gắn với nền kinh tế Việt Nam, phải lựa chọn hướng đi hấp dẫn từ các chuyên gia gợi ý như xanh, Fintech, sở hữu trí tuệ… Lựa chọn hướng đi đúng để đảm bảo trung tâm tài chính quốc tế là một phần của kinh tế toàn cầu và hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Thứ năm là vấn đề kết nối, thu hút, truyền thông, lan tỏa. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị phải có chiến lược để kết nối với các trung tâm tài chính khác, thu hút chuyên gia, truyền thông, lan tỏa thông tin về trung tâm tài chính quốc tế. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng mong các chuyên gia, các nhà đầu tư đồng hành với Việt Nam trong mời gọi, giới thiệu trong lan tỏa truyền thông về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
“Tôi mong muốn lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng cùng các bộ, ngành sẽ thực hiện tốt quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để trong tương lai gần Việt Nam sẽ có một đạo luật đủ hấp dẫn, đáng tin cậy cho các nhà đầu tư; có hạ tầng cơ sở vật chất, môi trường sống thân thiện, hấp dẫn để 2 trung tâm tài chính quốc tế nhanh chóng trở thành sự thật, đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng.
Dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, UBND TP. Đà Nẵng đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác, tập đoàn gồm: Tập đoàn Terne Holdings; Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Ngoài ra, tại chương trình còn chứng kiến việc trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và các đối tác (Học viện TMC (Singapore); Đại học Yuan Ze (Đài Bắc, Trung Hoa); Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW).
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định Việt Nam có khát vọng, quyết tâm xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nêu 5 vấn đề TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng cần lưu ý khi xây dựng trung tâm tài chính gồm: Pháp luật và cơ chế chính sách ưu đãi, hạ tầng pháp lý; nguồn nhân lực; hạ tầng; hướng phát triển; và vấn đề kết nối, thu hút, truyền thông, lan tỏa.