Chọn lối rẽ nào khi 'cánh cửa' vào lớp 10 THPT công lập quá hẹp?

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội luôn là 'cuộc chiến' khốc liệt đối với học sinh và phụ huynh. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp sớm cho học sinh lớp 9 là một giải pháp hiệu quả để giúp các em giảm áp lực và có định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2023, thành phố có gần 105.000 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 THPT trong khi tổng chỉ tiêu là khoảng 72.000, khoảng 33.000 em không có suất vào công lập.

Đối với năm học 2024-2025, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội được cho còn khốc liệt hơn. Bởi năm học tới dự kiến có 134.942 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT, tăng 5.732 học sinh so với năm học 2023-2024.

Cô T.Thanh Ngọc - giáo viên dạy cấp THPT tại Hà Nội cho rằng, chọn lối đi nào sau tốt nghiệp THCS, THPT luôn là bài toán "cân não" với tất cả phụ huynh, học sinh. "Để chọn trường phù hợp với năng lực và trình độ của học sinh, phụ huynh cần thường xuyên quan tâm tới việc học tập của con em mình. Trường hợp con không vào được một trường công lập thì phụ huynh có thể cân nhắc một lối rẽ khác sang các trường dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường nghề...".

Để giảm bớt áp lực cho học sinh lớp 9 vào cuối cấp, nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi đầu cấp giúp học sinh định hình được nghề nghiệp cho mình, hiểu phần nào đó đặc thù mỗi nghề và từ đó xây dựng cho bản thân kế hoạch học tập sao cho phù hợp nhằm theo đuổi nghề nghiệp mình mong muốn.

Việc hướng nghiệp sớm cho học sinh lớp 9 là một giải pháp hiệu quả để giúp các em giảm áp lực và có định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp. Ảnh minh họa

Việc hướng nghiệp sớm cho học sinh lớp 9 là một giải pháp hiệu quả để giúp các em giảm áp lực và có định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia giáo dục, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm là rất quan trọng. Bởi khi các em đã có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai sẽ có động lực và quyết tâm học tập, rèn luyện để đạt được mục tiêu của mình.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã lồng ghép hướng nghiệp cho học sinh trong các chương trình dạy học chính khóa và ngoại khóa ở tất cả các khối. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi với gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phối hợp tìm hướng đi phù hợp với học sinh sau THCS. Tuy nhiên, định hướng của giáo viên, nhà trường đều trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh, không có chuyện ép buộc các em phải làm thế này hay thế kia. Các thầy cô phân tích, kể những câu chuyện gợi mở còn quyền quyết định vẫn nằm ở học sinh và gia đình.

Còn theo cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội), để hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh, tháng nào trường cũng sắp xếp thời khóa biểu dạy 1 đến 2 tiết hướng nghiệp cho học sinh với nhiều chủ đề khác nhau. Cuối học kỳ hai, nhà trường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, trường trường nghề, trung tâm GDNN- GDTX để giới thiệu về nghề nghiệp cho học trò. Bên cạnh đó, chúng tôi cho học sinh đến tận các cơ sở thực tế để trải nghiệm, tìm hiểu nhằm giúp các em hình dung được tính chất công việc mà những nghề nghiệp các học sinh đang được hướng đến".

"Đối với công tác hướng nghiệp, nhà trường luôn ưu tiên dựa trên sở thích, năng lực của học sinh và phối hợp với phụ huynh để định hướng cho các em. Các chủ đề hướng nghiệp chúng tôi cũng hướng đến cho học sinh sát, gần gũi", cô Hạnh cho biết.

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Toàn: "Chúng tôi đang triển khai kế hoạch phối hợp với 16 trường THCS trên địa bàn huyện để giới thiệu về mô hình học ở giáo dục thường xuyên. Việc này đã được triển khai 3 năm nay và rất hiệu quả. Phụ huynh bớt e dè, hiểu thêm rằng, dù học trung học phổ thông hay giáo dục thường xuyên, khi tốt nghiệp học sinh được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau. Chính vì điều này mà 3 năm gần đây, số học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 tăng từ 6-7 lớp lên 10 lớp".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chon-loi-re-nao-khi-canh-cua-vao-lop-10-thpt-cong-lap-qua-hep-169231215152501554.htm