Chống buôn lậu điện tử, điện lạnh: Mạnh tay, liên tục trấn áp

Bước vào cao điểm của mùa nắng nóng, các đường dây buôn lậu mặt hàng điện tử, điện lạnh lại hoạt động mạnh mẽ với nhiều mưu mô thủ đoạn.

Liên tiếp các vụ việc bắt giữ

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp bắt giữ số lượng lớn điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu từ biên giới Tây Nam. Cụ thể, bằng biện pháp nghiệp vụ, mới đây, Tổ công tác 368 của Tổng cục QLTT đã phối hợp với Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ ập vào kiểm tra kho hàng trên đường Kênh 19/5, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trong kho đang chứa gần 600 sản phẩm thuộc 5 nhóm mặt hàng: Máy lạnh, bếp gas, bếp điện, máy lọc không khí, dàn loa amply. Loại hàng hóa này đa số đã qua sử dụng có nguồn gốc từ nội địa Nhật Bản. Theo nhận định của lực lượng QLTT, đây là một trong những điểm trung chuyển lớn hàng lậu từ biên giới Tây Nam thẩm lậu vào thị trường nội địa.

Lực lượng QLTT liên tiếp bắt giữ số lượng lớn hàng điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu.

Lực lượng QLTT liên tiếp bắt giữ số lượng lớn hàng điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu.

Trước đó, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng thu giữ gần 400 sản phẩm điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Hay tại An Giang – địa điểm “nóng” về buôn lậu cũng ghi nhận, tình trạng buôn lậu mặt hàng điện tử, điện lạnh “bãi” ngày càng gia tăng. Điển hình, vừa qua, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh An Giang) đã thu giữ gần 300 thiết bị điện tử, điện gia dụng “bãi”. Tất cả hàng hóa này đều thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, không có hóa đơn, chứng từ liên quan, chưa xác định chủ sở hữu hàng hóa.

Tăng cường nắm bắt thông tin

Theo nhận định của lực lượng chức năng, thời gian nắng nóng sắp tới, các đường dây buôn lậu mặt hàng điện tử, điện lạnh sẽ hoạt động mạnh mẽ với nhiều mánh khóe hơn. Một trong những thủ đoạn thường xuyên được sử dụng là nhóm đối tượng chia lô hàng trên nhiều xe, mỗi xe chạy theo các cung đường khác nhau thậm chí không có quy luật về thời gian để tránh sự phát hiện của lực lượng QLTT. Sau đó, lô hàng được tập kết tại một số kho hàng với rào chắn kỹ lưỡng để tiến hành phân tải và chuyển đi các tỉnh bằng phương tiện vận tải cỡ nhỏ. Tiếp đó, các đối tượng sẽ rao bán trên mạng xã hội, phân phối trong nội địa mặt hàng điện tử, điện lạnh cũ.

Tổng cục QLTT cảnh báo tình hình nhập lậu tại khu vực biên giới trên cả nước sẽ tiếp tục tăng cao do việc mở biên sau thời gian cách ly vì dịch bệnh. “Để đối phó vấn nạn này, các cơ quan chức năng, nhất là tại địa bàn, cần tăng cường công tác nắm thông tin, có kế hoạch trấn áp liên tục, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác phối hợp, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật”- đại diện Tổng cục QLTT khuyến nghị.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, việc rao bán hàng điện tử đã qua sử dụng được nhập khẩu từ nước ngoài trở nên tràn lan, khiến thị trường mặt hàng này cũng sôi động không kém. Nhiều người thích mua hàng “bãi” Nhật vì cho rằng mặt hàng này rất bền, chất lượng tốt, đặc biệt tiết kiệm điện.

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều đồ điện lạnh, điện tử mới, với giá cả hợp lý và công dụng ưu việt không kém. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn mua đồ mới, để yên tâm về bảo dưỡng, điện áp, và quan trọng là bảo vệ môi trường trước sự xâm lấn của “rác điện tử” ngoại nhập.

Tuệ Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chong-buon-lau-dien-tu-dien-lanh-manh-tay-lien-tuc-tran-ap-137514.html