Chống buôn lậu, hàng giả: Phát huy hiệu quả đường dây nóng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp bắt, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, thực phẩm giả trên địa bàn.

Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả. Ảnh: Bộ Công an

Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả. Ảnh: Bộ Công an

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện đấu tranh phòng, chống thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Y tế củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân liên quan đến thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả để kịp thời phát hiện và xử lý.
Tỉnh cầu các sở, ngành: Công thương, Y tế, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về việc xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về việc xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; số 65/QĐ-TTg ngày 15/5/2025 về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ....

Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập trung đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc phòng chống tội phạm và tội phạm có tổ chức; siết chặt công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, dấu hiệu tội phạm để có biện pháp phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm tận gốc, nhằm ngăn chặn, xử lý và kiến nghị khởi tố trong trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Vĩnh Phúc giao Sở Y tế phối hợp với Sở Công Thương tổng hợp kết quả của đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Y tế theo yêu cầu. Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, địa phương từng cấp giấy phép đăng ký bản công bố sản phẩm 215 loại sữa cho các công ty trong đường dây sữa giả vừa bị công an triệt phá. Cụ thể, từ năm 2021 tới 2023, Chi cục An toàn thực phẩm (cũ) và Sở Y tế nhận 145 bộ hồ sơ của Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và 70 bộ hồ sơ của Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Từ năm 2024 đến nay, Sở Y tế không tiếp nhận hồ sơ nào của 2 công ty này. Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, quy trình đăng ký bản công bố sản phẩm và cấp phép các loại sữa trên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2018 và Quyết định số 2318/2018 của Bộ Y tế; Quyết định số 740 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc...
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp bắt, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, thực phẩm giả trên địa bàn. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo, cần sự vào cuộc của các ban, ngành để chung tay ngăn chặn, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Từ năm 2024 đến nay, cơ quan công an phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện 9 vụ với 15 đối tượng có hành vi buôn bán hàng giả và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Kết quả xử lý đã khởi tố 9 vụ với 15 bị can, đặc biệt có 3 vụ với 3 bị can thực hiện hành vi buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm với hàng hóa vi phạm gồm: 4.224 hộp mứt tết, 3.720 chai mật ong, gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng...

Nguyễn Trọng Lịch/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chong-buon-lau-hang-gia-phat-huy-hieu-qua-duong-day-nong/374473.html