Chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới: Kinh nghiệm nào từ các nước tiên tiến?

Dù hoàn toàn không được phép mua bán nhưng thuốc lá điện tử (thuốc lá thế hệ mới) đã hiện diện trên thị trường gần 4 năm nay theo đường xách tay và buôn lậu. Chính vì thế, đã có nhiều hội thảo, ý kiến của các cơ quan quản lý với nhiều luận điểm đa chiều về việc cần sớm có chính sách quản lý các sản phẩm này. Vậy thực trạng thuốc lá điện tử ở Việt Nam như thế nào và các nước quản lý ra sao?

Cấm hay quản lý hiệu quả?

Trong năm 2020, nhiều hội thảo khoa học về thuốc lá điện tử đã diễn ra, trong đó các cơ quan y tế lo ngại rằng thuốc lá điện tử có lượng nicotine gây nghiện cao, có nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine. Đồng thời đã xuất hiện trường hợp ngộ độc do hút thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy, do bị phối trộn tùy tiện. Chính vì thế, một số đề xuất cho rằng việc cấm sẽ tốt hơn cho cộng đồng.

Tuy nhiên, những sản phẩm thuốc lá điện tử đang bị phê phán hiện nay hoàn toàn là hàng lậu, được chế tạo bởi những nguồn hóa chất, nguyên liệu kém chất lượng. Bên cạnh đó, các tay buôn hàng lậu cũng không ngần ngại thêm bớt các hóa chất, tăng nicotine liều cao, hoặc thêm vào các thành phần như cần sa, các chất ma túy tổng hợp. Vì vậy, “thuốc lá điện tử lậu” mới là tên gọi chính xác của tác nhân gây ra những ca ngộ độc như vừa nêu.

Mối nguy hiểm từ thuốc lá điện tử lậu là rõ ràng song cấm thuốc lá điện tử - sản phẩm đã trải qua hàng ngàn cuộc thử nghiệm để được khoa học thừa nhận – là điều không thưc sự mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, cấm cũng không thể ngăn nạn buôn lậu! Bên cạnh đó, về mặt khoa học, thuốc lá điện tử nguyên bản không độc hại như thuốc lá điếu. Clive Bates, một chuyên gia về chính sách kiểm soát thuốc lá, cũng là cựu giám đốc tổ chức Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe - ASH (Anh quốc) đánh giá: “chuỗi cung ứng” thuốc lá điện tử bất hợp pháp trên thị trường chợ đen kém chất lượng thông qua mạng lưới tội phạm đang mang đến hàng ngàn tác động tiêu cực không lường được. Ông cũng khẳng định rằng, việc cấm thuốc lá điện tử không có nghĩa sản phẩm sẽ không tồn tại. Thay vì được quản lý kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ, thì những sản phẩm này sẽ bị biến tướng và luồn lách để đến tay người tiêu dùng bằng nhiều thủ đoạn, bất chấp tác hại với cộng đồng. Trong khi đó, người dùng cũng sẽ không vì cấm mà bỏ cuộc, thay vào đó họ sẵn sàng chi tiền cao và mua hàng lậu, miễn sao đáp ứng được nhu cầu.

Một cửa hàng công khai bán thuốc lá điện tử nhâp lậu tại Quận 1, TP.HCM

Một cửa hàng công khai bán thuốc lá điện tử nhâp lậu tại Quận 1, TP.HCM

Giải "bài toán" quản lý thuốc lá điện tử

Theo dự báo của WHO, vẫn sẽ có 1,1 tỷ người hút thuốc lá điếu trước 2025 và sẽ chỉ có 8% người cai hút thuốc. Do đó, việc công nhận các sản phẩm thuốc lá điện tử như một giải pháp giảm tác hại cho những người hút thuốc lá trưởng thành là điều cần được cân nhắc nghiêm túc. Đến nay, đã có hơn 60 nước cho phép lưu hành thuốc lá làm nóng, và một số nước lưu hành thuốc lá điện tử vì sự công nhận của cả các cơ quan y tế quốc gia và giới khoa học về tiềm năng giảm thiểu tác hại của hai dòng sản phẩm này.

Vì nhu cầu sử dụng những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là có thật nên việc cấm đoán có thể trở thành một thông tin “kích cầu” không mong muốn, từ đó làm cho tình hình buôn lậu ngày càng khó kiểm soát hơn. Trên thế giới, chính phủ của nhiều nước đã đưa ra chính sách quản lý nghiêm ngặt trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và cả doanh nghiệp để làm sao giải quyết những tác động ngoại ý của sản phẩm này mang lại, ví dụ khả năng thu hút giới trẻ hay kiểm soát hàm lượng nicotine cho phép.

Tại Anh, chính phủ đã chấp nhận những sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nicotine là biện pháp thay thế an toàn hơn so với việc hút thuốc lá điếu truyền thống, và đã triển khai thành công đối với cả hai nhóm đối tượng. Bằng nhiều biện pháp kết hợp, Anh đã thành công trong việc giúp những người đang hút thuốc lá điếu chuyển đổi đồng thời ngăn ngừa tình trạng thanh thiếu niên tiếp cận đến các sản phẩm mới này khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Thông qua Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA), một hệ thống thông báo được thiết lập nhằm yêu cầu các nhà sản xuất đảm bảo về mức độ an toàn và chất lượng của bất kỳ sản phẩm nào có mặt trên thị trường. Anh cũng cấm bán các sản phẩm có chất THC (chất có trong cần sa – là nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng chục ca tử vong và hàng loạt ca tổn thương phổi do hút thuốc lá điện tử có chứa chất này tại Mỹ trong thời gian qua). Những biện pháp quản lý này của Anh cũng phản ánh các quy định về mặt chính sách chung trong khối Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, Nhật Bản áp dụng một hướng tiếp cận kết hợp đối với các quy định về thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, thuốc lá làm nóng (TLLN) được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì nguyên liệu của chúng được làm từ cây thuốc lá, và được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính. Đồng thời, dù TLLN đã được đề cập trong Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá nhưng khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm này ít nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu đốt cháy (TLĐĐC), bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng. Chính sách này được đánh giá là nguyên nhân trực tiếp làm giảm mức tiêu thụ TLĐĐC ở quốc gia này.

Bên trong cửa hàng thuốc lá điện tử nhập lậu: Mẫu mã đa dạng được bày bán công khai, hầu hết người mua là thanh thiếu niên

Với Việt Nam, định hướng từ chính phủ đã có từ gần 4 năm qua và trước sự thao túng, méo mó thị trường bởi nạn buôn lậu, rất cần một chính sách quản lý phù hợp với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Những kinh nghiệm quản lý từ Anh hay Nhật Bản có thể được xem xét để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời tránh thất thu một khoản lớn cho ngân sách nhà nước.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chong-buon-lau-thuoc-la-the-he-moi-kinh-nghiem-nao-tu-cac-nuoc-tien-tien-154100.html