Chồng chéo, lẫn lộn trách nhiệm
Tuy đạt được những kết quả bước đầu trong sắp xếp nhưng tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan còn trùng lặp, lẫn lộn trách nhiệm
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết 18), việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã có những chuyển động tích cực, tinh giản biên chế đạt được những kết quả quan trọng.
Giảm 17 tổng cục và tương đương
Qua thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành.
Trong đó, có thể kể đến như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giảm 4 tổng cục, gồm: Môi trường, Địa chất và Khoáng sản, Quản lý đất đai, Biển và Hải đảo; chỉ có 1 tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tổng cục Quản lý đất đai tách thành 3 đơn vị: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản tách thành 2 đơn vị: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Ở cấp địa phương đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập, còn 46.385 đơn vị. Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người.
Mới giảm về lượng
Theo Bộ Nội vụ, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập, đã đạt được những kết quả quan trọng khi các tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được sắp xếp thu gọn một bước. Tuy nhiên, kết quả chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Theo PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan còn trùng lặp, chồng chéo, lẫn lộn trách nhiệm.
Những bất cập trong tổ chức bộ máy, theo ông Thông, nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tiến trình vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Vấn đề đang đặt ra có tính cấp thiết là tiếp tục cải cách mô hình tổ chức tổng thể của bộ máy với quyết tâm chính trị cao hơn nữa, giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để mỗi tổ chức thành viên của hệ thống chính trị thật sự rõ về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền; tinh gọn về tổ chức bộ máy, hiệu quả, hiệu lực về hoạt động.
TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, cho rằng việc sắp xếp, thu gọn đầu mối ở một số nơi còn cơ học, giảm về "lượng", song "chất" thì chưa bảo đảm; chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ cũng đánh giá mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực luôn được khẳng định nhưng xác định lĩnh vực quản lý của các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn chưa thật hợp lý nên khó khắc phục việc chồng chéo. Cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thật sự gọn nhẹ. Tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng thực thi pháp luật trong bộ máy hành chính nhà nước khó khắc phục tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ công chức trong bộ máy hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, chưa thật sự ngang tầm với nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nhấn mạnh đây là thời điểm phù hợp để sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng cần có quyết tâm rất cao để thực hiện nhiệm vụ này. Khi bộ máy được tinh gọn, giảm biên chế, ngân sách chi cho bộ máy giảm, nguồn lực sẽ được dành nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển. Mặt khác, bộ máy tinh gọn cùng với triển khai chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục liên quan.
Theo TS Lê Minh Thông, cần tiếp tục tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ theo nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ quản lý chỉ do một bộ chịu trách nhiệm, tạo căn cứ để giảm bớt số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ so với số lượng hiện hành. Đồng thời, tái cấu trúc các cơ quan thuộc Chính phủ theo mô hình các cơ quan thực thi để khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng tổ chức thực thi chính sách. Việc này nhằm phòng chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ. Quá trình sửa đổi sẽ hoàn thiện các nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và các quy định về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ. Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý của cơ quan thuộc Chính phủ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn
Liên quan việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh cần đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Bà Oanh cho rằng cần rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung phù hợp, đáp ứng các yêu cầu trong tổ chức bộ máy tinh gọn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chong-cheo-lan-lon-trach-nhiem-196241125210019454.htm