Chồng chéo quy định khiến doanh nghiệp lãnh đủ

Nhiều quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn khiến doanh nghiệp (DN) lúng túng và phát sinh chi phí. Trước thực tế này, Bộ KH&ĐT đang tổng rà soát điều kiện kinh doanh. Chuyên gia đề xuất cần có cơ quan độc lập về cải cách thể chế, ngăn chặn chính sách không phù hợp, gây khó cho DN.

Mâu thuẫn

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, phản ánh, rào cản kinh doanh xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng, thậm chí xảy ra xung đột pháp lý giữa các luật. Ngay trong cùng một bộ chuyên ngành, chính sách do Cục, Vụ xây dựng cũng mâu thuẫn nhau. Ở mỗi thời điểm, bộ ngành được giao trách nhiệm không giống nhau, quan điểm về luật cũng khác nhau.

Quy định thời gian bảo hành công trình nhà ở có sự khác nhau giữa luật và nghị định, dễ phát sinh mâu thuẫn. (Ảnh minh họa)

Quy định thời gian bảo hành công trình nhà ở có sự khác nhau giữa luật và nghị định, dễ phát sinh mâu thuẫn. (Ảnh minh họa)

Ông Hiệp dẫn ví dụ, quy định thời gian bảo hành công trình nhà ở có sự khác nhau giữa Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 06 quy định “không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công”, trong khi đó, Luật Nhà ở lại quy định “đối với nhà ở chung cư chỉ tối thiểu 60 tháng”.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá, một quy định pháp luật tạo ra 5 loại chi phí cho DN gồm: chi phí thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.

“Công trình chung cư bình thường phải bảo hành trên 60 tháng trong khi công trình đặc biệt, cấp 1 chỉ bảo hành tối thiểu 24 hoàn toàn mâu thuẫn. Điều này dễ xảy ra nhiều tranh chấp kéo dài giữa nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư và người mua nhà”, ông Hiệp phản ánh.

Một trong những quy định mới gây khó khăn cho DN về phòng cháy chữa cháy. Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, cho biết, DN mong muốn cơ quan chức năng chỉnh sửa quy định về phòng cháy chữa cháy theo hướng tạm dừng xử phạt, tránh tình trạng “vừa sửa đổi quy định, vừa xử phạt”. Việc tạm dừng xử phạt sẽ giúp DN có thời gian đầu tư, nâng cấp đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phản ánh tình trạng “lạm phát” cơ quan kiểm tra phòng cháy chữa cháy. Theo VCCI, có tình trạng nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan nhà nước khác nhau cùng kiểm tra DN dẫn đến trùng lặp, chồng chéo. Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), đang xảy ra tình trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt. Bà Thảo nhận định, tình trạng này phổ biến trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên và ảnh hưởng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN.

Cần có cơ quan độc lập giám sát, cải cách thể chế

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Bộ đang tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh của 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, trong đó có rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN. “Tôi đề nghị hiệp hội, DN gửi toàn bộ vướng mắc, chi tiết từng điều khoản bằng văn bản cho Bộ KH&ĐT. Từ đó, Bộ KH&ĐT tổng rà soát điều kiện và báo cáo Chính phủ”, ông Đông nói.

Về điều kiện kinh doanh gây rào cản với DN, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, DN gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh, trong khi đó, quy định mới khiến DN phát sinh nhiều chi phí. Về mặt lý thuyết, một quy định pháp luật tạo ra 5 loại chi phí gồm: chi phí thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.

Trước thực tế này, ông Hiếu đề xuất, Việt Nam nên áp dụng kinh nghiệm quốc tế, thành lập cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế. Ông nói: “Nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh. Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên”. Hàn Quốc có Ủy ban tổng thống về cải cách thể chế, Anh thành lập Hội đồng chịu trách nhiệm thể chế và có quyền bác đề xuất của bộ, ngành nếu chưa đủ tiêu chuẩn để trình Chính phủ. Tại Mỹ, Văn phòng thông tin và thể chế có quyền gửi trả lại dự thảo chính sách để yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chong-cheo-quy-dinh-khien-doanh-nghiep-lanh-du-post1555324.tpo