Chong đèn thi công đêm, đẩy tiến độ cao tốc nối Quảng Trị-Huế về đích sớm
Ngay khi thời tiết nắng ráo, nhiều gói thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn tăng ca thi công đêm, đẩy tiến độ về đích sớm hơn 30 ngày theo dự kiến.
22h đêm 13/3, trên công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn Km 31+909 - Km 32+200 (gói thầu XL số 3, qua địa phận Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn rực sáng dưới những bóng đèn cao áp được kết nối bình ắc quy. Tiếng xe máy rền vang.
Càng khuya, mũi thi công nhà thầu Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và thương mại 68 (gọi tắt Công ty 68, thành viên liên danh) càng thêm hối hả, tập trung cao độ cho dây chuyền thảm cấp phối đá dăm.
Anh Ngô Đức Trường, Chỉ huy trưởng gói thầu XL03 của Công ty 68 cho hay, ngay khi thời tiết thuận lợi, đơn vị tăng cường tối đa trang thiết bị, nhân lực để tăng ca, tăng kíp, bố trí các mũi thi công đêm ngay tại công trường.
“Bình thường anh em làm đến hơn 22h, có khi đồng hồ vừa sang ngày mới để đảm bảo hoàn thiện tối ưu các đường thảm cấp phối”, anh Trường nói.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hơn 6km đoạn tuyến cao tốc của nhà thầu Công ty 68 liên danh thi công các gói thầu XL02, XL03 cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã cán đích phần nền, đang vào cao điểm thảm cấp phối đá dăm và bê tông nhựa lớp dưới.
Theo anh Trường, ban ngày đơn vị tăng cường đều các mũi thảm cấp phối đá dăm và bê tông nhựa. Riêng đêm, đơn vị chủ yếu tăng ca thảm cấp phối để vừa đẩy tiến độ, vừa đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt chất lượng bê tông nhựa khi tập trung triển khai ban ngày.
Ông Nguyễn Văn Phan, Trưởng phòng Điều hành dự án 3 (Ban QLDA đường HCM) cho hay, tranh thủ thời tiết nắng ráo thuận lợi, toàn công trường đồng loạt thi công, nhiều nhà thầu tăng cường thi công đêm để bù phụ tiến độ. Đến nay, các gói thầu XL01, 02,03 đầu tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn cơ bản xong phần nền đường và đang vào giai đoạn triển khai lớp cấp phối, bê tông nhựa.
Hiện, 4 nhà thầu (Tổng Trường Sơn, Tổng Thành An, Công ty 68, Công ty 73) đều chủ động vật liệu, tăng cường các mũi thảm bê tông nhựa. Trung bình mỗi ngày một nhà thầu triển khai 500-600 tấn bê tông nhựa ra công trường.
“Nếu thời tiết tiếp tục nắng ráo, tiến độ thảm bê tông nhựa những ngày tới sẽ rất khả quan. Ban điều hành dự án yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công tranh thủ tối đa để tăng ca, tăng kíp, bù tiến độ”, ông Phan nói.
Theo ông Phan, thời gian qua, dự án bị chậm tiến độ khiến công tác quản lý, triển khai rất áp lực. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết mưa kéo dài suốt từ những tháng cuối năm 2021 đến đầu tháng 3 năm nay mới tạnh ráo. Trong khi đó, đặc thù đoạn đầu tuyến mở đường công vụ tiếp cận vào công trường dài hơn chục cây số. Nhưng có đến gần một nửa là đường đất. Mưa kéo dài khiến đường trơn, lầy, hầu hết các phương tiện cơ giới, xe tải chở vật liệu phải “đứng bánh”.
Ông Phan cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường HCM, các đơn vị triển khai dự án đã nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp tập kết vật liệu, nỗ lực thi công nhưng chỉ khi thời tiết thuận lợi những ngày qua, tiến độ trên công trường mới được khởi sắc.
Không riêng gói thầu đoạn tuyến qua Quảng Trị, tại các gói xây lắp phía Thừa Thiên - Huế, mưa kéo dài từ tháng 10/2021 đến đầu tháng 3/2022 khiến nhiều gói thầu gặp khó đẩy tiến độ hoàn thiện đắp nền K95, K98 và tăng tốc hạng mục bê tông nhựa.
Tuy nhiên, ngay khi thời tiết thuận lợi, nhịp điệu thi công hoàn thiện lớp móng và tăng cường các lớp mặt cao tốc qua Huế thêm hối hả.
Theo ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM, để chủ động thi công khi thời tiết thuận lợi, Ban yêu cầu các nhà thầu phải chủ động sẵn sàng nhân vật lực, tập kết vật liệu… Gần tuần nay, tranh thủ nắng tạnh, công tác thi công được tăng cường tối đa, nhiều gói thầu làm đêm để bù phụ tiến độ.
Thống kê đến nay toàn dự án đạt tiến độ khoảng 78%, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT. Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay: Theo dự kiến, toàn bộ dự án cán đích vào ngày 31/10/2022. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rút ngắn thời gian dự án, Ban đã làm việc với các nhà thầu, và báo cáo Bộ GTVT triển khai các giải pháp để rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án vào cuối tháng 9/2022, rút ngắn 30 ngày so với dự kiến.
Cụ thể, các đơn vị chức năng, thi công điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu gói thầu XL7 bằng lớp đệm cát kết hợp lưới địa ba trục; tăng gia tải để xử lý đất yếu bằng giếng cát, cọc cát đầm tại gói thầu XL08… Đáng kể, dù có điều chỉnh về giải pháp thi công nhưng không làm phát sinh về chi phí dự án.
Vấn đề khan hiếm vật liệu đất đắp gói thầu XL05, XL06, hiện nay Bộ GTVT và địa phương đã tháo gỡ giải quyết một phần về nguồn vật liệu đất đắp thiếu cho các gói thầu thuộc dự án đảm bảo thi công trong thời gian tới. Nguồn đất đắp còn thiếu khoảng 370.000m3 cho 2 gói thầu này, rất cần sự nỗ lực hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ Động Đá và mở rộng mỏ Hiền Sỹ ngay trong quý I/ 2022.
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài hơn 98,3 km nối 2 địa phương Quảng Trị (37,3km) và Thừa Thiên Huế (61,0km) với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 7.600 tỷ đồng. Dự án có 11 gói thầu xây lắp. Theo kế hoạch, hầu hết các gói thầu sẽ cán đích vào khoảng giữa năm 2022, riêng 2 gói thầu XL07, XL08 do xử lý nền đất yếu cán đích vào cuối tháng 9/2022, sớm hơn dự kiến 1 tháng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.