Chống dịch COVID-19 thời 4.0
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng, các nhà nghiên cứu bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác nhằm dự báo về khả năng lan truyền của virus, đồng thời để cảnh báo về các loại virus mới khác, nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong tương lai. Ngoài ra, tiến độ nghiên cứu vắc-xin cũng đang được đẩy nhanh nhờ công nghệ gene.
Trung Quốc đưa công nghệ cao ngăn ngừa dịch COVID-19
Trung Quốc đã sử dụng nhiều công nghệ từ robot khử trùng, công cụ chẩn đoán nhanh COVID-19 cho tới việc ứng dụng công nghệ cao: dùng camera nhận diện gương mặt và đo thân nhiệt tại hệ thống tàu cao tốc. Camera này có thể phát hiện người hơi sốt, trong khi hệ thống đường sắt sẽ cung cấp danh sách những người từng ngồi gần với bệnh nhân COVID-19.
Ngoài ra, máy bay không người lái siêu nhỏ (drone) được sử dụng để đo thân nhiệt và phân phối thuốc men, đồng thời có gắn loa để thông báo phòng dịch tới cư dân. Robot Trí tuệ nhân tạo (AI bot) được sử dụng có thể quét thân nhiệt hơn 200 người/phút (kiểm tra xem thân nhiệt có vượt quá 37,3 độ C hay không) tại nhà ga Qinghe ở Bắc Kinh. Ở Thượng Hải, AI bot có khả năng nhận diện giọng nói được sử dụng để phát hiện người có nguy cơ cao. Robot này hỏi và đưa ra khuyến cáo cách ly tại nhà.
Tại bệnh viện, robot được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp. Hàng trăm người cách ly y tế tại một khách sạn ở Hàng Châu nghi nhiễm virus được robot phục vụ thức ăn.
Phát triển các công cụ cảnh báo sớm bệnh truyền nhiễm mới nổi
Khi đại dịch SARS xảy ra vào những năm 2002, công cụ Healthmap (bản đồ sức khỏe) đã được xây dựng để thu thập dữ liệu. Hiện nay, Healthmap tiếp tục thu thập dữ liệu và dự đoán tình hình về COVID-19. Healthmap bổ sung các kỹ thuật thu thập dữ liệu của Cơ quan Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dữ liệu được nhiều bác sĩ và các nhà nghiên cứu sử dụng. Theo ông John Brownstein, người đứng đầu bộ phận sáng kiến Bệnh viện Trẻ em Boston, giáo sư tại Đại học Y Harvard, Healthmap hiện đang được sử dụng như nguồn dữ liệu trong dự án cảnh báo sớm quốc tế (gồm nhiều tổ chức y tế công, trong đó có CDC) để phát hiện sớm các mối đe dọa sinh học trên thế giới và trong sáng kiến An ninh đại dịch từ các nguồn mở của WHO. Một số công nghệ khác như BlueDot (có trụ sở tại Canada) thu thập dữ liệu bệnh dịch từ nhiều nguồn rồi sử dụng thông tin chuyến bay hàng không để dự báo xem bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện kế tiếp ở đâu.
Trong khi đó, dự án gene virus toàn cầu Global Virome Project (GVP) trị giá 1,2 tỷ USD phát triển cơ sở dữ liệu gene và sinh thái học của phần lớn virus ở động vật có khả năng lây truyền cho con người. Một số nhà khoa học cho rằng vẽ bản đồ gene virus ở người (các chủng virus có thể lây sang người hoặc sống trong cơ thể người) là ưu tiên. GVP nhằm để phát triển các loại thuốc, vắc-xin mới hoặc các biện pháp dự phòng trước khi đại dịch kế tiếp xảy ra. Dữ liệu khổng lồ thu thập về virus trên toàn cầu sẽ được sử dụng để tạo nên các thuật toán AI dự báo xem loại virus ở động vật nào có khả năng truyền sang người. “Không thể chỉ xem xét vài chủng loại hay vài địa điểm”,
GS. Jonna Mazet, ĐH California Davis, thành viên GVP cho biết: cần cảnh báo sớm và ngăn ngừa bệnh dịch trước khi nó bắt đầu.
Sớm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19
Các tiến bộ trong công nghệ gene đã giúp cho các biện pháp nghiên cứu về COVID-19 nhanh hơn, dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn. Chỉ sau có 2 tuần kể từ khi virus xuất hiện, các nhà khoa học đã phân lập và xếp chuỗi gene đầy đủ virus. Ngay sau đó, các bản sao tổng hợp của virus đã được sử dụng trong nghiên cứu. So sánh với đại dịch SARS 2002, phải mất hàng tháng trời mới xếp chuỗi được gene virus. Cách đây 2 thập kỷ, tốn 10USD để tạo ra một bản sao một nucleotide, hiện giờ, chi phí chỉ chưa bằng 1/100, dưới 10 cent (1USD=100 cent). Gene của loại virus corona mới gây ra bệnh COVID-19 dài khoảng 30.000 nucleotide. Với việc xếp chuỗi gene và tạo ra các bản sao tổng hợp, các chuyên gia đã nhanh chóng tạo ra công cụ chẩn đoán virus. CDC đã nhanh chóng đưa bộ xét nghiệm virus tới các phòng thí nghiệm ở Mỹ và quốc tế. Công cuộc tạo ra vắc-xin cũng bắt đầu. Một loại vắc-xin sẽ được lựa chọn để đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong vòng 3 tháng tới.
Nguyễn Vân
((theo Time, Verge, GP, Medical emag))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chong-dich-covid-19-thoi-40-n169236.html