Nữ giảng viên truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho thế hệ trẻ

Theo TS Bùi Thị Thanh Hương, đào tạo được những học trò có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có khát vọng trở thành những người chủ trong tương lai thì người giảng viên dẫn dắt thế hệ ấy phải là hình mẫu về sáng tạo và khởi nghiệp.

Là Phó Trưởng Ban Điều hành CLB Nhà khoa học ĐHQGHN, giảng viên, chuyên gia giáo dục bền vững của bộ môn Biến đổi khí hậu và khoa học bền vững, Trường Khoa học học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN. Đồng thời cũng là chuyên gia tư vấn chính sách cho một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế (UNDP, UNESCO, WWF) về phát triển xanh, giáo dục tái tuần hoàn rác thải, TS. Bùi Thị Thanh Hương đã và đang đảm nhiệm vai trò cố vấn của 7 nhóm sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với nhiều giải thưởng về sáng tạo khởi nghiệp liên quan tái tuần hoàn rác thải thông minh, giáo dục cộng đồng vì một không gian sống xanh không rác thải. Ngoài ra, chị cũng đồng hành cùng 6 nhóm học sinh phổ thông dành nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế về sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Chia sẻ trong 1 bài phỏng vấn mới đây về hành trình theo đuổi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TS Bùi Thị Thanh Hương cho rằng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp không còn là phong trào mà được đưa vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đây là một trong những trụ cột quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.

TS Bùi Thị Thanh Hương, Phó Trưởng Ban Điều hành CLB Nhà khoa học ĐHQGHN.

TS Bùi Thị Thanh Hương, Phó Trưởng Ban Điều hành CLB Nhà khoa học ĐHQGHN.

Theo TS Hương, các trường đại học ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu đều lựa chọn đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là một trong 3 trụ cột chính, cùng với đào tạo và nghiên cứu khoa học, cho các mục tiêu và định hướng phát triển của mình từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước và nó trở thành cuộc cách mạng trong các trường đại học từ những năm 2010 trở lại đây.

Tính đến năm 2016, tổng doanh thu hằng năm mà các doanh nhân là cựu sinh viên của ĐH Stanford tạo ra là khoảng 2.700 tỉ USD. Số tiền này tương đương GDP của nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Qua đó có thể thấy, sản phẩm đào tạo ở bậc đại học không chỉ tạo nên những người làm thuê chất lượng mà còn cần tạo nên những ông chủ thuê nhiều người làm, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội mới thực sự là đích đáng, đầy tham vọng của một trường đại học đổi mới sáng tạo như ĐHQGHN.

Cũng theo TS Bùi Thị Thanh Hương, cái gốc của đổi mới sáng tạo là phụng sự cộng đồng, hay phụng sự cộng đồng hiệu quả nhất (đặc biệt là những đóng góp của các trường đại học) chính là đổi mới sáng tạo.

“Giảng viên có nhiều cách tiếp cận với đổi mới sáng tạo. Đó có thể là phương pháp, kỹ thuật giảng dạy mới; cũng có thể là những kết quả nghiên cứu mới, giải pháp hữu ích mới. Song, đối với tôi, đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả nhất là nó phải được phản ánh trong các sản phẩm của khởi nghiệp. Vì vậy, trong những ưu tiên, tôi chọn đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động khởi nghiệp”, TS Hương nói.

Chia sẻ về bí quyết trong quá trình dẫn dắt thế hệ trẻ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công, TS Bùi Thị Thanh Hương cho biết, để đào tạo được những học trò có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có khát vọng trở thành những ông chủ trong tương lai thì người giảng viên dẫn dắt thế hệ ấy phải là hình mẫu về sáng tạo và khởi nghiệp.

“Tham gia các cuộc thi cùng các bạn trẻ, tôi khám phá được thêm nhiều năng lực mới của bản thân và thấy mình được làm mới sau mỗi cuộc thi. Cũng nhờ việc tham gia các cuộc thi, các mô hình kinh doanh, ý tưởng phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm gắn liền thực tiễn được hoàn thiện hơn; đồng thời, tôi cũng tập hợp thêm nhiều cộng sự là các bạn trẻ tài năng, cùng hỗ trợ tôi trên con đường khởi nghiệp”, TS Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ.

TS Bùi Thị Thanh Hương với những giải thưởng dành cho sản phẩm nghiên cứu.

TS Bùi Thị Thanh Hương với những giải thưởng dành cho sản phẩm nghiên cứu.

Nói về các mô hình khởi nghiệp hiện nay, TS Bùi Thị Thanh Hương cho hay, Spin-off (hay spin out) và start-up là hai mô hình khởi sự doanh nghiệp đang được bàn thảo nhiều trong thời gian gần đây. Trong khi start-up khá phổ biến và phát triển mạnh thì spin-off lại không được đón nhận nhiệt tình ở Việt Nam. Mô hình spin-off (thường được hiểu là doanh nghiệp khởi nguồn) và start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) được hình thành đầu tiên ở các nước công nghiệp phát triển. Spin-off được khởi nguồn từ trường đại học (tách ra hoạt động độc lập từ các trường đại học), do các cá nhân tạo ra các tài sản khoa học và công nghệ tham gia vào quá trình quản lý của doanh nghiệp. Start-up chỉ sự khởi nghiệp của một doanh nghiệp mới hình thành trên nền tảng kết quả khoa học và công nghệ. Các kết quả nghiên cứu để hình thành spin-off thường là kết quả nghiên cứu công nghệ cao.

Khác với spin-off, doanh nghiệp start-up chỉ nằm trong khu vực "vườn ươm" (technology park) và không nhất thiết phải gắn với cơ sở nghiên cứu. Công nghệ của doanh nghiệp start-up không nhất thiết phải là công nghệ cao, kết quả nghiên cứu cũng có thể lấy từ nơi khác đến. Nếu như người thành lập và điều hành doanh nghiệp spin-off nhất thiết phải chính là nhà khoa học chủ nhân của phát kiến công nghệ cao, thì ai cũng có thể thành lập và điều hành doanh nghiệp start-up.

Do luôn gắn liền với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, nên mô hình này thường được biết đến với tên gọi “academic spinoff” hay “university spin-off”. Cách gọi như vậy cũng khiến spin-off trở nên dễ tiếp cận hơn, đồng thời giúp các cơ sở nghiên cứu đưa ra sự lựa chọn rõ ràng hơn. Khi trường đại học cùng với các nhà khoa học đang sở hữu bằng sáng chế về công nghệ mà muốn tự mình xây dựng và phát triển doanh nghiệp (“tự khởi nghiệp”) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thì lựa chọn mô hình doanh nghiệp “spin-off” là hợp lý.

Được biết, mới đây, Công ty cổ phần Greentech do TS Bùi Thị Thanh Hương sáng lập là 1 trong 2 doanh nghiệp spin-off của ĐHQGHN vừa được ra mắt chính thức. Greentech hình thành từ những dự án khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên ĐHQGHN. Bắt đầu bằng dự án Trạm xanh 3SR – dự án kết nối cộng đồng khai thác các nguồn lực tái tuần hoàn từ tài nguyên rác.

Trải qua 5 năm trưởng thành, kế thừa thế mạnh về tiềm lực KH&CN và thương hiệu của ĐHQGHN, VNU Greentech hội tụ những nhà khoa học và các bạn trẻ năng động tâm huyết với sản phẩm KH&CN “Chuỗi cung ứng Trạm xanh 3SR”.

Giá trị đổi mới của 3SR chính là phần mềm tích hợp AI và IoT nhằm kết nối, điều hướng người dùng đến 3 mô hình kinh doanh trong chuỗi cung ứng (Smart Retails - chuỗi cung ứng bán lẻ; Smart Refill - chuỗi tái nạp tự động; Smart Recycling - chuỗi phân loại thu gom rác tái chế tự động). Hướng kinh doanh của 3SR tập trung phát triển phần mềm kết nối các nguồn lực từ rác theo hướng quản lý chuỗi bán lẻ gắn với tín chỉ carbon và tín chỉ nhựa vì mục tiêu hướng đến NETZERO của Việt Nam vào năm 2050.

VNU Greentech Spin-offf - nơi hội tụ những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp xanh.

VNU Greentech Spin-offf - nơi hội tụ những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp xanh.

Hiện nay, Smart Retails đã và đang triển khai hợp tác với các đối tác cung ứng bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng dân dụng đạt chuẩn tiêu dùng xanh. 3SR đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Fuji Electric (Nhật Bản) về việc cung cấp hàng ngàn máy bán hàng tự động – phần cứng quan trọng của chuỗi cung ứng, được điều khiển bởi phần mềm do các nhà khoa học ĐHQGHN sáng chế. Hệ thống bán hàng tự động (Vending Machine) được tích hợp với Smart Refill là một trong những điểm mới của 3SR.

Smart Refill sẽ mở ra một xu hướng mới cho chuỗi cung ứng chất lỏng, hỗ trợ giảm thiểu bao bì rác nhựa, đồng hành cùng các đơn vị sản xuất thực hiện trách nhiệm mở rộng của doanh nghiệp bắt đầu được thực thi theo Luật Bảo vệ Môi trường từ tháng 1/2024.

Smart Recycling là hệ thống kết nối các trạm cân tự động với chuỗi cung ứng bán lẻ và chuỗi tái nạp tự động hỗ trợ khách hàng phân loại, thu gom và định lượng rác tái chế theo 8 loại: Rác thực phẩm, rác giấy, rác vải, pin và rác thải điện tử, rác nhựa dẻo, rác nhựa cứng, chai nhựa và thủy tinh.

Từ đó, khách hàng được tích điểm và quy đổi thành số tiền tương ứng. Khách hàng có thể dùng tiền được tích lũy trong thẻ để mua hàng trên hệ thống Smart Retails của 3SR.

Hệ thống của 3SR đã có mặt tại các trường học, bệnh viện khu tập trung đông dân cư ở thành phố Hà Nội và thực hiện sứ mệnh là công cụ điều hướng, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đến nay, 3SR đã từng bước chuyển giao, thương mại hóa và thực hiện chức năng là công cụ quản trị việc cung ứng hàng hóa theo thời gian thực cho từng điểm trạm, phân tích dự báo nhu cầu, diễn biến của thị trường.

Điều đặc biệt là, 3SR theo dõi, báo cáo chính xác theo thời gian thực tình hình tích lũy tín chỉ carbon, tín chỉ nhựa cho địa phương, khu vực, lãnh thổ, quốc gia. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu quý giá, là căn cứ quan trọng xây dựng kế hoạch hành động hướng đến NETZERO của Việt Nam vào năm 2050.

Theo Nguyễn Yến - Bản tin ĐHQGHN

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nu-giang-vien-truyen-cam-hung-doi-moi-sang-tao-khoi-nghiep-cho-the-he-tre-94948.html