Chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống
Ngày 14-6, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tổ chức Hội thảo 'Chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống, thực trạng và giải pháp'.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại và các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng chủ trì hội thảo là ông Đỗ Hồng Trung, Phó chánh văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; ông Chu Xuân Kiên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã nêu rõ thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Ông cũng cho biết, trước những khó khăn và thuận lợi của nền kinh tế toàn cầu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT cũng phát triển ngày một lan rộng trên thế giới và trong nước. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, việc mua bán công khai, lộ liễu thách thức đối với các cơ quan chức năng.
Khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, nguồn hàng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định bởi hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng…; hàng thời trang như: Túi xách, nước hoa, đồ trang sức; vật liệu xây dựng như: Ngành nhựa, ngành sơn… Các vụ việc do các lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc.
Các phương thức thủ đoạn, đối tượng, hội nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đã được nhận diện rõ nét bởi các lực lượng chức năng.
Tại hội thảo, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã chia sẻ: Cách phân biệt hàng thật/hàng giả; các giải pháp chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống; kiến nghị tuyên truyền cho người bán hàng hiểu được tác hại của việc buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; chế tài đối với những hành vi trên,…
Các ý kiến của các đại diện Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã được đại diện các cơ quan chức năng tiếp thu tại hội thảo. Ngoài ra, nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống đã được lực lượng chức năng thông tin tại hội thảo.