Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Siết chặt kiểm soát, bảo vệ người tiêu dùng
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, song song với cơ hội tăng trưởng là những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý thị trường, đặc biệt là vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, song song với cơ hội tăng trưởng là những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý thị trường, đặc biệt là vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh minh họa
Theo báo cáo, từ ngày 15/12/2024 đến 14/6/2025, lực lượng QLTT đã kiểm tra 11.568 vụ, xử lý 9.919 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng trong tổng số 266 tỷ đồng xử lý vi phạm hành chính, bao gồm 121 tỷ đồng tiền phạt và 145 tỷ đồng giá trị hàng hóa vi phạm. 76 vụ có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cơ quan điều tra. Riêng lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục là điểm nóng với 161 vụ vi phạm bị phát hiện, xử phạt gần 3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, các đối tượng vi phạm ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng nền tảng số, dịch vụ giao hàng nhanh và chính sách thương mại thay đổi để trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng bị làm giả có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, sữa bột, dầu ăn...
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 1825/QĐ-BCT năm 2025 nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg và Công điện số 82/CĐ-TTg về đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quyết định này đặt mục tiêu đổi mới tư duy, nhận thức và nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công Thương xác định rõ, mỗi ngày đều là cao điểm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Không để tồn tại khoảng trống trong quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra liên ngành, đột xuất tại các khu vực và lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không chỉ trên môi trường thương mại điện tử mà còn trực tiếp tại các điểm bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, cùng UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Ông Bình cho biết thêm, về áp dụng CNTT vào việc phát hiện hàng giả, Cục đang thực hiện đề án xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trước mắt áp dụng cho một số mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý như các mặt hàng về công nghiệp như dệt may, da giày, đồ điện tử…
Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định, ngay sau tháng cao điểm, Cục sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hoạt động kiểm tra các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng sẽ được duy trì thường xuyên, nhằm kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về chính sách, Cục đã đề xuất sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trong đó nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, đặc biệt là vi phạm về an toàn thực phẩm và dược phẩm. Mức xử phạt dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, đồng thời xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Còn đối với công tác chống buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, những năm gần đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã và đang triển khai quyết liệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319). Cùng với đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã mời các sàn như Shopee, Lazada ký cam kết phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Thời gian tới, lực lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng cũng sẽ áp dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm chuyên dụng đang được triển khai nhằm quét và phát hiện hành vi vi phạm từ phía nhà bán hàng.
Đặc biệt, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của việc đấu tranh phòng, chống hàng giả trên không gian mạng là hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Chống hàng giả triên thương mại điện tử tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.