Tư duy mới, cách làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số
Chiều 8/7, tại Hà Nội, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề 'Các giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới'.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì Diễn đàn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho rằng, Diễn đàn là cơ hội để nhiều đối tượng có thể tham gia đóng góp ý kiến, từ doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia và cả những người chịu trách nhiệm ở những cơ quan Trung ương nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi lớn về phát triển kinh tế Việt Nam; đó là để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, chúng ta cần làm gì và làm thế nào?
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đến nay nước ta đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút FDI. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước.
"Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới, đồng thời phải hành động quyết liệt hơn, thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn với quyết tâm chính trị cao nhất cùng với sự đoàn kết, đồng lòng mạnh mẽ của toàn dân tộc, sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hóa giải khó khăn, thách thức, làm mới các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước tiên, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa cấp trung ương, địa phương trong các lĩnh vực. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu, như đất đai, khoáng sản, quy hoạch…; ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Ngoài ra, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để dẫn dắt, huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý…
Cùng với đó là tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng lưu ý cần hỗ trợ phát triển và gắn kết các thành phần kinh tế, gồm: Kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và khu vực FDI để tạo "sức mạnh tổng hợp" cho phát triển kinh tế đất nước; tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm trong các ngành chiến lược, có quy mô vốn lớn, có khả năng tạo đột phá và hiệu ứng lan tỏa kinh tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các ngành công nghệ cao

Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho các lĩnh vực, ngành hàng, các khu vực kinh tế đã chia sẻ nhiều thông tin thực tiễn, đánh giá khả năng, cơ hội bứt phá tăng trưởng hiện nay và giai đoạn tới của từng ngành, lĩnh vực góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse cho rằng, để nền kinh tế đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam cần một chiến lược đồng hành toàn diện giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào ngành nghề mới, đặc biệt các ngành công nghệ cao. Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp ở giai đoạn bắt đầu, hỗ trợ quỹ đầu tư phát triển dựa trên việc lựa chọn ngành nghề mới và công nghệ cao mong muốn tham gia, lựa chọn doanh nghiệp tiềm năng ở lĩnh vực đó để cùng đầu tư về công nghệ, nhân lực, vật lực phù hợp.
Bên cạnh đó, Nhà nước có sự đồng hành mạnh mẽ với những doanh nghiệp có năng lực, thông qua việc chọn lọc và hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp có thể đại diện cho thương hiệu quốc gia, đạt chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, xác lập lợi thế cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là với các thị trường hàng đầu như Mỹ, từ đó vào các thị trường khác; đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giấy phép xây dựng, thuế, hải quan,… giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của ngành bất động sản và xây dựng khi chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% GDP. Mặc dù thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc từ cuối năm 2024 với nguồn cung được cải thiện và tín dụng tăng trưởng, song một thách thức lớn đang tồn tại là giá bất động sản ở mức quá cao, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân cốt lõi được cho là do giá đất tăng phi mã, tạo ra một vòng luẩn quẩn “giá đất đuổi giá nhà”.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng để quản lý giá đất cần sớm ban hành bảng giá đất trên toàn quốc với nguyên tắc xây dựng hợp lý, cân bằng giữa nguồn thu ngân sách và kích thích phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần tháo gỡ “ma trận” thủ tục hành chính, có các giải pháp như phân cấp triệt để cho địa phương trong việc phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính đồng bộ; xem xét lại các bất cập trong quy định về định giá đất…

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho rằng, để đạt các mục tiêu chiến lược, hướng đến mốc 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045), tất cả phải đồng lòng, chung tay, góp sức, hỗ trợ, chia sẻ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; cần có chiến lược, mô hình đúng; đánh giá tác động từ bên ngoài.
Phân tích về những cơ hội, thách thức để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, ông Trần Lưu Quang nhận định, cơ hội nhiều hơn thách thức khi niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự cải cách, đặc biệt là sự thay đổi có tính chất cách mạng được nâng lên. Bên cạnh đó, tiềm lực của Việt Nam lớn hơn so với trước đây, vị thế của đất nước được khẳng định, nâng cao trên trường quốc tế.
Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới, cần có tư duy, cách tiếp cận và cách làm mới; có thứ tự ưu tiên trong thực hiện công việc; các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hết mình, chủ động, có sự liên kết, phối hợp tốt với nhau. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần chủ động hơn khi tới đây sẽ được phân cấp nhiều hơn; lãnh đạo các địa phương phải thực sự chia sẻ, lắng nghe người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho biết, các ý kiến sẽ được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.