Chống hàng giả trong thương mại điện tử

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước tăng về quy mô, số vụ việc với diễn biến ngày càng phức tạp. Do vậy định danh người bán hàng qua thương mại điện tử (TMĐT) để chống hàng giả là cần thiết.

Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động khám xét và niêm phong tổng kho hàng lậu tại số 145 Hoàng Diệu (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Ảnh: NAM TRẦN

Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động khám xét và niêm phong tổng kho hàng lậu tại số 145 Hoàng Diệu (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều loại hàng hóa có nguy cơ bị làm giả

Ông Phạm Đức Thắng - Giám đốc Công ty Luật Thắng Phạm và cộng sự (đại diện nhãn hiệu Hermes) cho biết, hàng năm Hermes phải chịu nhiều chi phí trong việc điều tra, phối hợp với các cơ quan thực thi để đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thị trường Việt Nam. Trung bình, mỗi năm có khoảng 900 vụ vi phạm.

Những năm gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội trở thành vấn đề rất nóng. Số vụ vi phạm không ngừng tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online.

Những vụ việc nổi cộm về bán hàng giả/hàng xâm phạm quyền SHTT trên mạng xã hội đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics - TPHCM (thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (thu giữ 14.000 sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng); Menshop79 - Hà Nội (2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, giá trị hơn 20 tỷ đồng); 145 Hoàng Diệu - Lào Cai (thu giữ 237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm); Vụ Bản - Nam Định (thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermes)...

Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường đã chuyển cơ quan điều tra vụ việc Mailystyle ở quận Hà Đông, Hà Nội (thu giữ hơn 126.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá trên 20 tỷ đồng).

Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, ở Việt Nam, nguồn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định bởi hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng…; hàng thời trang như túi xách, nước hoa, đồ trang sức; vật liệu xây dựng như nhựa, sơn…

Yêu cầu định danh người bán hàng là cần thiết

Tới nay, người tiêu dùng ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, không phân biệt thành thị hay miền núi đều có thể trở thành người kinh doanh, buôn bán và dễ dàng đặt mua hàng hóa. Đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận xét, hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng kiểm tra đã khó, hàng giả bán trên TMĐT thì cái khó nhân lên gấp bội. Do vậy, nếu không có những chế tài phù hợp thì TMĐT sẽ trở thành nơi phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Vì thế, việc áp quy định tiêu chuẩn về truy vết hàng hóa, định danh người bán trên TMĐT là điều bắt buộc và rất cần thiết.

Ông Phan Minh Nhật - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua TMĐT.

Theo ông Nhật, hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua TMĐT do rất khó phát hiện người bán là ai, ở đâu… Ví dụ như một người sử dụng số định danh cá nhân đăng ký tài khoản trên các sàn TMĐT, nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả thì lập tức bị khóa sàn giao dịch. Do đó, cần phải định danh rõ người bán trên TMĐT, mạng xã hội. Nếu người bán vi phạm sẽ bị khóa tài khoản, cơ quan thuế cũng dễ dàng thu thuế.

Theo đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia thì định danh trên cơ sở số điện thoại của người bán hàng trên sàn TMĐT là cần thiết, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, số tài khoản ngân hàng ảo… Do đó, việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện quản lý được cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người dân.

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, hiện Cục đã xây dựng Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT giữa người dân và doanh nghiệp. Hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong TMĐT, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong TMĐT.

Ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên TMĐT cần xây dựng các giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ, ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ trung ương tới quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, vụ việc vi phạm.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chong-hang-gia-trong-thuong-mai-dien-tu-10283490.html