Chồng hay vợ cưỡng ép quan hệ tình dục là bạo lực gia đình

Cơ quan chức năng cần truyền thông rộng rãi để nhiều người biết về hành vi chồng cưỡng ép vợ quan hệ tình dục hoặc ngược lại là bạo lực gia đình.

Từ ngày 1-7, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2022 sẽ thay thế Luật Phòng chống BLGĐ năm 2007 và bắt đầu có hiệu lực với nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn xã hội.

Tại Điều 3 Luật Phòng, chống BLGĐ quy định hành vi BLGĐ, trong đó có hành vi cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng.

Theo đó, với hành vi nêu trên tùy vào mức độ phạm tội mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không ai tố cáo để cơ quan chức năng xử lý

Liên quan đến hành vi cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng là hành vi BLGĐ, luật sư (LS) Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn LS TP.HCM, cho biết thường người bị bạo hành rất ít trình báo để nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

Bởi thực tế hiện nay, nhiều người có suy nghĩ rằng phải có hành vi tác động đến cơ thể thì mới gọi là hành vi bạo lực. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, luật đã xác lập có rất nhiều hành vi tác động không chỉ gây tổn thương về thân thể mà gây áp lực tinh thần của những thành viên trong gia đình cũng là một hành vi BLGĐ.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần truyền thông rộng rãi để nhiều người biết về hành vi chồng cưỡng ép vợ quan hệ tình dục hoặc ngược lại là BLGĐ. Ngoài ra, bản thân có hành vi BLGĐ cũng không nhận ra đây là hành vi vi phạm. Từ đó, trong nhận thức họ không điều chỉnh được hành vi của mình.

“Đối với cá nhân là người bị BLGĐ, một phần họ không nhận ra là đang bị BLGĐ để tố cáo, hay trình báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo vệ cho mình. Một phần, họ suy nghĩ hành vi bạo hành này là một câu chuyện bình thường trong mối quan hệ giữa vợ và chồng với nhau. Cũng có nhiều người cho rằng những chuyện tế nhị này là câu chuyện riêng của hai vợ chồng… Đây là những nguyên nhân vì sao trên thực tế, hành vi cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng có xảy ra nhưng không ai tố cáo để cơ quan chức năng xử lý” - LS Lâm nhận định.

Về mức xử phạt đối với hành vi BLGĐ, LS Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Tại Nghị định 144/2021, có quy định vi phạm hành chính về phòng, chống BLGĐ. Theo đó, tùy vào từng trường hợp mà người thực hiện hành vi BLGĐ có thể bị phạt 1-20 triệu đồng.

“Hiện nay, Nghị định 144/2021 chưa có quy định cụ thể đối với hành cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng có thể được xem là hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình. Đối với hành vi này thì mức phạt là 5-10 triệu đồng” - LS Hiểu phân tích.

Cũng theo LS Hiểu, đối với hành vi cưỡng ép vợ hoặc chồng quan hệ tình dục trái ý muốn, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì bị phạt tù 2-7 năm.

Hành vi chồng cưỡng ép vợ quan hệ tình dục hoặc ngược lại là bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình có thể bị phạt lao động công ích

Luật Phòng, chống BLGĐ mới bổ sung thêm việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng đối với người có hành vi BLGĐ.

Tại Điều 33 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 có quy định về thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Theo đó, công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ, trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi BLGĐ cư trú. Các công việc bao gồm tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Những công việc công ích nêu trên do chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định.

Chủ tịch UBND cấp xã, nơi người có hành vi BLGĐ cư trú có trách nhiệm tổ chức cho người có hành vi BLGĐ thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Theo LS Sơn đánh giá: “Nếu quy định này được áp dụng trên thực tế thì đây là một biện pháp tốt, bởi nó là hình thức phạt bổ sung có sức răn đe hơn cả phạt tiền. Nếu có hành vi BLGĐ là bị phạt lao động công ích thì nhiều người sẽ có cảm giác rất nặng nề vì liên quan đến danh dự, uy tín của người vi phạm. Từ đó sẽ khiến người vi phạm sợ mà không tái phạm nữa. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả thì các địa phương phải có hướng dẫn, kế hoạch cụ thể nhằm tránh việc này chỉ được quy định trên giấy chứ không có tính khả thi”.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết với hình thức chế tài buộc lao động công ích đối với hành vi BLGĐ sẽ có tính răn đe hơn. Bởi trên thực tế có trường hợp chồng đánh vợ, chồng bị xử phạt thì vợ cũng phải bỏ tiền ra nộp phạt nên không ai sợ.•

Bạo lực gia đình bổ sung nhiều hành vi mới

Theo Điều 2 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 có quy định chín hành vi bị xem là BLGĐ nhưng luật mới quy định đến 16 hành vi. Những hành vi BLGĐ được bổ sung gồm:

- Cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, hình thể, năng lực của thành viên gia đình.

- Tiết lộ/phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

- Cưỡng ép trình diễn khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực.

- Cưỡng ép mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai.

- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình.

- Cưỡng ép thành viên gia đình học tập.

- Đồng thời, luật mới sửa đổi hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục thành cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chong-hay-vo-cuong-ep-quan-he-tinh-duc-la-bao-luc-gia-dinh-post742744.html