Chồng khai vợ là 'đồng phạm' trong vụ bán giấy khám sức khỏe giả
Ngày 30-6, cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Quách Huy Dũng (SN 1985) và Đào Thị Phương Anh (SN 1988, cùng trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về tội 'Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức'.
Vợ đăng bán giấy khám sức khỏe giả, chồng đi giao cho khách
Trước đó, qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng Công an quận Cầu Giấy phát hiện một số đối tượng có hành vi mua bán giấy khám sức khỏe nên đã tập trung vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ.
Đến khoảng gần 11g trưa 18-6, tổ công tác Đội CSĐTTP về kinh tế và chức vụ Công an quận Cầu Giấy đã bắt quả tang Quách Huy Dũng đang có hành vi mua bán giấy khám sức khỏe trước số 190 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Tang vật thu giữ là 47 giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy ra viện, bộ biên lai thu tiền có hình mẫu dấu tròn của Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Cty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Qua đấu tranh, Dũng khai vợ mình là Đào Thị Phương Anh đã mua các loại giấy khám sức khỏe giả con dấu của các bệnh viện rồi đăng lên mạng xã hội bán. Mỗi tờ giấy khám sức khỏe, Phương Anh sẽ thỏa thuận với khách với giá từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng rồi đưa cho Dũng đi giao cho khách.
Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra đối với Phương Anh, phát hiện 38 giấy khám giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy ra viện, bộ biên lai thu tiền có hình mẫu dấu tròn của Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Cty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải. Khám xét chỗ ở của vợ chồng Dũng - Phương Anh, lực lượng Công an phát hiện thêm 29 tài liệu giả của nhiều bệnh viện.
Những hệ lụy khi mua bán và sử dụng giấy khám sức khỏe giả
Một cán bộ điều tra cho biết, hiện nay, rất nhiều người vì không muốn mất thời gian đến các cơ sở y tế để khám và làm giấy khám sức khỏe theo quy định nên đã lên mạng mua các giấy khám sức khỏe giả. Họ không nghĩ đến những nguy hại khi sử dụng giấy khám sức khỏe giả.
Việc không thông qua thăm khám, người lao động sẽ không thể biết được tình trạng bệnh tật, sức khỏe của bản thân. Ví dụ người mắt kém vẫn đi lái xe sẽ gây tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân và những người tham gia giao thông khác, đồng thời gây khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí vị trí công việc phù hợp cho người lao động, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lao động.
Nhiều trường hợp bị các cơ quan quản lý xử lý kỷ luật do thiếu trung thực trong hồ sơ. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân cần sử dụng giấy khám sức khỏe nên đến các cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tránh các hệ lụy đáng tiếc.
Theo Điều 341, Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Như vậy, đối với người sử dụng giấy khám sức khỏe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có hình thức xử phạt khác nhau. Hiện nay, khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 7 năm tù.