Chống lãng phí - chìa khóa khơi thông nguồn lực phát triển
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, ngành Công thương chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế. Ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để tiết kiệm, chống lãng phí, tinh giảm bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội; tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động về chống lãng phí; Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn: "Bộ Công thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" ngày 23/12.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, trong nhiều năm qua, ngành công thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thu được kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, trong năm 2021, ngành công thương tiết kiệm 4,5 tỷ đồng công tác phí, 1,2 tỷ đồng chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, 1,7 tỷ đồng văn phòng phẩm, thông tin liên lạc. Các doanh nghiệp do Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm 10,9 tỷ đồng.
Đến năm 2022, các doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 290 tỷ đồng chi phí quản lý. Trong năm 2023, Văn phòng Bộ Công thương tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao), trong khi các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765 tỷ đồng.
Bên cạnh tiết kiệm chi phí, những năm qua, Bộ Công thương đã giải quyết nhiều dự án tồn đọng giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động đầu tư, tạo thuận lợi cho sự phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng...
“Năm 2024, Bộ Công thương cũng đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ./.
Tại diễn đàn đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương cũng trình bày tham luận đề cập đến các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đề xuất, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường giáo dục nhận thức về phòng, chống lãng phí trong hoạt động quản lý, kinh doanh lĩnh vực thương mại trong nước. Việc phòng chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, mà còn đánh dấu bước chuyển mình đột phá của nền kinh tế quốc gia.