Chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Bài 2: Cần nhiều thời gian và sự phối hợp để xử lý tài sản công dôi dư

Để việc xử lý tài sản công dôi dư đạt hiệu quả sử dụng tối đa công năng nhà, đất hiện có đúng mục đích, không gây thất thoát lãng phí và tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các địa phương, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính xây dựng đề án xử lý nhà, đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng (QSD) đất là cần thiết và phù hợp.

Tránh lãng phí, thất thoát khi thanh lý tài sản công

Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thanh cho biết, đối với 1.867 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý có 1.682 cơ sở giữ lại tiếp tục sử dụng, 179 cơ sở điều chuyển, thu hồi 5 cơ sở nhà, đất và tạm giữ lại tiếp tục sử dụng 1 cơ sở.

Trong số này, có 63 cơ sở nhà, đất được các huyện, thị xã, thành phố đề xuất phương án xử lý theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng QSD đất và đang được UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Trụ sở TAND TP. Đông Hà bỏ hoang lâu ngày đang được Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan xử lý -Ảnh: H.N.K

Trụ sở TAND TP. Đông Hà bỏ hoang lâu ngày đang được Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan xử lý -Ảnh: H.N.K

Tuy nhiên, Sở Tài chính đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thận trọng rà soát tất cả các văn bản, quy định của luật pháp để xây dựng phương án xử lý tài sản sát đúng với quy định của luật pháp, đặc biệt là bám sát các quy định trong Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Ngày 30/3/2023, Sở Tài chính đã có báo cáo số 1003/BC-STC về tình hình sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở giúp các địa phương tổ chức thực hiện.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dự kiến nguồn thu và mục đích sử dụng sau khi bán đấu giá trụ sở công và chuyển đổi mục đích sử dụng đất như sau: TP. Đông Hà số tiền dự kiến thu được hơn 84 tỉ đồng, thị xã Quảng Trị thu 70 tỉ đồng, huyện Hải Lăng thu 70 tỉ đồng, huyện Triệu Phong thu 40 tỉ đồng, huyện Đakrông thu 10,5 tỉ đồng, huyện Vĩnh Linh thu trên 52 tỉ đồng, huyện Gio Linh thu 5 tỉ đồng, huyện Hướng Hóa thu 8,5 tỉ đồng, huyện Cam Lộ thu 20 tỉ đồng.

Riêng đối với số trụ sở của một số ngành không thuộc tài sản do địa phương quản lý như trụ sở TAND TP. Đông Hà, ngày 26/5/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Thông báo số 117/TB-UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ký, nội dung thông báo khẳng định trụ sở TAND TP. Đông Hà nằm tại Khu phố 3, phường Đông Lương, TP. Đông Hà đã lâu không còn nhu cầu sử dụng, ngày càng xuống cấp, cử tri TP. Đông Hà nhiều lần kiến nghị tỉnh có phương án xử lý tránh lãng phí tài sản công.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của TAND tối cao tại Công văn số 104/ TANDTC-KHTC ngày 8/5/2023, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với TAND tỉnh tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài chính điều chuyển trụ sở trên cho tỉnh quản lý, xử lý. Sau khi Bộ Tài chính có quyết định điều chuyển tài sản, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan lập phương án bán đấu giá trụ sở trên theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công

Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 (trước đây là Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước) đã tạo hành lang pháp lý để quản lý, sử dụng tài sản công. Quá trình thực hiện, quy định về quản lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trước hết là hình thành được cơ sở pháp lý đồng bộ với pháp luật, quy định của cơ quan cấp trên để thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền, nghĩa vụ của cơ quan, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Tạo tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công cũng như thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát, kiểm tra... đối với tài sản công.

Đặc biệt là nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Nhờ đó, việc rà soát, sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thực hiện phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; khai thác các diện tích dôi dư hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để có hiệu quả cao hơn.

Mặt khác, góp phần tạo nguồn thu cho các cấp ngân sách thông qua việc khai thác, xử lý tài sản công. Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương để từng bước nắm chắc, đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho công tác báo cáo, lập kế hoạch dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, ra quyết định và tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản công...

Bên cạnh những kết quả nêu trên thì các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Đó là chưa ban hành đầy đủ các quy định về quản lý, tài sản công trên địa bàn tỉnh của một số tài sản, lĩnh vực do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên.

Mức độ phân cấp cho chính quyền cấp huyện, xã còn hạn chế, chưa tương xứng với năng lực của chính quyền cấp dưới. Cơ chế kiểm soát phân cấp còn chưa hiệu quả, phân cấp chưa đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương được phân cấp chưa thực hiện nghiêm túc các chế độ báo cáo.

Vì vậy, trên cơ sở Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành, tỉnh Quảng Trị tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định địa phương đã ban hành về quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tiếp tục quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật; tổ chức tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nêu cao, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý. Hoàn thiện việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất và xe ô tô trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản công; triển khai có hiệu quả Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện kịp thời, xử lý các trường hợp sử dụng tài sản công không đúng mục đích, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả tài sản công trang bị cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước. Cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm thông tin về tài sản được đầy đủ, kịp thời, chính xác, phục vụ trực tiếp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Mặt khác, UBND tỉnh kịp thời ban hành các quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện. Xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các cơ sở nhà, đất đề xuất bán tài sản trên đất, chuyển nhượng QSD đất của các huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở triển khai các bước thủ tục tiếp theo. Bởi việc phê duyệt phương án xử lý các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh là căn cứ để thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh nhưng đang hoặc chưa thực hiện đúng phương án phê duyệt.

Đồng thời, là cơ sở quan trọng để tham mưu cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý đối với từng cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (điều chuyển, thu hồi, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất...) theo phân cấp của HĐND tỉnh.

Để việc xử lý các tài sản công dôi dư đạt hiệu quả sử dụng tối đa công năng tài sản nhà, đất hiện có đúng mục đích, không gây thất thoát lãng phí và tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các địa phương thì việc xây dựng đề án xử lý nhà, đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng QSD đất là cần thiết và phù hợp với Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Do đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Tài chính, các ban, ngành trung ương kịp thời có phương án quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí tài sản nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến cho biết, việc thanh lý tài sản trên đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đưa ra đấu giá đất theo các hình thức sử dụng để tăng thêm nguồn thu ngân sách địa phương và phát huy hết công năng sử dụng đất là hết sức cần thiết. Để việc thanh lý tài sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trụ sở không có nhu cầu sử dụng đúng luật pháp và tránh thất thoát, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng phương án tổng thể việc sắp xếp, xử lý tài sản công, đồng thời xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện.

Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổng rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do tỉnh quản lý, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lập phương án xử lý các cơ sở nhà, đất (dôi dư, không có nhu cầu sử dụng...) do cấp huyện quản lý theo hình thức bán đấu giá, trình UBND tỉnh xem xét để trình cấp có thẩm quyền duyệt phương án theo đúng các quy định hiện hành.

Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh thực hiện quy trình xử lý đối với các cơ sở nhà, đất đã được Bộ Quốc phòng thống nhất chuyển giao về tỉnh quản lý, xử lý (gồm doanh trại Ban CHQS huyện Đakrông; doanh trại Ban CHQS huyện Gio Linh; doanh trại cũ của Trung đoàn Bộ binh 842 - Ban CHQS huyện Triệu Phong).

Công an tỉnh lập phương án xử lý đối với cơ sở nhà, đất của Công an huyện Gio Linh tại Khu phố 7, thị trấn Gio Linh để giao cho tỉnh quản lý, sử dụng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chi cục Thi hành án tỉnh, Điện lực tỉnh rà soát, lập phương án sử dụng các trụ sở trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả.

Trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng, thực hiện các thủ tục để chuyển giao cho tỉnh quản lý, xử lý theo đúng quy định. Sau khi có phương án tổng thể về việc thanh lý, bán đấu giá các trụ sở công không có nhu cầu sử dụng, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thống nhất phương án xử lý.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/chong-lang-phi-trong-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-bai-2-can-nhieu-thoi-gian-va-su-phoi-hop-de-xu-ly-tai-san-cong-doi-du/179592.htm