Chóng mặt vì bị hối cưới, hỏi lương, giục đẻ

Bảo Trâm (24 tuổi, quê Hòa Bình) đã quá quen với cảnh người quen hỏi thăm những vấn đề riêng tư mỗi dịp tụ họp ngày Tết.

“Những câu như ‘Bao giờ lấy chồng’, ‘Lương bao nhiêu một tháng’, ‘Gửi được cho bố mẹ bao tiền’ đã trở thành kinh điển. Không chỉ người thân, cả bạn bè, hàng xóm láng giềng đều hay hỏi vậy”, Bảo Trâm kể với Zing.

Trâm cho hay vì cả năm phần lớn đi làm xa nhà trên Hà Nội, không thường xuyên gặp mặt mọi người ở dưới quê nên việc người khác thăm hỏi xã giao là chuyện dễ hiểu.

 Không ít người trẻ áp lực với những câu hỏi khó mỗi dịp đầu năm. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Không ít người trẻ áp lực với những câu hỏi khó mỗi dịp đầu năm. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

“Mình vẫn suy nghĩ rằng người lớn có quan tâm thì mới hỏi thăm, nhưng họ cũng không biết nhiều về cuộc sống của mình nên những thắc mắc về công việc, tình cảm thường được sử dụng khi người hỏi không biết nên nói chuyện gì.

Vậy nên, mình không thấy khó chịu khi được hỏi về nghề nghiệp. Tuy nhiên, công việc của mình nghe khá xa lạ với người lớn, nên mình cũng thường trả lời chung chung, ngại giải thích kỹ hơn”, Trâm bày tỏ.

Không riêng Bảo Trâm, nhiều người trẻ thường không tránh được áp lực bị hỏi chuyện lập gia đình, công việc, lương thưởng mỗi dịp đầu năm. Dù cố gắng giữ thái độ vui vẻ, hòa nhã trước câu hỏi khó, không ít người thấy khó chịu, thậm chí có cảm giác bị xúc phạm khi bị họ hàng, người quen nhận xét khiếm nhã.

Bị hỏi kém duyên

Mỗi khi bị họ hàng hỏi những câu liên quan đến chuyện tình cảm, Trâm gặp phải nhiều trải nghiệm khó chịu hơn.

“Thông thường, khi được hỏi ‘bao giờ lấy chồng’, mình sẽ bảo bản thân chưa nghĩ đến hay chưa muốn lập gia đình ở độ tuổi này. Nhưng lần đó, một người họ hàng nghe vậy đã quay ra nói rằng mình là con một trong nhà, không lấy chồng là vô phúc”, Trâm kể lại.

Theo Trâm, với quan niệm người trẻ hiện tại, kết hôn không còn là đích đến cuối cùng nên nhận xét của người họ hàng nọ giống như tự quy kết cuộc đời người khác là thất bại nếu không chịu lập gia đình.

“Khi nghe vậy, mình thực sự tức giận. Vì không muốn quá hỗn hào với người lớn tuổi, mình chỉ đáp lại chuyện lấy chồng của bản thân không phải là việc nhà bác phải lo”, cô chia sẻ.

 "Bao giờ lấy chồng" là câu hỏi khiến nhiều cô gái trẻ thấy khó chịu. Ảnh: Phạm Thắng.

"Bao giờ lấy chồng" là câu hỏi khiến nhiều cô gái trẻ thấy khó chịu. Ảnh: Phạm Thắng.

Lần khác, Trâm bị một người quen hỏi vặn lại là “Có vấn đề gì về giới tính không?” khi cô bạn trả lời rằng hiện không thích, không yêu ai cả.

“Bị nhận phải những nhận xét khiếm nhã, mang tính tọc mạch nhiều lần như vậy thì ai cũng khó chịu. Tuy nhiên, mình không có ý định né tránh, trốn gặp mặt họ hàng vào Tết vì hầu như chỉ gặp đúng 1-2 lần trong năm. Mình chấp nhận xã giao với thái độ ngượng ngùng”, cô nói.

Theo Trâm, để câu chuyện hỏi thăm người trẻ vào dịp Tết không trở nên khó xử, kém thoải mái, người lớn cần lắng nghe câu trả lời với thái độ tôn trọng, thay vì hỏi cho có và đưa ra những nhận xét mang tính áp đặt.

“Mình từng gặp nhiều trường hợp người lớn hỏi thăm cốt để khoe khoang ngược lại về con cái họ. Cảm giác khi đó như là họ đang ‘dìm’ mình xuống để nâng con cái nhà họ lên vậy”, cô nói.

Mệt mỏi, né tránh khi bị hỏi khó

Mỗi lần họp mặt gia đình dịp đầu năm, Thái Kim Thảo (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) lại “ngậm tăm” vì không biết làm cách nào trả lời hết thắc mắc từ họ hàng về chuyện “định bao giờ cưới”, “lương bao nhiêu”.

Thảo và bạn trai đã yêu nhau 5 năm, nhưng cả hai đều chưa có ý định kết hôn vì muốn ổn định sự nghiệp trước. Bạn trai Thảo mới khởi nghiệp kinh doanh nhỏ, trong khi cô cũng muốn phấn đấu để năm tới có thể lên chức leader.

Tuy nhiên, các cô, dì trong họ đều giục Thảo nên cưới sớm vì “con gái có thì”, còn phải lo sinh đẻ sớm rồi nuôi con.

“Tới nhà chúc Tết, mọi người thường bảo bố mẹ mình ‘giục bé Thảo cưới đi, vài năm nữa lại quá lứa mất thôi’. Dù khó chịu, mình cũng chỉ có thể cười trừ rồi giải thích là mình còn nhiều kế hoạch khác. Thay vì đồng cảm, các cô lại bảo con gái phấn đấu sự nghiệp nhiều làm gì. Thường tới câu này, mình sẽ im lặng và không nói thêm gì nữa”.

 Mỗi người có một cách ứng xử khác nhau trước những câu hỏi kém duyên dịp Tết.

Mỗi người có một cách ứng xử khác nhau trước những câu hỏi kém duyên dịp Tết.

Quang Hạnh năm nay 35 tuổi và chưa có người yêu, cũng chưa từng dẫn cô gái nào về ra mắt gia đình. Anh nói 10 năm nay đã quen với câu hỏi “Bao giờ cưới vợ” mỗi dịp về quê Nghệ An ăn Tết.

Làm việc trong lĩnh vực cơ khí tại TP.HCM, môi trường xung quanh đa số là nam giới nên anh ít tiếp xúc với con gái, rất khó tìm được một nửa phù hợp.

Vì vậy, mỗi năm về quê, cha mẹ lẫn họ hàng đều giới thiệu rất nhiều cô gái còn độc thân trong xã để Hạnh tới tìm hiểu.

“Cách đây 10 năm, mình chỉ cười cho qua mỗi lần bị giục cưới, dù tầm tuổi đó bạn bè mình đều đã lập gia đình hết. Dần dần, mình áp lực hơn, thậm chí thành nỗi ám ảnh mỗi lần về quê. Đến tuổi 30, mình đã 2 năm liền trốn không về ăn Tết chỉ để né những câu hỏi khó. Giờ mình về cũng chỉ nằm im trong phòng vì quá mệt mỏi mỗi lần có họ hàng đến chúc Tết”, Hạnh nói.

Anh kể từng có một số mối tình nhưng cả hai đều chưa đủ gắn bó đến mức muốn kết hôn. Mỗi lần có bạn gái, anh rất ngại kể với bố mẹ vì chắc chắn sẽ bị giục phải cưới.

“Bây giờ mỗi lần về quê, mình cảm giác như bị áp deadline lên người. Tất nhiên, bản thân cũng rất muốn lập gia đình, nhưng mình thấy sự hối thúc từ những người xung quanh rõ ràng chỉ gây thêm áp lực không cần thiết. Những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại đến nhàm chán, nên mình lựa chọn tránh gặp mọi người để đầu óc khỏi phải căng thẳng trong dịp đầu năm”.

Đào Phương - Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chong-mat-vi-bi-hoi-cuoi-hoi-luong-giuc-de-post1293816.html