Chống ngập lụt tại đô thị và bài toán phát triển bền vững
Mưa là ngập giờ đây đã không chỉ là 'vấn nạn' của riêng Hà Nội mà của nhiều đô thị trên cả nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh mà không gắn liền với bài toán quy hoạch phát triển bền vững.
Ngán ngẩm Thủ đô cứ mưa là ngập, phương tiện hư hỏng
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa là người dân tại Hà Nội lại phải chật vật, bì bõm di chuyển khó khăn qua các tuyến đường vốn đã tắc nghẽn trong giờ cao điểm lại càng thêm ùn tắc vì mưa lớn gây ngập.
Trong ngày 27 - 28/9, Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to khiến một số khu vực có hiện tượng ngập úng như Lê Lợi, Quang Trung, Tô Hiệu (Hà Đông); Ngọc Hồi, Triều Khúc (Thanh Trì); Quan Nhân, Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm), Hoa Bằng, Trần Cung (Cầu Giấy),... với độ sâu khoảng 20 - 30cm thậm chí có nơi ngập trên 50cm.
Đã một tuần trôi qua nhưng anh Quân (trú tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội) vẫn chưa hết buồn chán vì chiếc ô tô của gia đình bị hư hỏng trong ngày Hà Nội có mưa lớn. Nguyên nhân là xe gầm thấp và hôm đó vợ anh có sử dụng để đi mua đồ thì gặp mưa lại không có kinh nghiệm đi qua tuyến đường ngập khiến xe bị “ngâm nước”.
Dù đã gọi cứu hộ nhưng do nhiều tuyến đường đều ngập úng, ùn tắc khiến công tác cứu hộ rất khó khăn. Gia đình anh đã mất một số tiền không nhỏ để sửa chữa lại nội thất cũng như máy móc của xe, tuy nhiên chắc chắn sẽ không còn được như trước.
Trao đổi với PV, đại diện một gara ô tô tại quận Cầu Giấy cho biết, thủy kích (ngập nước) là hiện tượng xe bị nước tràn vào buồng đốt (xi lanh) qua đường hút gió của động cơ làm xe chết máy đột ngột. Nếu lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ dẫn đến hỏng máy.
Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ. Chi phí sửa chữa thường rất lớn từ vài triệu cho đến vài chục triệu, thậm chí có thể lên tới cả trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ và toàn bộ hệ thống điện. Chi phí khắc phục sẽ tỷ lệ thuận với mức độ sang trọng và cao cấp của xe bởi giá phụ tùng chính hãng rất đắt.
Khi ô tô đi vào đường ngập nước, chết máy thì chắc chắn đã bị thủy kích. Chủ xe tuyệt đối không được khởi động lại mà cần nhanh chóng gọi cứu hộ, đưa xe đến gara để tiến hành khắc phục sửa chữa ngay, tránh hư hỏng nặng nề hơn.
Mưa ngập không chỉ gây ra những bất cập, thiệt hại cho lái xe, phương tiện giao thông mà còn khiến nhiều cư dân sống tại những khu đô thị bạc tỷ rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.
Chị Hoàng Anh sống tại một khu đô thị sầm uất trên đường Lê Trọng Tấn (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) chia sẻ, gia đình chị chuyển về đây ở từ năm 2019 nhưng đã chứng kiến nhiều vụ ngập úng. Việc khắc phục sau ngập úng phải mất 2 - 3 ngày.
Chỉ cần một trận mưa lớn như vừa qua là nước ngập ở nhiều tuyến đường giao thông và tràn vào tầng hầm những căn liền kề. Chủ nhà nào nhanh thì cũng chỉ chuyển được ô tô, xe máy lên. Dù dùng máy bơm hút nước nhưng đồ đạc bên trong đa phần sẽ bị hư hỏng và không thể sử dụng.
Đối lập với vẻ ngoài của những căn biệt thự sang trọng này là cứ mỗi khi đến mùa mưa người dân ở đây đều phải gồng mình chống nước tràn vào nhà. Song mọi giải pháp mang tính tạm thời chỉ như muối bỏ bể, chị Hoàng Anh nói.
Bài toán quy hoạch chưa đảm bảo?
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính khiến Hà Nội cứ gặp mưa lớn là ngập úng do quy hoạch còn thiếu đồng bộ, diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ, diện tích mặt nước giảm. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến bê tông hóa mạnh, hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp.
Hiện nay, Hà Nội có nhiều quy hoạch khác nhau, thực hiện quy hoạch riêng lẻ. Thành phố xây dựng các công trình đô thị, nhà ở nhưng không đi kèm với hệ thống thoát nước phù hợp, quy hoạch rời rạc và chưa có sự đồng bộ, thống nhất.
Sự thiếu sót trong công tác quy hoạch, chỉ tập trung phát triển đô thị mà không chú trọng quy hoạch cấp thoát nước đã khiến tình hình úng ngập diễn ra trong thời gian dài mà vẫn chưa được cải thiện.
Nói về quy hoạch đô thị có ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề thoát nước ở Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, chúng ta phải rút ra một bài học là không nên phát triển kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là chỉ chú trọng vào các khu đô thị, còn hệ thống kỹ thuật bên ngoài không hài hòa đồng bộ với khu đô thị.
Cần có những giải pháp rà soát lại, chủ đầu tư phát triển xây dựng các khu đô thị thì họ cũng phải có trách nhiệm với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài. Đồng thời, Nhà nước phải nhận thấy vai trò của mình, tức là khi cho phép bố trí nguồn lực đối ứng để phát triển hạ tầng kỹ thuật bên ngoài thì mới có thể giải quyết vấn đề úng ngập.
Chúng ta cần phải điều chỉnh lại quy hoạch mới, bổ sung các kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy; đặc biệt tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn và công tác bảo dưỡng để chống ách tắc cục bộ.
Bày tỏ quan điểm cũng như giải pháp để giảm thiểu tình trạng ngập úng tại Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn trong cả nước nói chung, một chuyên gia về quy hoạch xây dựng khẳng định, trong quy hoạch đô thị hiện nay cần thực hiện theo hướng tích hợp, tức là tất cả các loại quy hoạch được đặt trên cùng một hệ thống.
Như vậy, sẽ tránh được tình trạng mâu thuẫn hay quy hoạch này thực hiện đúng nhưng quy hoạch kia lại vướng. Thậm chí nhiều dự án đầu tư hiện nay khi triển khai đến khi gần xong lại phát hiện vi phạm các quy hoạch khác dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đơn cử như tình trạng ngập lụt tại Hà Nội, bài toán đặt ra không chỉ là quy hoạch hệ thống thoát nước khi xây dựng đô thị mà còn cần quy hoạch các công trình thủy lợi, phân bổ dân cư....
Nếu các hệ thống này không tích hợp với nhau thì các công trình có thể làm tốt quy hoạch xây dựng nhưng lại vi phạm quy hoạch về thoát nước, hoặc thủy lợi, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu chung. Khi chuyển sang phương thức quy hoạch tích hợp sẽ hạn chế được những chồng chéo, hạn chế.