Chồng ngoại

Nguyên lấy chồng ngoại, một anh chàng Hàn Quốc. Cuộc sống vợ chồng lúc đầu cũng hạnh phúc, là niềm tự hào của bố mẹ. Nhưng rồi anh chồng ngoại cờ bạc, lái xe gây tai nạn, nguy cơ phải vào tù nếu không có tiền đền...

Nguyên năm nay đã bước vào tuổi băm, ở nhà thì coi như “ê sắc” rồi. Trong lúc rỗi rãi, lang thang trên mạng, Nguyên làm quen với công ty môi giới lấy chồng nước ngoài. Nguyên nhắm mắt đưa chân.

Nguyên lấy chồng hơn 6 tuổi, có căn chung cư ở ngoại ô, nửa quê, nửa tỉnh. Chồng làm nghề lái xe trong nhà máy thực phẩm, Nguyên làm công nhân, mẹ chồng thì trồng trọt. Sáng sáng, chồng giao tiền cho Nguyên đi chợ, còn mẹ chồng nấu nướng. Nguyên lần lượt sinh được hai con trai kháu khỉnh, gia đình chồng phấn khởi, chiều hết mực.

Chuyện Nguyên có hôn nhân hạnh phúc với chồng Hàn Quốc trở thành đề tài sôi nổi. Người nhiều khen ông bà Thi tốt số, còn bà Thi mát mặt, hãnh diện khi cuộc sống gia đình thay đổi. Nguyên gửi tiền đều đặn hằng tháng. Tích cóp, bà cũng có vài trăm triệu mua cho con trai chiếc xe tải chở vật liệu thuê, cho con gái út tiền sửa nhà, mua xe máy, còn lại bà gửi tiết kiệm. Hàng xóm thì bà cho mỗi người hộp bánh, lạng nấm linh chi, khoe là Nguyên nó gửi về. Trong lúc nhiều người bán tín, bán nghi thì bà lại khoe đi làm hộ chiếu sang chơi với con. Bà đi rồi thì mọi người khẳng định: “Cứ nói lấy chồng Hàn Quốc thì này kia, nhưng nhìn gương bà Thi, ai chả muốn”.

Bà Thi đi hai tháng thì về nhưng bà không về một mình mà có cả con gái, con rể và cháu ngoại. Xóm nhỏ được dịp chứng kiến niềm vui của gia đình bà Thi.

Chỉ có ông Thản, là ít xuất hiện… cũng không thấy vợ chồng Nguyên chuyện trò với bố. Ông bà Thi đã "mỗi người một niêu" từ khi Nguyên lấy chồng. Mấy cuộc xô xát, Nguyên đều bênh mẹ vì nghi ngờ bố có quan hệ bên ngoài. Trước ông Thản đưa hết lương cho bà, giờ thì không. Nhiều người rỉ tai, đàn ông giữ tiền chỉ để nuôi gái. Nghe vậy, mẹ con bà Thi tức lắm, cứ có việc gì, kể cả giời ơi đất hỡi, thậm chí do bà Thi gây sự thì Nguyên cũng bênh mẹ. Giận con, bất lực với vợ, hôm Nguyên xuất ngoại, bố con không lời từ biệt. Tiền Nguyên gửi về đều qua tài khoản của mẹ. Bà Thi ý thức được “thế mạnh”, đi đâu cũng kể xấu chồng, tự khen mình, khen con gái. Bà muốn chứng minh cho cả xóm biết, không có ông Thản, bà vẫn sống khỏe.

*

Đã sáu tháng nay từ ngày Nguyên về Hàn Quốc, ít thấy bà Thi xuất hiện, cũng không thấy sang hàng xóm kể chuyện như trước. Bà tất tả đến nhà cô út, rồi lại to tiếng với anh trai cả. Thứ bảy tuần trước, bà dẫn người về định bán cái ô tô tải vừa mua cho con trai, sau đó xảy ra cãi vã vì anh con cả không chịu bán xe. Rồi bà ngược xuôi như phải lo lắng điều gì.

Thấy bà sụt sùi, ông Thản hỏi:

- Việc đã đến nước này, bà định giấu đến bao giờ?

- Sao tôi khổ thế này, chồng chẳng ra gì, con cũng vậy! Bây giờ, chồng cái Nguyên sinh thói cờ bạc, đi làm thì gây tai nạn cho người ta, không có tiền đền thì người ta kiện mất việc, có khi đi tù? Không khéo rồi bế nhau về đây thì nhục… hu hu!

- Chiều cho lắm vào, giờ bà đã thấy hậu quả cái cách dạy con chưa? Ông Thản đay nghiến.

- Thôi, ông đừng có gào lên nữa, việc tôi tôi lo, ông giờ thiết gì đến mẹ con tôi, mà ông còn coi nó là con đâu! Bà Thi rên rỉ.

- Tưởng là hớp được của người ta ngay, giờ thì mát mặt nhỉ! Ông Thản vẫn chưa muốn dừng.

Mấy đứa con đứng ngẩn nhìn ông bà chuẩn bị cuộc chiến “một mất một còn” như mọi khi. Nhưng không, ông Thản không nói gì, vào thẳng buồng nằm. Lúc sau, ông lại dậy, đi đi lại lại, nghĩ gì nung lắm.

*

Biết chạy đâu ngần ấy tiền để gửi đền người ta, số tiền quá lớn… Bà nhẩm mấy khoản mà Nguyên gửi, cộng với chút lãi ngân hàng cũng chỉ đủ một phần ba… Bà ôm mặt, nấc nghẹn.

Ông Thản giọng trầm đục.

“Có cả nhà, tôi có việc muốn nói!” Giọng ông hạ xuống: “Đây là toàn bộ tiền tôi dành dụm, bà với các con đã nghi ngờ tôi mang tiền đi đâu. Tôi giữ lại vì để bà có ý thức tiết kiệm. Nay xảy ra cái họa thì phải tìm cách. Nó vốn là đứa biết nghĩ đến gia đình, lúc làm ăn được thì nó gửi tiền về, nay nó gặp nạn...”.

“Ôi trời ơi, gửi về thành tiền Việt thì to chứ giờ gửi sang thành tiền Hàn thì có chắc đủ trả nợ không?” Bà Thi cố tỏ vẻ không quan tâm vì bà đã nhìn thấy ánh mắt trách móc của những đứa con.

- Đủ hay không thì nó cũng phải vận động thêm, chứ ở bên này, mình làm tròn trách nhiệm với nó”.

Ông mở chiếc hộp. Những tập tiền xếp gần đầy miệng. Không ngờ, số tiền lớn vậy. Bà Thi nhìn trộm chồng rồi lảng sang chỗ khác.

Ông Thản vỗ vai con trai:

- Còn cái ô tô, giờ có bán đi cũng chả được bao nhiêu, mà nó là đồ kiếm sống của cả nhà, con cố giữ mà làm!

Tất cả thở phào, ông quay sang nhắc vợ:

-Việc dừng lại thế thôi, bà chớ đem khoe hàng xóm, không hay ho gì đâu!

- Giờ mà ông còn nói thế được à? Bà Thi lườm chồng.

Cả nhà ngồi quây quần bàn bạc việc gửi tiền cho vợ chồng Nguyên trả nợ. Không ai nói ra nhưng đều biết, đây là quãng thời gian khó khăn nhưng, trong cái rủi lại có cái hay, mỗi thành viên gia đình cũng hiểu nhau hơn.

THU HẰNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chong-ngoai-390824.html