Chống 'sốc' cho trẻ mầm non
Do đã quen nếp sinh hoạt ở nhà hoặc chưa tiếp xúc với môi trường học mới, nên khi bắt đầu đến trường, trẻ dễ mắc tâm lý sợ hãi…
Do đó, thời điểm này ngoài kết hợp với phụ huynh để ổn định tâm lý, giáo viên rất vất vả khi vừa dạy học, vừa tập kỹ năng cho trẻ.
Xây dựng lại thói quen
Hai vợ chồng đi làm cả ngày, chị Nguyễn Thị Q. - trú tại quận Gò Vấp (TPHCM) phải gửi con gái 26 tháng tuổi đến lớp nhà trẻ tại một trường mầm non công lập trên địa bàn. Dù đã xác định và chuẩn bị tâm lý những ngày đầu đến lớp con khóc nhiều nhưng những gì diễn ra khiến chị Q. không khỏi mủi lòng.
“Đưa con đến lớp, tôi vừa dỗ dành vừa nịnh nọt, nhưng không biết xử trí ra sao vì rời tay mẹ là cháu lại khóc. Nhưng nhớ lời những người có kinh nghiệm mách, tôi lờ đi mà trao con cho cô giáo. Tôi và chồng cũng xác định cố gắng không cho con nghỉ để làm quen và chấp nhận việc đi học”, chị Q. chia sẻ.
Tương tự, anh Vương Hoàng B. trú tại TP Thủ Đức (TPHCM) vất vả trong những ngày đầu đưa con đến trường sau thời gian dài nghỉ hè. Năm nay, con bước vào lớp Chồi, tuy nhiên vợ chồng anh B. xác định những ngày đầu đến trường, chắc chắn con sẽ không chịu và la khóc. “Đến trường, cháu khóc, ôm chặt lấy tôi. Cứ chuẩn bị chuyển sang tay cô lại khóc. Tuy nhiên, năm học trước cũng diễn ra tình trạng này trong mấy ngày đầu đến trường nên 2 vợ chồng đã chuẩn bị tâm lý”, anh B. kể.
Ở góc độ giáo viên, thầy Lê Công Sự - Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TPHCM) trao đổi, những ngày đầu đón trẻ trở lại lớp giáo viên vất vả gấp đôi, gấp ba lần bình thường. Với lớp mẫu giáo lớn (4 - 5 tuổi) dù nghỉ học nhiều tháng nhưng các bé vẫn có ý thức thực hiện thói quen như xúc ăn, đi vệ sinh, ngủ…
Nhưng trẻ từ 3 tuổi trở xuống, các thói quen được dạy trên lớp gần như biến mất. Trẻ trở lại trường như ngày đầu tiên đi học, mọi thứ bắt đầu lại, từ việc nhớ tên, làm quen cô giáo, bạn bè trong lớp, khu vực đồ chơi. “Có trẻ quên lớp, quên mặt cô giáo, thấy lạ lẫm liền òa khóc, quay sang ôm cha mẹ nhất định không vào lớp. Có bé còn đòi cô bế suốt buổi học, không chịu chơi với bạn”, thầy Sự cho hay.
Cô Lương Thị Thanh Trang - Nhóm trưởng nhóm trẻ Hồng Hà (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, cơ sở nhận trẻ từ 19 - 36 tháng tuổi nên dịp đầu năm học khá vất vả, nhất là tuần đầu tiên. Nhiều trẻ quấy khóc không chịu ăn hay hợp tác với cô, bắt ẵm, bế.
“Với trẻ nhà trẻ, tuần đầu tiên của năm học các cô phải chăm sóc, dỗ dành rất nhiều. Có bé, giáo viên phải ẵm bế trên tay suốt để tạo cảm giác an toàn. Thực tế đây là tâm lý bình thường, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Thời gian nghỉ ở nhà lâu, được gần gũi cha mẹ, người thân nên đến lớp với người lạ bé sẽ thấy sợ. Tuy nhiên, sau 1 - 2 tuần, trẻ lại đi vào nền nếp”, cô Trang chia sẻ.
Phụ huynh, nhà trường phối hợp chặt chẽ
Theo TS tâm lý Bùi Hồng Quân - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), trẻ đến độ tuổi đi học mầm non là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển, thay đổi về mặt môi trường. Riêng trẻ đã từng đến trường, sau kỳ nghỉ dài, có thể sẽ quên trường, lớp, sợ đi học,... Chính vì vậy, việc cho trẻ đến trường phải có sự chuẩn bị chu đáo từ phía phụ huynh, nhà trường.
“Đối với phụ huynh, khoảng thời gian trước khi trẻ đến lớp cần trao đổi về việc sắp tới sẽ đi học cùng bạn bè mới; giải thích cho trẻ hiểu trường học là thế nào và đến trường được gì. Cha mẹ cũng có thể cho xem hình ảnh về trường mầm non mà bé học tập hoặc đưa đến tham quan trường, lớp để làm quen”, ông Quân cho hay.
Với trẻ nghỉ học quá lâu, đa số có thói quen ngủ và dậy muộn, giờ giấc sinh hoạt lộn xộn, không khoa học. Theo TS tâm lý Bùi Hồng Quân, cha mẹ nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt; thường xuyên kể cho bé những chuyện vui ở lớp như: Được gặp lại bạn bè, chơi đồ chơi cùng bạn, nếu không đi học sẽ không có ai chơi cùng,... nhằm tạo sự hào hứng và nhận thức việc cần thiết phải đi học.
“Chắc rằng, đầu năm học mới, các nhà trường đều quan tâm tổ chức nhiều hoạt động chào đón trẻ đến trường. Đặc biệt, với kinh nghiệm và kỹ năng của giáo viên, việc cho trẻ làm quen với môi trường mới không phải là điều quá khó. Tuy nhiên với trẻ nhút nhát hoặc chưa quen thay đổi môi trường, đòi hỏi thầy cô phải nỗ lực rất nhiều. Vì vậy, hiểu tâm lý từng độ tuổi và đồng cảm với các em trong giai đoạn đầu đến trường, cũng như thông tin kịp thời các vấn đề xảy ra cho phụ huynh để hai bên cùng nhau phối hợp là điều cần thiết”, TS Quân cho biết.
“Nhiều phụ huynh lần đầu đưa con đến trường thường lo lắng ở lại để quan sát. Trong khi đó, trẻ nhìn thấy cha mẹ lại khóc lâu hơn. Nhiều trường hợp phụ huynh thấy bé khóc quá cũng khóc theo.
Do đó trong ngày đón trẻ, thường một giáo viên sẽ đưa trẻ vào lớp, người còn lại khéo léo trấn an tâm lý và mời phụ huynh về để thầy cô tập trung quản lý, chăm nom và dỗ dành trẻ. Để có thể sớm hòa nhập, cha mẹ phải thả lỏng để trẻ có cơ hội xoay xở. Tránh vì thương mà không cho trẻ tiếp xúc với môi trường mới”, thầy Lê Công Sự - Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TPHCM) chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chong-soc-cho-tre-mam-non-post700366.html