Chống tham nhũng: Có phe phái hay không, cứ để nhân dân đánh giá
Việc phòng chống tham nhũng đặt ra nhiều vấn đề nên các thế lực thù địch càng có điều kiện, âm mưu chống phá.
Đây là nhận định được GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học - Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV trong bối cảnhcác thế lực thù địch thường xuyên cónhững bình luận trái chiều, đả phá, xuyên tạc, suy diễn kết quả công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua.
PV: Có nhiều chiêu bài đánh giá công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta như “Phát động công cuộc chống tham nhũng là để mị dân”? Vì sao những người tự xưng là nhà dân chủ ấy lại đưa ra quan điểm như vậy?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Không chỉ đấu tranh phòng chống tham nhũng mà bất cứ việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho Đảng thì các thế lực thù địch đều chống phá vì mục đích của chúng là làm thế nào đó càng xấu với chúng ta thì càng tốt cho chúng.
Trong việc phòng chống tham nhũng đặt ra nhiều vấn đề nên các thế lực thù địch càng có điều kiện, âm mưu để thổi phồng hoặc khoét sâu những vụ việc, những hành động chống tham nhũng của chúng ta.
Rõ ràng đó là ý đồ của các cá nhân, các phần tử cực đoan chống đối, nhưng trong nhiều trường hợp, đó cũng là chủ trương của các tổ chức. Ví dụ hiện nay có một số tổ chức đang ở nước ngoài, như Chính phủ Việt Nam lâm thời hay Đảng Việt Tân thì đấy là tổ chức chứ không phải thuần túy cá nhân nữa.
PV: Họ được gì khi rêu rao những quan điểm sai trái như thế?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Đối với các tổ chức thì về lâu dài họ có mưu đồ thay đổi chế độ của chúng ta. Họ hy vọng sự thay đổi chế độ đó sẽ mang đến lợi ích cho phe nhóm hay của cá nhân họ.
PV: Ý kiến của Giáo sư về công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Đảng và Nhà nước ta như thế nào?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Từ lâu Đảng ta chủ trương và coi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng này là một cuộc chống giặc nội xâm. Giặc này rất nguy hiểm, nó không có gươm dao, không có súng đạn và cũng không có một trận tuyến cụ thể nhưng nó có thể phá nát toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Việc phòng chống tham nhũng, trước hết là để xây dựng Đảng, xây dựng, phát triển đất nước chứ nó không phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân hay một quan hệ cá nhân nào. Cuộc phòng chống tham nhũng nhìn trên bình diện như vậy thì thấy là tất yếu, là bình thường của một nhà nước, của một đảng - nhất là đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền.
Qua việc xử lý các phần tử tham nhũng vừa rồi, chúng ta thấy không có vùng cấm, không loại trừ ai, và từ cấp cao cho đến cấp thấp, không có dấu hiệu nào gọi là phe phái.
PV: Người dân cần trang bị cho mình điều gì, khi xung quanh có rất nhiều thông tin xuyên tạc, vu khống lãnh đạo Đảng và Nhà nước?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Nhận diện cho được thế lực thù địch. Hiện nay có rất nhiều thế lực thù địch. Có thế lực thù địch thuộc về một quốc gia nào đó, có thế lực thù địch thuộc một lực lượng chính trị nào đó có thể ở trong nước hoặc nước ngoài.
Có thế lực thù địch thì thuộc một cá nhân hoặc một vài cá nhân. Người dân có thể mắc mưu hoặc trong tâm trạng hoài nghi thì vô tình trở thành người tiếp sức cho thế lực thù địch.
Cần phải có một thái độ rõ ràng. Thứ nhất, cần phải thấy sự nghiệp đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta là một cuộc đấu tranh dựa trên những đường lối, chủ trương nhất quán từ khi thành lập nước cho đến nay.
Thứ hai, tham nhũng hiện nay là một trong những vấn đề của toàn cầu, nó gắn liền với tất cả các nước trên thế giới, ở nơi nào mà có tổ chức quyền lực Nhà nước mà nếu tha hóa, không kiểm soát được quyền lực, không minh bạch được hoạt động thì nguy cơ tham nhũng xảy ra.
PV: Ở Việt Nam ta, theo giáo sư, cần những chế tài và hành động như thế nào để phản bác và xử lý những tổ chức và cá nhân vu khống, xuyên tạc?
GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Cần phải có những biện pháp cụ thể hóa và mạnh mẽ hơn nữa. Chỗ nào chưa hoàn thiện pháp lý thì chúng ta phải nghiên cứu để ứng phó với tình trạng này. Phải luôn luôn tỉnh táo và có thái độ nhất quán, khoa học đối với đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta, Nhà nước ta./.
PV: Xin cảm ơn GS. Phan Xuân Sơn!