Chồng thất nghiệp, ở nhà vợ nuôi có xấu hổ không?
Đàn ông nội trợ, ở nhà vợ nuôi có phải là điều đáng hổ thẹn đến mức, cô vợ phải nói dối thế không?
Chồng tổn thương vì thất nghiệp, ở nhà vợ nuôi
Tâm sự ứa nước mắt của một anh chồng tuổi 30, đang thất nghiệp ở nhà làm nội trợ đã khiến cõi mạng xôn xao, đặc biệt là cánh mày râu. Theo đó, anh chồng kể, những năm trước có công việc ổn định, hai vợ chồng thu nhập tương đương nhau nên gia đình êm ấm. Việc nhà chia nhau ra làm, chẳng mấy khi bất đồng.
"Khổ nỗi mấy tháng vừa qua dịch nên mình bị thất nghiệp, ở nhà nội trợ. Trong khi đó, vợ mình lại có cơ hội nên vừa chuyển qua làm ở một công ty xịn hơn. Mình cứ nghĩ là tranh thủ ở nhà mấy tháng nghỉ ngơi, nấu ăn, chăm con cũng không có gì là xấu hổ cả. Đàn ông phải có lúc này lúc kia chứ.
Mấy hôm nay vợ mình không ăn được cơm bên ngoài nên có bảo mình mang cơm đến vào sát giờ ăn trưa. Mình mang được 3 hôm thì không có chuyện gì. Cho đến trưa nay...
Đúng lúc vợ mình đang đi cùng một nhóm đồng nghiệp. Lần đầu tiên thấy vợ gặp mình mà cứ bối rối, quẩn quanh đến thế. Trong lúc mình còn loay hoay đội mũ, quay xe thì nghe thấy đồng nghiệp của vợ hỏi mình là ai. Vợ mình bảo: "Đấy là anh xe ôm đầu ngõ, chị thuê đưa cơm ấy mà".
Mình như lặng đi khi nghe được câu nói này. Đến giờ mình cứ tự hỏi mãi: Có người chồng thất nghiệp thì xấu hổ quá hả mọi người?" - anh chồng chia sẻ.
MXH lập tức chia phe tranh cãi dữ dội. Có người trách cô vợ "sâu sắc như cơi đựng trầu", vì cho rằng cô không biết chia sẻ với chồng. Việc gọi chồng là "anh xe ôm đầu ngõ" đã cho thấy cô không hề tự hào, hay nói thẳng là thấy ngượng với tình trạng thất nghiệp này.
Nhưng cũng có người chỉ trích anh chồng không biết giữ thể diện cho vợ, ra đường đưa cơm mà ăn mặc thế nào để giống xe ôm. Thậm chí, có người còn tuyên bố: "Tôi lương gấp 3 lần vợ còn phải giặt quần áo, rửa bát, nấu cơm, lau nhà... nữa là thất nghiệp. Đàn ông thất nghiệp bị khinh là phải".
Đàn ông cũng cần được cứu
Sự tranh cãi của dân mạng đã làm lộ ra một thực tế, dường như cả nam và nữ đều đang sống dưới những áp lực vô hình từ định kiến. Định kiến cho rằng, người đàn ông phải mạnh mẽ, phải là trụ cột tài chính, là người "xây nhà". Ngược lại, phụ nữ sẽ lo việc nội trợ, chăm con, là người "xây tổ ấm".
Khi xã hội thay đổi, phụ nữ đi làm và gặt hát được thành công, có địa vị xã hội, định kiến vẫn "mong" họ chu toàn cả việc nhà. Và đàn ông, dù có san sẻ nội trợ với vợ, vẫn được kỳ vọng sẽ là người chịu trách nhiệm chính về kinh tế.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) chia sẻ, chính định kiến ấy khiến phần lớn đàn ông (và cả vợ của họ) không thoải mái khi đàn ông nội trợ, vì nó "lệch" với hình tượng khuôn mẫu thường thấy về đàn ông.
TS Khuất Thu Hồng
Viện Nghiên cứu phát triển xã hội
84,38% nam giới trong nghiên cứu cho rằng phụ nữ nên làm các công việc nhẹ nhàng, đơn giản và 82,66% cũng đồng ý quan niệm phụ nữ nên ưu tiên chăm sóc gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp.
Theo nghiên cứu "Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" mà ISDS công bố năm 2020, những tiêu chí được coi là phải có ở "đàn ông đích thực" trong lĩnh vực "bổn phận gia đình" bao gồm: là trụ cột trong gia đình; lấy vợ, sinh con; kiếm đủ tiền nuôi được vợ con, thờ cúng tổ tiên.
Với những định kiến ấy, nếu một người đàn ông không ra ngoài kiếm tiền, ở nhà làm nội trợ để vợ lo tài chính chịu rất nhiều đánh giá từ bên ngoài. Khoảng 83% số nam giới được khảo sát thừa nhận họ có nỗi lo và áp lực về tài chính.
Vì đàn ông được nuôi dạy để tin rằng nam giới cần là bờ vai che chở cho người phụ nữ của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ai không làm được điều này được xem như là "kẻ thất bại". Do đó, không quá ngạc nhiên khi người chồng thất nghiệp ở trên, dù khá thoải mái với việc làm nội trợ ở nhà, nhưng lại bị tổn thương trước sự đánh giá của vợ (và lo lắng về đánh giá của xã hội).
TS Khuất Thu Hồng cho rằng, đàn ông không "kém cỏi" hay "thua kém vợ" khi anh ấy ở nhà nội trợ. Đơn giản vì nếu trong một cặp vợ chồng, ai có thể kiếm tiền tốt hơn, người đó nên ra ngoài lo tài chính, người còn lại ở nhà phụ trách gia đình.
Tuy nhiên, không phải người đàn ông nào cũng có thể vượt qua rào cản và áp lực từ dư luận cũng như tư tưởng của bản thân để tự tin tuyên bố: Tôi là đàn ông nội trợ!