Chống tin xấu, độc như chống dịch
Việt Nam đã trải qua những mùa dịch bệnh do virus đáng nhớ như SARS, H5N1 nhưng chưa khi nào vừa chống dịch, chúng ta phải đương đầu với thứ lây lan còn đáng sợ hơn cả virus gây bệnh - fake news (tin giả) như trong mùa COVID-19 này.
Theo thông tin từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tính đến hết tháng 3, cơ quan chức năng xử phạt trên 300 trường hợp đưa tin sai về dịch bệnh COVID-19. Từ thời điểm được cho là dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2 với mức độ phức tạp hơn thì fake news cũng ăn theo để tung hoành...
Ăn theo bệnh nhân thứ 17
Đánh giá về tác động của fake news đến đời sống xã hội, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch GĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông LeBros cho rằng, nhiều nhà chuyên môn đã lên tiếng cảnh báo sự lũng đoạn của fake news. Bởi nó chuyển tải những thông điệp làm sai lệch bản chất của các vấn đề và hiện tượng xã hội. Fake news được tạo ra rõ ràng nhằm phục vụ những mục đích sai trái nào đó, từ những động thái câu view, tìm kiếm sự nổi tiếng, đến bán hàng hoặc cao hơn là nói xấu đối thủ, trục lợi kinh tế hoặc chính trị.
Cá biệt, có những loại fake news gây bất ổn xã hội, đảo lộn cuộc sống, thậm chí dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng con người. Ví dụ, một số trang mạng đưa tin trang web thuộc Bộ Y tế Nga tuyên bố virus SARS-CoV-2 là do con người làm ra. Tin này được hàng chục ngàn lượt share, gây hoang mang cực độ, bất chấp nỗ lực của Nga phản đối và nhiều chuyên gia y tế bác bỏ.
Ý kiến của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh đã chỉ rõ bản chất của fake news. Ở đây, chúng tôi muốn soi chiếu vào những tin giả ăn theo bệnh nhân thứ 17 như một ví dụ điển hình để thấy cơ chế lan truyền cũng như ảnh hưởng xấu của nó đối với xã hội như thế nào. Bệnh nhân thứ 17 xuất hiện trong bối cảnh Việt Nam đã điều trị thành công 16 bệnh nhân dương tính với virus Corona mới; 21 ngày liên tục không phát hiện thêm ca dương tính mới; xã Sơn Lôi hết thời gian phong tỏa 20 ngày.
Sự xuất hiện trở lại của virus Corona mới trên một bệnh nhân tại Việt Nam sau nhiều ngày được kiểm soát và lại là ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội nên được đặc biệt quan tâm. Ngay trong đêm, chính quyền Hà Nội với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phải họp khẩn.
Cuộc họp này đưa ra những thông tin công khai về ca bệnh thứ 17, những biện pháp cụ thể của Hà Nội trong việc kiểm soát, khoanh vùng, điều tra dịch tễ... nhằm ngăn chặn sự lây lan. Nội dung cuộc họp được các cơ quan truyền thông tường thuật khá chi tiết trên báo điện tử, truyền hình, báo giấy. Thế nhưng, trên mạng xã hội, các group kín... lại lan truyền tin tức thất thiệt về bệnh nhân thứ 17.
Chỉ riêng thông tin, bệnh nhân này có tham dự buổi khai trương cửa hàng của một thương hiệu đến từ Nhật Bản, ông Nguyên Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngay tại cuộc họp lúc nửa đêm đã bác bỏ. Mặc dù trên các phương tiện truyền thông phát đi cả đoạn video trả lời vấn đề này của ông Chung nhưng sáng 7-3, trên mạng lẫn ngoài đời, người ta vẫn bàn tán xôn xao về việc cô gái này đi dự buổi khai trương trên.
Không chỉ vậy, người ta còn lan truyền, bệnh nhân này trước đó còn đi bar trên phố Tạ Hiền, đến nhà bạn ở khu đô thị Time City, đến nhà người yêu ở phố Vũ Trọng Phụng...
Việc liệt kê hàng loạt điểm đến của nữ bệnh nhân sẽ liên tưởng đến việc gieo rắc virus ra cộng đồng. Nó như đổ thêm dầu vào lửa trong cơn giận dữ về việc cô trở về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế và khiến người ta hoang mang, lo lắng về sự bùng phát của dịch. Thế là, cùng với cơn “lên đồng” trên mạng, sáng 7-3, người ta kéo ùn ùn đến chợ, cửa hàng, siêu thị mua thịt, gạo, mì tôm, giấy vệ sinh..., tạo ra cơn sốt nhu yếu phẩm ngay tại Thủ đô. Không thể phủ nhận, chính những tin đồn thất thiệt ăn theo bệnh nhân số 17 đã tạo ra cơn hoảng loạn “thần hồn nát thần tính” này.
Không chỉ vậy, các đối tượng xấu còn đưa ra luận điệu dối trá, bịa đặt trắng trợn như: Đổ hết lỗi cho bệnh nhân, coi cô ta là tội đồ vì phá vỡ thành tích miễn dịch của đất nước...
Liên quan đến việc đưa tin giả về bệnh nhân thứ 17, ngày 10-3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) phối hợp với Công an quận Đống Đa, Công an quận Nam Từ Liêm triệu tập hai chủ tài khoản Facebook về việc đăng tin thất thiệt. Cụ thể, những người này đã đăng tải, trước khi nhập viện cách ly, bệnh nhân số 17 đã đi bar, đi khai trương cửa hàng thời trang, đến nhà bạn chơi...
Tại Cơ quan công an, họ thừa nhận hành vi đăng tin sai sự thật. Được biết, hiện nay Công an Hà Nội tiếp tục xác minh, xử lý những người đưa hoang tin về bệnh nhân thứ 17 và những tin sai lệch về COVID-19.
Hành vi vi phạm pháp luật
Không riêng tại Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối diện với nạn fake news liên quan đến dịch COVID-19. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch. Ngày 13-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp với một số hãng công nghệ như Facebook, Google, Amazon để cùng nhau tìm giải pháp ngăn chặn thông tin sai lệch về dịch bệnh COVID-19. Còn ở nước ta, việc yêu cầu các ông lớn công nghệ tham gia chống tin giả về dịch bệnh này cũng được thực hiện.
Đơn cử như với Google, người dùng tìm kiếm virus Corona sẽ đọc được chỉ dẫn bằng tiếng Việt: “Bạn đang tìm kiếm thông tin về virus Corona? Hãy xem thông tin mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam để biết cách giữ gìn sức khỏe và ngăn chặn virus này lây lan. Truy cập moh.gov.vn”.
Ngoài ra, Facebook, Google cũng hợp tác trong việc gỡ bỏ một số video, hình ảnh sai lệch về dịch bệnh này. Tuy đã có sự hợp tác từ các hãng công nghệ nhưng thực tế, fake news về virus Corona mới vẫn tràn lan trên không gian mạng.
Hiện nay, dịch bệnh này ngày càng phức tạp trên thế giới, khi có trên 100 quốc gia có người nhiễm, số người chết ngày một tăng thì những tin tức sai lệch cũng không ngừng phát tán. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải làm gì trước tình trạng này?
Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), fake news liên quan đến COVID-19 chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Lan truyền thông tin tìm cách chữa trị virus Corona tại nhà; tung tin sai sự thật về số lượng ca nhiễm, tử vong tại Việt Nam; tung tin đóng cửa biên giới với Trung Quốc; tán phát thông tin người Trung Quốc đến Việt Nam; kêu gọi người dân bãi công, bãi thị và bãi khóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Tung tin về Nhà nước phun thuốc ngừa virus Corona trên bầu trời toàn quốc; tuyên truyền thông tin vaccine chữa trị virus Corona...
Rõ ràng, tin tức giả về COVID-19 phủ sóng rất rộng, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Vì thế, ảnh hưởng của nó đến công tác phòng chống dịch, đến tâm lý của người dân, đến ổn định xã hội rất lớn.
Chúng tôi xin nêu ra đây con số thống kê về những tin bài liên quan đến dịch bệnh COVID-19 trong 15 ngày đầu mùa dịch (20-1 đến 5-2) trên không gian mạng để thấy, từ khóa “virus Corona” có sức hút như thế nào. Đó là 68.648 bài đăng trên các trang tin điện tử, blog; 120.379 tin, bài đăng trên mạng xã hội Facebook, thu hút 800 nghìn lượt bình luận, 8,2 triệu lượt chia sẻ, 487 video clip trên YouTube... Trong biển thông tin này, trà trộn vào đó là những tin giả, gây hoang mang. Vậy đối tượng đăng tin giả là ai?
Thực tế từ hơn 300 trường hợp cơ quan chức năng đã xử lý cho thấy, đó là những người lợi dụng để câu view, câu like, quảng cáo, bán hàng online... Ngoài ra, các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối, phản động và một số người dân nhận thức chưa đầy đủ... cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đăng tải, phát tán nhiều thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; công kích chính quyền các cấp trong việc đối phó với dịch bệnh...
Cảnh giác với thông tin chưa kiểm chứng
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tại nước ta có khoảng 20.000 người đang thực hiện cách ly. Dù là cách ly tại bệnh viện, tại nơi tập trung hay tại nhà thì việc cách ly đối với những người có yếu tố dịch tễ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh là vô cùng cần thiết.
Anh Phạm Quang Long, hàng xóm của bệnh nhân thứ 17 thuộc diện cách ly tại bệnh viện (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) đã trở thành một KOL (người có ảnh hưởng xã hội), một người nổi tiếng sau khi đăng tải nhật ký cách ly ngày đầu tiên lên tài khoản Facebook cá nhân. Bài viết của anh đã lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng bởi trách nhiệm công dân cùng sự tin tưởng nỗ lực phòng chống dịch bệnh của các cấp chính quyền.
Là người chỉ có thể liên lạc với thế giới bên ngoài bằng chiếc điện thoại thông minh nhưng trong nhật ký ngày thứ 3, anh phải thốt lên sợ hãi về sự bội thực tin tức về COVID-19, trong đó có những tin tức xấu độc dẫn người ta đến sự lo lắng thái quá, hành động mất kiểm soát. Bản thân anh Long cũng khuyên mọi người nên “cách ly” thông tin xấu độc, để bảo vệ mình và chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh việc từng người phải có ý thức “cách ly” thông tin độc hại, cần có sự tham gia của cộng đồng. Group “Chung tay phòng chống fake news mùa dịch COVID-19” được chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh sáng lập và hiện đã có trên 1.500 thành viên là một ví dụ. Tại diễn đàn này, các thành viên tham gia phát hiện fake news; phân tích cảnh báo tin giả; tố cáo nguồn phát tán tin giả; tin tích cực chống fake news; tác động tích cực của fake news... Với sự chung tay của những người có trách nhiệm trong cộng đồng mạng, đây hẳn là một giải pháp để lọc bớt thông tin xấu độc.
Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, để tránh bị dẫn dắt bởi fake news, người đọc cần: Tìm hiểu thông tin từ nguồn tin chính thống; không tin theo các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, tránh tin mù quáng vào những tin đồn thất thiệt, làm hoang mang, lo sợ quá mức; không chia sẻ, bình luận theo những thông tin sai lệch, chưa kiểm chứng hay không rõ nguồn gốc; khi phát hiện các đối tượng, các thông tin sai lệch cần thông báo cho Cơ quan công an gần nhất, cơ quan chức năng liên quan để phối hợp xử lý, loại bỏ tin xấu...
Đề cập đến căn cứ pháp lý xử lý hành vi đưa tin giả, ông Lợi cho biết, đó là những quy định tại Nghị định 174/CP, và sắp tới là Nghị định 15/CP có hiệu lực từ ngày 15-4-2020; Điều 8, Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội. Trường hợp có mục đích chống chính quyền nhân dân có thể bị truy tố theo Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức xử phạt cao nhất là 20 năm tù giam.
Các cơ quan chức năng trong phạm vi thẩm quyền của mình điều tra, xử lý những người có hành vi đưa tin giả; các nhà cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm trong việc loại bỏ tin giả bằng giải pháp công nghệ; cộng đồng chung tay phát hiện, tẩy chay fake news và bản thân mỗi người chúng ta, hãy biết chọn cho mình nguồn tin đáng tin cậy, mỗi khi ấn nút like hay share đều làm với trách nhiệm cao nhất. Chỉ có như vậy, chúng ta mới không bị dẫn dắt bởi fake news, mới cùng nhau đi qua mùa dịch COVID-19 sớm hơn, an toàn hơn.
Nghiêm cấm hành vi:
Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.