Chớp thời cơ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, nông dân kỳ vọng nối dài giấc mơ tỷ phú

Không ít nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang rục rịch chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẵn sàng đón đầu 'chuyến tàu' xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, viết tiếp giấc mơ làm giàu.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra thêm nhiều cơ hội cho ngành hàng sầu riêng tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Sẵn sàng chớp cơ hội

Để nắm bắt cơ hội, hàng loạt HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bắt tay đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại như nhà xưởng, máy móc, kho lạnh... để chế biến sầu riêng đông lạnh.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) chia sẻ: “Hiện tại, HTX có 2 kho đông lạnh nhưng trước giờ chỉ làm hàng chanh dây. Theo dự kiến, HTX sẽ đầu tư xây dựng 2-3 kho lạnh nữa để triển khai làm sầu riêng đông lạnh trong vụ tới”.

Việc sầu riêng đông lạnh có visa chính ngạch sang Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cho người trồng sầu riêng.

Việc sầu riêng đông lạnh có visa chính ngạch sang Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cho người trồng sầu riêng.

Cùng với việc đầu tư kho lạnh, HTX Ia Mơ Nông đang xây dựng dự án liên kết sản xuất sầu riêng bền vững, làm theo các quy trình kỹ thuật, xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận, đảm bảo chất lượng đồng nhất và đủ sản lượng để xuất khẩu trực tiếp quả tươi cũng như nắm bắt cơ hội xuất khẩu hàng đông lạnh.

Có thể thấy việc mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam chính thức có “visa chính ngạch” sang Trung Quốc đang được rất nhiều người trồng sầu riêng trên cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng quan tâm. Bởi, dù được mệnh danh là “trái cây vua”, đang mang lại hàng tỷ đô la xuất khẩu, nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào xuất thô, rất khó để ngành hàng này nâng cao giá trị.

Việc giảm hàm lượng xuất thô, tăng hàm lượng chế biến là đòi hỏi tất yếu cho sự phát triển bền vững cho quả sầu riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh diện tích sầu riêng đang liên tục tăng.

Theo thống kê, vào năm 2019, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.369 ha sầu riêng trồng thuần và trồng xen, trong đó, 337,7 ha cho thu hoạch sản phẩm. Đến năm 2024, toàn tỉnh đã có khoảng 5.800 ha sầu riêng, trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 3.000 ha, được trồng chủ yếu ở các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê, Đak Đoa…

Cơ cấu giống sầu riêng gồm có: Dona, Monthong, Ri6, Musang King. Năng suất sầu riêng ổn định khi cây đạt từ 8 năm tuổi trở lên và đạt trung bình 30 tấn/ha/năm đối với sầu riêng chất lượng cao.

Liên tục đổi mới sản xuất

Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Minh Phát Farms (huyện Chư Prông), cho hay sau nhiều năm hoạt động, HTX hiện có 25 thành viên trồng 30 ha sầu riêng theo hướng VietGAP.

100% diện tích sầu riêng VietGAP của HTX đã xây dựng mã số vùng trồng từ cách đây 2 năm. Việc ký kết hợp tác với HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) tiêu thụ quả tươi, hàng đông lạnh bóc múi và chế biến các sản phẩm từ cơm sầu riêng là giải pháp để HTX phát triển bền vững.

“Việc được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc giúp đầu ra sản phẩm ổn định hơn. Sắp tới, HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk sẽ chuyển 1 kho lạnh đến đặt tại huyện Chư Prông để thuận tiện cho việc làm hàng đông lạnh tại chỗ”, đại diện HTX Minh Phát Farms cho hay.

Việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều tiêu chuẩn cần vượt qua.

Việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều tiêu chuẩn cần vượt qua.

Cây sầu riêng những năm qua đang trở thành cây làm giàu của hàng nghìn nông dân, HTX ở Gia Lai. Trước khi chuẩn bị sẵn sàng chớp cơ hội từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, người trồng sầu riêng ở Gia Lai đã tích cực đổi mới sản xuất, canh tác theo hướng an toàn, chất lượng cao.

Ông Châu Văn Hận, một hộ trồng sầu riêng có tiếng ở xã Ia Bang, huyện Chư Prông, cho hay năm nay tiếp tục là một vụ mùa được mùa, trúng giá của người trồng sầu riêng tại địa phương. Với sản lượng dự kiến trên dưới 35 tấn, gia đình ông có thể thu về khoảng 2,2-2,4 tỷ đồng lợi nhuận.

Đứng trên khu vườn chuyên canh cây sầu riêng rộng hơn 1,5 ha, ông Châu Văn Hận chia sẻ trước đây khu này chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu, còn sầu riêng chỉ chiếm số lượng rất ít. Những năm gần đây, khi nhận thấy sầu riêng cho giá trị cao, ông quyết định chuyển đổi toàn bộ sang loại cây “bạc tỷ” này.

Để chuyển sang trồng sầu riêng, ông Hận đã cất công tìm hiểu kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu khó tính, từ Á sang Âu.

Đáng chú ý, cùng với nhiều hộ sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh, ông Chu Văn Hận cũng đang đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật, “ép” cây ra hoa nhiều đợt để thu hoạch rải trong thời gian kéo dài khoảng 50-60 ngày.

Việc kéo dài thời gian thu hoạch giúp nhà vườn không bị dồn sản lượng tiêu thụ tại một thời điểm nên giá sẽ tốt hơn, không còn lệ thuộc quá nhiều vào thương lái, dễ dẫn đến việc bị ép giá.

Vượt qua các “bài toán” khó

Có thể thấy, cơ hội tăng trưởng của ngành hàng sầu riêng vẫn đang rất rộng mở, tuy nhiên, để nông dân, HTX trồng sầu riêng viết tiếp giấc mơ thoát nghèo, làm giàu bền vững, cũng còn đó không ít thách thức.

Trong một bài viết gần đây, VnBusiness dẫn lời bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông vào Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội về thị trường và chất lượng cho trái sầu riêng Việt.

Đặc biệt trong bối cảnh giá thành sầu riêng qua cấp đông lại không ngừng tăng lên và việc tiêu thụ thuận lợi, chủ động hơn, không còn lệ thuộc mùa chính, tạo ra những chuỗi giá trị đầu tư mới.

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận thách thức cho sầu riêng cấp đông hiện nay ở Việt Nam là hệ thống các kho lạnh chuyên ngành, các kho bảo quản chất lượng cao vẫn còn những hạn chế nhất định.

Với kinh nghiệm tại một doanh nghiệp đang làm sầu riêng cấp đông, ông Trần Văn Vĩnh, người quản lý về kho lạnh của Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng, lưu ý so với hoạt động xuất khẩu sầu riêng trái tươi hoặc cấp đông múi, chi phí đầu tư cho cấp đông nguyên trái cao hơn rất nhiều, từ lựa chọn trái, xử lý, chi phí cấp đông, chi phí lưu kho…

Nên nhắc thêm, để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.

Hơn nữa, phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc.

Tựu chung lại, với cơ hội mới đang mở ra cho dừa tươi và sầu riêng cấp đông khi được xuất chính ngạch vào Trung Quốc, để “hưởng lợi” thì điều quan trọng là hai mặt hàng trái cây chủ lực này cần thực hiện tốt các giải pháp phát triển. Nhất là làm tốt khâu liên kết sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đầu tư vào giải pháp kỹ thuật cấp đông. Và khâu chính sách cũng cần hỗ trợ nhiều hơn vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/chop-thoi-co-xuat-khau-sau-rieng-dong-lanh-sang-trung-quoc-nong-dan-ky-vong-noi-dai-giac-mo-ty-phu-1102262.html