Chốt chặn Đường 13: Rưng rưng miền ký ức
Những ngày tháng 8 này, trở lại mảnh đất Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, những cựu chiến binh Sư đoàn 7 từng tham gia chiến đấu tại Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng bảo vệ Đường 13 cách đây 50 năm mang theo bên mình những ký ức hào hùng trong 150 ngày đêm chiến dịch mùa hè đỏ lửa. Đó là những ngày dù 'hầm chốt không còn', bộ đội chủ lực và quân, dân địa phương vẫn 'bám hố bom mà đánh', sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ trận địa, 'người có thể không còn nhưng chốt thì vẫn phải còn'.
THỜI CƠ MỞ CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC
Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7 nhớ lại, trong những năm 1969-1971, ý đồ mở rộng chiến tranh ra 3 nước Đông Dương của Mỹ bị phá sản, quân ngụy ở chiến trường miền Nam rơi vào thế phòng ngự hoàn toàn. Đánh giá địch đang ở thế yếu khi phải co cụm phòng ngự toàn chiến trường là thời cơ của ta, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn chiến trường miền Nam.
“Cuộc tiến công chiến lược này đánh vào toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân ngụy dưới những hình thức: các chiến dịch tấn công của bộ đội chủ lực, các chiến dịch tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương và các hoạt động đấu tranh ở đô thị kết hợp với đấu tranh ngoại giao. Riêng khối bộ chủ lực, hướng chủ yếu trong cuộc tấn công chiến lược diễn ra ở đường 9 Quảng Trị do khối chủ lực của Trị Thiên và khối chủ lực của bộ đảm nhiệm. Thứ 2 là hướng quan trọng, đó là hướng ở miền Đông Nam Bộ - vùng 3 chiến thuật do Bộ chỉ huy Miền chịu trách nhiệm và đảm nhiệm trên Đường 13. Thứ ba là hướng phối hợp, tiến hành ở Bắc Tây Nguyên. Còn đơn vị chủ lực ở các địa phương thì tham gia với các địa phương” - Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể lại. Ông cũng nhấn mạnh: “Quyết tâm của Bộ chỉ huy Miền là đánh bại một bước ý chí của bọn ngụy và đánh bại một bước quan trọng của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy ở miền Nam”.
Đại tá Trần Xuân Ban, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 14, Sư đoàn 7 ôn lại những ngày tháng không thể nào quên trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ảnh: Như Nam
Ở miền Đông Nam Bộ, chủ trương của Quân ủy Miền và Bộ chỉ huy Miền là mở chiến dịch ở Đường 13 từ huyện Chơn Thành lên Cửa khẩu Hoa Lư là hướng chủ yếu. Hướng phối hợp của bộ đội chủ lực là ở đường 22 (Xa Mát - Thiện Ngôn lên Campuchia). Chủ trương của Miền là đánh bại, đánh quỵ khối chủ lực cơ động của Quân đoàn 3 vùng 3 chiến thuật của ngụy (tức vùng Đông Nam Bộ) và một phần lực lượng tổng trù bị của quân ngụy ở Sài Gòn. Đồng thời đẩy mạnh đánh phá bình định ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đường 13 là con đường huyết mạch, là con đường rất quan trọng của Mỹ - ngụy ở miền Đông Nam Bộ. Khi Mỹ chưa rút khỏi miền Nam, Đường 13 là con đường không vui của binh lính Mỹ khi bị đánh ở đây rất nhiều, đối với quân ngụy là “con đường máu và nước mắt”, con đường khủng khiếp nhất, bây giờ được mở ra làm hướng tiến công chính của bộ đội chủ lực.
“MỖI NGƯỜI LÀ MỘT MŨI THÉP TIẾN CÔNG”
Tham gia chiến dịch trên Đường 13, Sư đoàn 7 được Bộ tư lệnh Miền giao 4 nhiệm vụ: tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; chốt cứng, chặn đứng Đường 13, không cho một tên địch, một xe của địch từ Chơn Thành lên An Lộc và ngược lại; bảo đảm đánh lâu dài, đánh liên tục và vừa tác chiến vừa xây dựng. Trong 4 nhiệm vụ đó, nhiệm vụ thứ 3 được đặc biệt lưu ý.
Đại tá Nguyễn Trọng Đình, nguyên Chính trị viên Đại đội B41, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 7 phát biểu tại buổi họp mặt của Đại đội B41 nhân kỷ niệm 50 chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Như Nam
Trung tướng Nguyễn Văn Thái giải thích: “Chúng tôi khi nhận nhiệm vụ và khi tổ chức quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt lưu ý việc chốt cứng, chặn đứng trên Đường 13, không cho một xe địch đi lên và chạy về, tạo thời cơ cho lực lượng bạn (Sư đoàn 5, Sư đoàn 9) đánh Lộc Ninh, An Lộc. Nếu không giữ được, địch sẽ chọc thủng Đường 13, sẽ đưa được lực lượng lên và sẽ rất khó cho bên trên. Chúng tôi xác định nếu không giữ được Đường 13 sẽ rất khó giữ được thế tiến công của chiến dịch ở Lộc Ninh cũng như An Lộc”.
Chính giữ vai trò trọng yếu như vậy nên Đường 13 trở thành nơi chứng kiến cuộc đọ sức lịch sử, giao tranh ác liệt giữa bộ đội chủ lực Sư đoàn 7, lực lượng vũ trang địa phương với quân Mỹ - ngụy nhằm ngăn chặn quân địch chi viện từ Chơn Thành lên và quân địch rút chạy từ Bình Long về. “Khoảng từ ngày 6-4 đến 10-4, địch mới đưa lữ đoàn dù từ Sài Gòn lên Chơn Thành cùng với Trung đoàn thiết giáp bắt đầu tiến công. Địch tấn công ngày 3, 4, 5 lần, có ngày đến 6 lần. Địch đánh vỗ mặt không được, bao vây vu hồi cũng bị đánh, cuối cùng chúng dùng biện pháp rất ác liệt, đó là dùng pháo tự hành tập trung bắn từng hầm. Khi thấy hầm nào nhô lên là chúng dùng pháo tự hành của xe tăng tập trung bắn sập, với sự yểm trợ của máy bay, pháo binh. Ở sở chỉ huy sư đoàn, chúng tôi nghe báo cáo như vậy thấy rất căng” - Trung tướng Nguyễn Văn Thái hồi tưởng.
Giao tranh ác liệt thường là tổn thất nhưng đồng thời cũng thử sức cả khả năng tác chiến, trong đó có chiến thuật chốt chặn. Ta đã hoàn thiện được chiến thuật chốt chặn trong một chiến dịch để bảo đảm phục vụ mục đích chiến dịch.
Thượng tá LÊ QUANG LẠNG, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Không chỉ trong những ngày đầu mà chiến trường ác liệt trong suốt 150 ngày đêm, như tướng Thái nhìn nhận “chưa có chiến dịch nào dài như thế”. Nhưng với sự sáng tạo trong cách đánh và lòng quả cảm, với tinh thần “mỗi người là một mũi thép tiến công”, “sức mạnh của một người bằng sức mạnh của tiểu đội, sức mạnh của tiểu đội bằng cả trung đội”, cuộc chiến đấu giữ Đường 13 đã kết thúc thắng lợi. “Chiến dịch Nguyễn Huệ đã tiêu diệt một phần quan trọng lực lượng, phương tiện chiến tranh của địch, đánh thiệt hại nặng 6 sư đoàn của quân ngụy, gồm 3 sư đoàn của vùng 3 chiến thuật và 3 sư đoàn dù của vùng 4 chiến thuật, tiêu diệt 1 trung đoàn thiết giáp, 2 chiến đoàn bị tiêu diệt gọn” - Trung tướng Nguyễn Văn Thái tự hào.
VÌ TỔ QUỐC QUANG VINH
“Xóm Ruộng - Tàu Ô một thời máu đổ
Chốt chặn kiên cường, gian khổ, hy sinh…”
Để bảo vệ vùng giải phóng Lộc Ninh, giữ vững thế tiến công tiến tới giải phóng miền Nam, hơn 1.000 người đã anh dũng ngã xuống trong 150 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trên mảnh đất Tàu Ô - Xóm Ruộng. Trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, lúc đó là quyền Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, đã có 891 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 hy sinh, còn quân dân địa phương là 120 người. Đó là 150 ngày đêm lịch sử đầy gian khổ, hy sinh mà mãi mãi bất tử. “Tôi nhớ đồng chí Nhã, Tiểu đội trưởng trinh sát của tuyển 3. Lúc đó đưa cơm từ bên Tây đường qua bên Đông đường rất khó khăn, đồng chí Nhã đã mở đường, cho cơm vào bòng đưa sang cho đồng đội. Trong lúc anh em ăn thì Nhã cầm súng chiến đấu bảo vệ cho anh em, nhưng đi được đến lần thứ 4 thì hy sinh…” - Thiếu tướng Doanh mắt đỏ hoe ngậm ngùi.
Ký ức một thời bi hùng nơi Chốt chặn Tàu Ô ấy vẫn là dấu ấn khó phai mờ với những người lính một thời dạn dày sương gió. Cựu chiến binh Đặng Phúc Định, nguyên chiến sĩ Đại đội hỏa lực B41 xúc động: “Chúng tôi may mắn còn sống trở về, mỗi khi đến thăm tượng đài, thăm đồng đội, tôi lại nhớ về quá khứ, nhớ đến sự hy sinh, mất mát của đồng đội. Chúng tôi xác định nợ các anh một sự tri ân, vì các anh đã nằm xuống cho chúng tôi được sống. Những vết sẹo của chiến tranh nay đã liền da, nhưng vết sẹo của lòng người thì vẫn hằn mãi những đau thương vì sự mất mát quá lớn”.
Hằng ngày có thương binh là chúng tôi đưa về phía sau, nhưng khi sức khỏe khá khá một chút anh em lại đòi ra phía trước. Nhưng nhiệm vụ Miền giao là đánh lâu dài, phải luân chuyển nên trận địa phòng ngự đằng sau chúng tôi làm rất chu đáo, để quân đằng trước được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng, sức khỏe hồi phục. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi hồi đó rất trẻ, rất nhiệt huyết, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng…
Trung tướng NGUYỄN VĂN THÁI, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7
50 năm, những người đã góp phần công sức bảo vệ Đường 13 vẫn rưng rưng nỗi nhớ thương đồng đội đã quên mình vì Tổ quốc quang vinh. Sự hy sinh đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đi đến thắng lợi cuối cùng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136353/chot-chan-duong-13-rung-rung-mien-ky-uc