'Chốt' giá tạm tính cho 15 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp
Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính cho 15 nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, kỹ thuật để kịp phát lên lưới. Tuần tới, Bộ Công Thương dự kiến cũng phê duyệt thêm giá cho 6 dự án cho tới khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư đạt được thỏa thuận giá chính thức.
Cổng thông tin Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương vừa đưa biểu giá tạm tính của 15 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp có công suất 1.200 MW, được áp dụng khung giá bằng 50% so với giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công Thương.
Theo đó, giá mua điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công Thương dao động 1.508-1.816 đồng/kWh, giá tạm tính của các dự án trên khoảng 754-908 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Giá này được áp dụng cho tới khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN và các chủ đầu tư đạt được thỏa thuận giá chính thức.
Theo Cục Điều tiết điện lực, một trong những vướng mắc trong đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp từng được EVN và các chủ đầu tư nêu là do chưa rõ phương pháp tính giá từ Bộ Công Thương.
Hiện 31/85 dự nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8 MW, đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN. 24 chủ đầu tư đã thống nhất áp dụng cách tính giá theo chiết khấu dòng tiền, tương tự hướng dẫn tại Thông tư 57/2020/TT-BCT, trong đó có 2 nhà máy đã được EVN duyệt giá tạm thời là Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An. Còn 48 dự án chuyển tiếp chưa nộp hồ sơ đàm phán cho EVN, 11 hồ sơ phải bổ sung, hoàn thiện.
Theo Luật Điện lực, các dự án trước khi được vận hành, các dự án điện tái tạo cần có giấy phép hoạt động điện lực. Song mới chỉ có 19% dự án chuyển tiếp được cấp giấy phép. Bộ Công Thương đang thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép điện lực của 12 dự án.
Tuần tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phê duyệt thêm giá tạm tính cho 6 nhà máy đã được chủ đầu tư và EVN thống nhất giá tạm tính, Cục Điều tiết điện lực thông tin.