Chợt nghe NSND Phạm Nhuệ Giang chơi đàn

Hôm ấy trời Đà Lạt có mưa, cơn mưa rào nhẹ dường như làm thành phố ngàn hoa trở nên buồn thơ mộng hơn. Trong khung cảnh và tiết trời ấy chợt gian phòng trên tầng 2 của Nhà sáng tác Đà Lạt nhè nhẹ vang lên những giai điệu trầm lắng của một bản nhạc cố điển, tiếng nhạc cất lên từ một chiếc đàn piano.

NSND Phạm Nhuệ Giang chơi đàn Piano.

NSND Phạm Nhuệ Giang chơi đàn Piano.

Tất cả những người có mặt trong phòng đều như ngừng mọi hoạt động, ngừng mọi câu chuyện, mọi ánh mắt đổ dồn về phía nơi phát ra tiếng đàn. NSND Phạm Nhuệ Giang đang ngồi bên cây đàn. Chị dường như dồn tâm tưởng vào hết những ngón tay đang lướt trên phím đàn.

Tôi lắng nghe và nhận ra giai điệu quen thuộc của bản Polonais của nhạc sĩ Michał Kleofas Ogiński. Ông là một trong những nhà soạn nhạc Ba Lan xuất sắc thuộc thời kỳ âm nhạc Cổ điển. Sáng nay bất chợt được nghe giữa khung cảnh “cái lạnh đầu đông” ở xứ hoa đào khiến chẳng cứ gì tôi mà mọi người đều xúc động.

Chờ cho NSND Phạm Nhuệ Giang chơi xong bản nhạc thì tôi mới lại gần hỏi chuyện. Thì ra Phạm Nhuệ Giang được cha mình là Đạo diễn – NSND Phạm Văn Khoa, cho theo học trường âm nhạc Việt Nam từ nhỏ. Chị bảo: “Tôi học 9 năm Piano. Cùng lớp với NSND Đặng Thái Sơn”. Nghe chị nói vậy tôi à lên ngỡ ngàng: “Sao chị không học tiếp. Nếu học tiếp chắc chắn sẽ có một nghệ sĩ đàn Piano nổi tiếng rồi”.

Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang lắc đầu, ý như chị muốn nói có thể sẽ không có nghệ sĩ nổi tiếng và cũng có thể có. Tôi lại vội nói thêm: “Chắc là hồi đó chị quyết tâm theo nghề điện ảnh của cha mình nên thôi học đàn?”. Lại một cái lắc đầu nhẹ nữa. Tôi hơi băn khoăn. Phạm Nhuệ Giang cho hay: “Tôi là con út trong nhà nên cha mẹ cũng có tí hơi chiều. Bằng chứng là các cụ không ép tôi theo nghề mà để tôi tự lựa chọn”. Được biết có một việc Phạm Nhuệ Giang không được tự chọn mà do cha mẹ chọn cho, đấy là tên của chị. Tuy sinh ra ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhưng mẹ chị, nghệ sĩ Nguyễn Thị Bích Châu, diễn viên Đoàn kịch nói TƯ, lại có tuổi thơ ở Hà đông ngay gần sông Nhuệ, nên bà mới đặt tên con gái là Nhuệ Giang.

Phạm Nhuệ Giang học xong phổ thông thì thi vào đại học, điều “không ai ngờ tới” là chị không thi vào trường Điện ảnh như mọi người đều nghĩ, mà chị lại thi vào trường Đại học Xây dựng. Thay vì “múa” những ngón tay thon trên những phím đàn thì bàn tay của chị lại tiếp xúc với công việc nhẽ ra chỉ có đàn ông con trai mới theo.

Sau 5 năm học xây dựng (1975 – 1980), cô kỹ sư xây dựng Phạm Nhuệ Giang ra trường và về công tác tại Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội. Công trường xây dựng đầu tiên mà kỹ sư Phạm Nhuệ Giang tham gia chính là công trường xây dựng Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Phạm Nhuệ Giang cho hay: “Tôi làm ở đó được 2 năm thì thôi”.

Tưởng chị thôi làm công trường bụi bặm không thích hợp với phái đẹp hóa ra là không phải. Phạm Nhuệ Giang bấy giờ mới “nối nghiệp” cha mình, chị thi vào Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nôi, chị theo học Khoa Điện ảnh chuyên ngành Đạo diễn (Đấy là khóa đạo diễn điện ảnh đầu tiên của trường). Lại thêm 5 năm “dùi mài kinh sử” nữa từ năm 1982 đến năm 1987, thì mọi người yêu thích nghệ thuật thứ 7 mới biết đến danh xưng: Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, khi chị đến nhận công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang cho hay: “Ra trường đã đâu được làm Đạo diễn chính ngay. Tôi phải làm phó đạo diễn 3 phim mới chính thức được “lên” Đạo diễn chính. May mắn cho Phạm Nhuệ Giang là chị làm phó đạo diễn cho Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Chị tâm sự: “Tôi học được nhiều qua đạo diễn Đặng Nhật Minh và qua những bộ phim của ông”.

Áp phích phim Thung lũng hoang vắng.

Áp phích phim Thung lũng hoang vắng.

Bộ phim đầu tiên mà Phạm Nhuệ Giang làm đạo diễn chính là bộ phim “Bỏ trốn”. Phim này do chính chị chuyển thế từ truyện ngắn cùng tên của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Niềm vui đến với chị ngay lập tức khi phim “Bỏ trốn” giành giải B của Giải thưởng Hội Ðiện ảnh Việt Nam năm 1996 và Giải thưởng Ban giám khảo bình chọn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.

Chị kể: “Sau khi làm xong phim “Bỏ trốn” tôi có ý định chuyển thể tiếp truyện ngắn "Tâm hồn mẹ" nhưng cốt truyện quá ngắn, không có nhiều tình tiết để các nhà biên kịch phát triển thêm vì thế truyện ngắn này đã có nhiều nhà biên kịch từ chối chuyển thể”. “Và chị đã tự mình hoàn thành kịch bản phim?”. Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang gật đầu. Bộ phim “Tâm hồn mẹ” năm 2011 được đánh giá cao và diễn viên Phùng Hoa Hoài Linh trong vai bé Thu được nhận giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế tại Dubai.

Tôi nói vui: “Xem ra chị rất mát tay khi tự viết kịch bản cho mình”. Người đàn bà tuổi Đinh Dậu gật đầu xác nhận. Nhưng bộ phim “Thung lũng hoang vắng” sản xuất năm 2001, mới là bộ phim đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp đạo diễn của chị. Bộ phim giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Toàn quốc lần thứ 13 và Giải B (không có Giải A) của Hội Điện ảnh Việt Nam. Phim này chị còn được giải “Mai Vàng” của báo “Người lao động” TP Hồ Chí Minh và giải của Liên đoàn báo chí Quốc tế (FIPRESSCI) tại Liên hoan phim Quốc tế tại Melbourne (Úc) cho đạo diễn trẻ Châu Á.

Bộ phim “Thung lũng hoang vắng” là câu chuyện xúc động về cuộc sống của những giáo viên vùng núi hẻo lánh. Hai cô giáo trẻ và một người đàn ông tận tâm dạy chữ cho lũ trẻ nghèo trong một ngôi trường trên vùng núi cao Tả Giàng Phình, chỉ có hai lớp học. Nhưng rồi, tất cả các mâu thuẫn, xung đột, yêu đương, hờn giận, chờ đợi và tuyệt vọng đã xảy ra trong không gian của một thung lũng tưởng như heo hút, yên bình. Nhưng “chìm” trong “Thung lũng hoang vắng” lại là những trái tim khao khát yêu thương.

Tôi nói vui: “Nghe thiên hạ đồn chị là người rất mát tay trong tuyển chọn diễn viên, nhất là những diễn viên không chuyên. Họ đã diễn xuất rất thành công trong những phim do chị làm đạo diễn”. Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang cho biết: “Bộ phim này cũng mang lại cho diễn viên Hồng Ánh giải “Diễn viên xuất sắc” cho vai nữ chính và giải “Quay phim xuất sắc” cho Nhà quay phim Lý Thái Dũng”.

Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang về hưu năm 2015. Chị vẫn tiếp tục đóng góp cho nghệ thuật thứ 7 khi tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Và đôi khi làm giám khảo tại các kỳ liên hoan phim, cũng như tham gia làm biên kịch và làm đạo diễn phim truyền hình.

Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang nhận danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” năm 2007 và “Nghệ sĩ nhân dân” năm 2015. Năm 2017 chị được nhận “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật”.

Một ngày trước khi về Hà Nội, tôi đã gặp Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang và đề nghị chị chơi đàn Piano. Dĩ nhiên vẫn là yêu cầu chơi bản nhạc Polonais nổi tiếng. Đạo diễn – NSND Phạm Nhuệ Giang rất vui, chị ngồi xuống bên cây đàn, những ngón tay của chị lại lướt trên những phim đàn. Giai điệu dịu dàng và da diết mang nỗi nhớ quê hương vang lên.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chot-nghe-nsnd-pham-nhue-giang-choi-dan-10295112.html