Chốt tiến độ thẩm định cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có vốn đầu tư 43.510 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng chiều dài khoảng 125 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Xây dựng; Chủ tịch UBND các tỉnh: Gia Lai, Bình Định truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, chậm nhất trong ngày 3/4/2025.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn Bộ Xây dựng, UBND 2 tỉnh: Gia Lai, Bình Định bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định pháp luật liên quan bảo đảm đủ điều kiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Phó thủ tướng yêu cầu Hội đồng thẩm định nhà nước khẩn trương thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo quy định, hoàn thành thẩm định, trình Chính phủ trước ngày 10/4/2025.

Bộ Xây dựng được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) và các cơ quan liên quan, kịp thời cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, giải trình ý kiến Hội đồng thẩm định nhà nước và các cơ quan; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình trình Hồ sơ, tiếp thu, giải trình nội dung thẩm tra (trình Quốc hội chậm nhất trước ngày 15/4/2025).

Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Gia Lai và UBND tỉnh Bình Định báo cáo HĐND tỉnh để có ý kiến về việc bảo đảm bố trí vốn ngân sách của địa phương tham gia thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án; hoàn thiện các hồ sơ theo đúng quy định gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trước ngày 9/42025.

Sau khi Hội đồng thẩm định nhà nước có Báo cáo thẩm định trình Chính phủ, Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ xin ý kiến Thành viên Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ. “Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo Đảng ủy Bộ Xây dựng đề xuất Đảng ủy Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án theo quy định”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 15/TTr – BXD gửi Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Tại Tờ trình số 15, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại Quốc lộ 19B (khoảng lý trình Km39+200/Quốc lộ 19B) thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (khoảng lý trình Km1606+770/đường Hồ Chí Minh) thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.

Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được quy hoạch có quy mô 4 làn xe nhưng căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, Dự án đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75 m; vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự án dự kiến xây dựng 3 công trình hầm, gồm: hầm An Khê 1 tại Km35+900 dài khoảng khoảng 1.170 m; hầm An Khê 2 tại Km37+900 dài khoảng 860 m và hầm Mang Yang tại Km79+200 dài khoảng 3.000 m.

Trên cơ sở khối lượng tính theo thiết kế sơ bộ; hệ thống định mức, đơn giá xây dựng, các chế độ, chính sách liên quan; tham khảo suất đầu tư các dự án tương tự trong khu vực, Bộ Xây dựng xác định sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.510 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 4.715 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 30.858 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 2.468 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 5.469 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) gồm nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 của Bộ Xây dựng (3.000 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Bộ Xây dựng (khoảng 38.960 tỷ đồng); nguồn ngân sách của UBND tỉnh Bình Định (750 tỷ đồng); nguồn ngân sách của UBND tỉnh Gia Lai (500 tỷ đồng).

Bộ Xây dựng dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trong tháng 5/2025; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025; thực hiện đầu tư từ năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2029.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chot-tien-do-tham-dinh-cao-toc-quy-nhon---pleiku-co-von-dau-tu-43510-ty-dong-d262682.html