Chủ chuỗi Kichi Kichi, GoGi House… báo lãi giảm, nặng gánh hơn 1.900 tỷ đồng nợ ngắn hạn
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate – đơn vị sở hữu chuỗi lẩu băng chuyền Kichi Kichi cùng nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng – tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng về doanh thu. Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận lại kém tươi sáng hơn do các khoản chi phí hoạt động không ngừng gia tăng.
Doanh thu vượt 6.600 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ đồng mỗi ngày
Cụ thể, trong năm 2024, Golden Gate đạt doanh thu thuần hơn 6.634 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5% so với năm trước. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này thu về hơn 18 tỷ đồng – một con số ấn tượng, phản ánh sức hút ổn định của các chuỗi nhà hàng do Golden Gate vận hành.
Lợi nhuận gộp đạt 4.084 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%, cho thấy biên lợi nhuận gộp vẫn được duy trì ở mức tốt dù tốc độ tăng không theo kịp doanh thu.

Chủ chuỗi Kichi Kichi, GoGi House là Golden Gate
Chi phí hoạt động “ăn mòn” lợi nhuận
Dù doanh thu và lợi nhuận gộp tăng trưởng, nhưng các khoản chi phí hoạt động tiếp tục ở mức cao, tạo áp lực lớn lên lợi nhuận cuối cùng. Chi phí bán hàng trong năm ghi nhận gần 3.500 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2023. Trong đó, hai yếu tố chính khiến chi phí bán hàng tăng mạnh là tiền lương cho nhân viên và chi phí thuê mặt bằng – hai cấu phần chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nhà hàng – dịch vụ.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 8%, đạt 486 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận khác giảm mạnh 36%, khiến tổng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 102 tỷ đồng – tương đương mức giảm 27% so với năm liền trước.
Về tình hình tài sản, tổng tài sản của Golden Gate tính đến cuối năm 2024 đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 2.000 tỷ đồng, tăng mạnh 36%. Riêng lượng tiền mặt, tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi đạt khoảng 843 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.
Tồn kho cũng ghi nhận mức tăng đáng kể 42%, đạt 789 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực tài chính vẫn hiện hữu khi nợ ngắn hạn tăng tới 40%, lên hơn 1.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng tăng vọt từ 646 tỷ lên hơn 1.100 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn cũng tăng gấp khoảng 2,6 lần, đạt 283 tỷ đồng. Dẫu vậy, các chỉ số thanh toán hiện hành (1,63 lần) và thanh toán nhanh (1,27 lần) vẫn đảm bảo doanh nghiệp đủ khả năng chi trả các khoản nợ ngắn hạn khi đến hạn, cho thấy rủi ro thanh toán hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát.
Năm 2024 cũng đánh dấu một bước đi chiến lược quan trọng của Golden Gate khi doanh nghiệp chính thức đặt chân vào lĩnh vực cà phê chuỗi. Theo báo cáo tài chính, công ty đã đặt cọc 54 tỷ đồng để mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Trà Cà Phê Việt Nam – đơn vị chủ quản thương hiệu The Coffee House.
Tính đến ngày 8/1/2025, Golden Gate đã hoàn tất việc mua lại 99,98% cổ phần doanh nghiệp này, với tổng giá trị thương vụ tạm tính khoảng 270 tỷ đồng. Cùng với thương vụ sáp nhập, ông Trần Việt Trung – Chủ tịch HĐQT Golden Gate – đã được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc và trở thành người đại diện pháp luật của The Coffee House, thay thế ông Ngô Nguyên Kha, một nhân sự chủ chốt đến từ Seedcom.
Trước thềm thâu tóm, vốn điều lệ của The Coffee House cũng đã được tăng từ xấp xỉ 150 tỷ đồng lên 408 tỷ đồng – cho thấy tiềm năng tăng trưởng và định hướng mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai gần.
Tính đến cuối năm 2024, Golden Gate vận hành hệ thống 11 công ty con (trực tiếp và gián tiếp), cùng một công ty liên kết. Lực lượng lao động đạt hơn 17.900 người, tăng 5% so với đầu năm, thể hiện quy mô ngày càng mở rộng của doanh nghiệp.
Vốn điều lệ của Golden Gate giữ ổn định ở mức 77,6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông tổ chức chiếm tỷ trọng lớn với Công ty Cổ phần Golden Gate Partners nắm 43,50%, Seletar Investments sở hữu 19,84%, SeaTown Private Capital Master Fund nắm 9,90% và Công ty TNHH Periwinkle giữ 5,62%. Các cổ đông cá nhân lớn gồm ông Đào Thế Vinh (5,24%), ông Nguyễn Xuân Tường (3,03%) và ông Trần Việt Trung (2,27%).