Không nên quá bi quan với chính sách thuế mới của Mỹ!

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy cho rằng, hiện Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, khi đầu tư vào Việt Nam các doanh nghiệp FDI đã có lợi thế thâm nhập, cho nên chúng ta cũng không quá bi quan.

3 tác động lớn với nền kinh tế Việt Nam

Tại tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 8/4, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy phân tích, có 3 tác động lớn đối với nền kinh tế Việt Nam bởi chính sách thuế quan của Mỹ, đó là: Tác động trực tiếp, gián tiếp và tác động về lâu dài. Tác động trực tiếp khiến các doanh nghiệp gia tăng chi phí, suy giảm về năng lực cạnh tranh nhưng chỉ là trong tạm thời.

Theo ông Huy, đối với việc áp mức thuế 46% lên hàng Việt Nam sẽ khiến giá thành của sản phẩm có thể đội lên, làm mất lợi thế so sánh với các đối thủ mà họ chịu mức thuế thấp hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ở mức khiêm tốn như gỗ, dệt may, thủy sản... doanh nghiệp khó khăn trong duy trì đơn hàng, nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể thu hẹp lại hoặc dừng hoạt động, tái cơ cấu ngành nghề.

Ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia kinh tế (ảnh: Hoàng Mạnh Thắng).

Ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia kinh tế (ảnh: Hoàng Mạnh Thắng).

Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc có thể tái định vị lại chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp nhìn nhận và cân nhắc dịch chuyển qua các thị trường tốt hơn hay ở lại.

"Hiện Việt Nam cũng đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, khi đầu tư vào Việt Nam họ đã có lợi thế thâm nhập, cho nên chúng ta cũng không quá bi quan", ông Huy nói.

Liên quan đến tỷ giá, ông Huy cho rằng Việt Nam vẫn còn các nguồn USD từ kiều hối, xuất khẩu và FDI. Bộ Tài chính sẽ có những chính sách để thu hút nguồn USD mới ngoài thị trường của Mỹ cân bằng về cán cân thanh toán xuất nhập khẩu.

Ông Huy cho biết thêm, về tác động gián tiếp gây sức ép về tài chính, lao động trong thị trường trong nước. Điều này gây suy giảm doanh thu và lợi nhuận tạm thời, kéo theo khả năng liên quan đến trả nợ ngân hàng.

"Chúng ta cần phải tư duy rằng kinh doanh sẽ có tính thời điểm, có những lúc thanh khoản quan trọng hơn về lợi nhuận. Hiện tại lưu thông về logistic vẫn có thể thanh khoản được, chỉ là khó khăn tạm thời. Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ thanh khoản phù hợp với các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đợt áp thuế quan này", ông Huy cho hay.

Về phía lao động, ông Huy cho rằng có thể tạm thời suy giảm về việc làm trong thời gian ngắn hạn. Các doanh nghiệp, hiệp hội cần linh động tái cấu trúc lại thị trường. Đưa ra các quản trị về doanh nghiệp xuất khẩu, không để 1 thị trường chiếm quá 10% tỷ trọng, có kịch bản linh hoạt.

Liên quan đến tác động dài hạn, ông Huy nhấn mạnh, một trong những điều quan trọng liên quan đến thách thức về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Đối với biện pháp thuế của Mỹ phản ảnh phần nào quan ngại, hoài nghi về xuất xứ, nguồn gốc về hàng hóa, tiêu chuẩn lao động. Đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các cơ quan quản lý truy xuất nguồn gốc, minh bạch đặc biệt trong các hàng hóa có nguyên vật liệu nhập từ các quốc gia khác. Qua đó chứng năng lực sản xuất thực chất của Việt Nam.

Tăng cường đối thoại cấp cao với Mỹ

Đưa ra các giải pháp với tình hình thuế quan của Mỹ, ông Huy cho rằng, thời điểm này cần tăng cường đối thoại cấp cao với Mỹ, đàm phán, ngoại giao nhân dân cũng như vận động các doanh nghiệp, liên quan đến lợi ích của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để chúng ta có tiếng nói trong quá trình đàm phán; tăng cường năng lực nội tại về pháp lý, pháp luật trong việc xử lý các vụ kiện và phòng bị thương mại.

Vị chuyên gia cũng đề cập tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ và đa dạng hóa thị trường, đối với các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến quản trị chuỗi cung ứng và kỷ luật và tăng cường các kịch bản ứng phó phù hợp.

"Theo tôi về sự thay đổi trong thời gian tới, đầu tiên chúng ta phải thích nghi sau đó dẫn dắt sự thay đổi. Việt Nam hiện là một trong hơn 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do vậy trong bối cảnh bây giờ chúng ta phải ứng xử như một nước lớn", ông Huy nói.

Với các doanh nghiệp, ông Huy đề nghị có 4 trụ cột cần thay đổi: Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ 2, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ 3, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao. Thứ 4, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.

"Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Các doanh nghiệp cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi", ông Huy cho hay.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chung-ta-khong-nen-qua-bi-quan-voi-chinh-sach-thue-cua-my-post1731904.tpo