Chủ đầu tư bất động sản 'góp gạo thổi cơm chung'

Định hướng hợp tác triển khai các dự án quy mô lớn đã và đang được nhiều nhà phát triển bất động sản lựa chọn như là cách thức để cùng nhau phát triển và định hình lại thị trường khi luật chơi mới được ban hành.

Khi cùng hợp tác, dự án sẽ phát triển nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Khi cùng hợp tác, dự án sẽ phát triển nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Đồng hành cùng lớn mạnh

Trên thực tế, xu hướng cùng hợp tác phát triển dự án được thúc đẩy từ giữa năm 2023 trong bối cảnh áp lực về thanh khoản và dòng tiền gia tăng khi thị trường khó khăn, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm giải pháp cơ cấu lại hoạt động kinh doanh thông qua con đường kết nối với những đối tác trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính cũng như tham vọng lớn trong việc định hình lại thị trường.

Những thương vụ hợp tác đáng chú ý trong năm qua có thể kể đến là Gelex Group bắt tay với Frasers Property Vietnam để triển khai các khu công nghiệp chất lượng cao tại miền Bắc; Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cùng với Tập đoàn Danh Khôi phát triển dự án Astral City (Bình Dương); Tập đoàn Nam Long và Hankyu Hanshin Properties Corporation (Nhật Bản) ký kết hợp tác chiến lược để cùng nhau phát triển Khu đô thị tích hợp Izumi City (Đồng Nai)…

Bước sang năm 2024, xu hướng này diễn ra mạnh mẽ hơn với một loạt thương vụ mới như Masterises Homes hợp tác với KDI Holding tại dự án Libera Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Coteccons (thông qua công ty con Covestcons) cùng BEHS phát triển dự án Khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ Thanh Phú tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; Gỗ An Cường và Thắng Lợi Group tại dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa, tỉnh Long An; Hoàng Quân với Novaland với một số dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM; Khải Hoàn Land hợp tác với Quỹ đầu tư FSK đến từ Nga để thực hiện M&A dự án Khai Hoan Prime…

Trên đây chỉ là một số thương vụ điển hình được công bố chính thức, còn theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, có nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến nhưng chưa chính thức công bố các dự án hợp tác của mình có thể kể đến như Ecopark, Vinaconex, Văn Phú Invest, Hải Phát Invest, TNT Group, Everland…

Ngoài ra, một số dự án mới ra mắt thị trường cũng hé lộ các thương vụ hợp tác mới như dự án Viha Complex Nguyễn Tuân, Hà Nội có chủ đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần In và Thương mại Thống Nhất và Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ - đơn vị được biết đến với thương hiệu thiết bị điện Sino…

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay, xu hướng các nhà phát triển bất động sản “góp gạo thổi cơm chung” đã không còn xa lạ.

Trong đó, việc tìm kiếm sự liên kết nhằm củng cố năng lực tài chính, bổ sung khả năng tiếp thị, phân phối sản phẩm là cần thiết trong giai đoạn này, khi các yêu cầu về năng lực tài chính cùng khả năng thực thi dự án của chủ đầu tư cao hơn rất nhiều để có thể đáp ứng các quy định mới. Bên cạnh đó, yêu cầu cao hơn của khách hàng về sản phẩm cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn hỗ trợ dồi dào hơn từ bên ngoài.

Ông Mai Viết Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Mai Việt Land cho hay, việc bắt tay cùng đồng hành giữa những “ông lớn” bất động sản tạo ra cuộc đua nâng cao chất lượng hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường thời gian tới. Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng nên khi cùng hợp lực, chia sẻ lợi ích thì sẽ phát triển dự án nhanh chóng, thuận lợi hơn và người mua nhà sẽ là người hưởng lợi cuối cùng.

Thực tế, nhiều dự án ra mắt gần đây dưới sự hợp lực của các doanh nghiệp tham gia liên danh đều ghi nhận kết quả bán hàng tích cực khi người mua đặt niềm tin vào kết quả của sự hợp tác mang lại giá trị thực cho họ.

Chẳng hạn, dự án Libera Nha Trang do Masterises Holding và KDI Holdings triển khai có lượng đăng ký booking sản phẩm lên tới hơn 16.000 lượt, cao hơn 5 lần so với sản phẩm dự kiến chào bán là gần 3.000 sản phẩm.

Xu hướng tất yếu

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhìn nhận, thị trường bất động sản năm 2024 chứng kiến sự trở lại nhiều hơn của doanh nghiệp nội sau 2 năm tái cơ cấu.

Xu hướng được dự báo của năm nay sẽ là các doanh nghiệp nội giàu tiềm lực tiếp tục cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch, còn khối ngoại đẩy mạnh săn tìm các dự án gặp khó về tài chính thông qua hình thức hợp tác đồng hành cùng phát triển.

“Khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp lúc này là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật, có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển. Trong đó, phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn”, bà Trang Bùi nói và cho biết thêm, nhiều thương vụ hợp tác đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực.

 Người mua nhà là người hưởng lợi cuối cùng.

Người mua nhà là người hưởng lợi cuối cùng.

Còn bà Nguyễn Thị Vân Khanh - chuyên gia của JLL Việt Nam phân tích, thâu tóm hay hợp tác là 2 mảng của hoạt động M&A. Hiện tại, M&A dự án không còn là một “game” thu gom tài sản đơn thuần, vì vậy các doanh nghiệp nội có thể coi đây như là giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.

Chưa kể, các doanh nghiệp trong nước ngày càng nắm lợi thế lớn hơn về quỹ đất, tiềm lực tài chính, sự thấu hiểu thị trường…, khiến các doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong các thương vụ M&A từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác cùng phát triển.

Trong mối quan hệ hợp tác này, doanh nghiệp nào càng có nhiều quỹ đất lớn, pháp lý đầy đủ thì càng nắm giữ nhiều lợi thế, song đây mới chỉ là một nửa câu chuyện quyết định thành bại của các thương vụ hợp tác, nửa còn lại là câu chuyện chung tầm nhìn, định hướng và cả sự sẵn sàng chấp nhận chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên. Nếu không đảm bảo yếu tố này, việc triển khai dự án không những khó suôn sẻ, mà còn đối mặt với rủi ro tranh chấp sau này.

Dưới góc độ pháp lý, LS. Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, một số điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 quy định về bán quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm nhằm giải quyết “rào cản” từ quy định hiện hành.

Với quy định mới này, các thương vụ chuyển nhượng, hợp tác phát triển dự án có nguồn gốc đất thuê trong tương lai hứa hẹn sẽ giúp bên mua tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, qua đó thúc đẩy thị trường sôi động hơn.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản, chẳng hạn không yêu cầu dự án bất động sản phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Khoản 3, Điều 40) là cách giúp các doanh nghiệp có cơ hội đến với nhau trong việc hợp tác triển khai dự án qua hình thức M&A thuận lợi hơn nhiều so với trước.

Việt Dương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chu-dau-tu-bat-dong-san-gop-gao-thoi-com-chung-post349362.html