Chủ đầu tư khu đô thị Ecopark lần đầu công bố lợi nhuận
Từ thành công của mô hình Khu đô thị xanh Ecopark, Tập đoàn Ecopark đã thay đổi chiến lược hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư đa ngành vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, du lịch, vui chơi giải trí.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark vừa công bố báo cáo tài chính 2019 ghi nhận doanh thu đạt 4.346 tỷ đồng, tăng 34% và lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 533 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2018.
Tập đoàn Ecopark tiền thân là Công ty Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) được thành lập năm 2003, là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark tại huyện Văn Giang, Hưng Yên quy mô 500ha. Ngay từ thời điểm đó, Ecopark đã định hình phát triển trở thành khu đô thị sinh thái thông minh theo xu hướng bất động sản xanh. Tầm nhìn đi trước thời đại đã giúp Ecopark thắng lớn và trở thành một trong những công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Tính tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Ecopark đạt 9.744 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 3.277 tỷ đồng, bao gồm dự án Aqua Bay, chi phí xây dựng biệt thự đảo, tiểu dự án Khu Palm Spring, chi phí xây dựng trung tâm Vietcombank, tiểu dự án khu 72 ha thuộc khu đô thị Ecopark.
Công ty cũng ghi nhận 2.000 tỷ đồng chi phí xây dựng đường giao thông liên tỉnh và chi phí giải phóng mặt bằng. Đây là chi phí theo hợp đồng BT xây dựng tuyến giao thông liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội. Theo đó, giá trị xây dựng đường giao thông và chi phí giải phóng mặt bằng sau khi được quyết toán và phê duyệt bởi UBND tỉnh Hưng Yên sẽ được bù trừ vào tiền thuê đất của dự án Ecopark
Ecopark cũng ghi nhận gần 1.500 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu là chi phí xây dựng giai đoạn 2 của khu Bờ Nam thuộc khu đô thị Ecopark.
Về nguồn vốn, trong năm 2019, công ty đã thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 708 tỷ đồng lên 1.097 tỷ đồng. Công ty còn ghi nhận khoản người mua trả tiền trước trị giá 2.384 tỷ đồng.
Công ty cũng vay nợ ngân hàng hơn 2.700 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, công ty còn huy động 500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất năm đầu tiên là 10%. Đây là lô trái phiếu có tài sản thế chấp là thửa đất tại xã Phụng Công,huyện Văn Giang, Hưng Yên, tổng diện tích 33.532 m2.
Những năm gần đây, Ecopark bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khu đô thị Ecopark Hưng Yên. Năm 2019, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark, hướng tới mở rộng ngành nghề kinh doanh.
Cùng với việc đổi tên, Tập đoàn Ecopark đồng thời thay đổi chiến lược tập đoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư đa ngành vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, du lịch, vui chơi giải trí…; đồng thời vẫn giữ vững vị thế chủ chốt là Tập đoàn đầu tư và phát triển đô thị chuyên nghiệp theo xu hướng bất động sản Xanh, mở rộng phát triển mô hình đô thị Ecopark trên địa bàn cả nước.
Cụ thể, Ecopark hiện triển khai dự án Ecopark Hải Dương diện tích 109,2ha. Năm ngoái, Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị TDH Ecoland, một thành viên của Ecopark được Quảng Ninh giao quy hoạch Khu đô thị Móng Cái rộng 320 ha.
Trước đó, hồi tháng 11/2018, TDH Ecoland cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ đề xuất đầu tư các dự án phát triển đô thị thương mại du lịch và đô thị ven biển trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.
Đầu tháng 8/2019, doanh nghiệp này đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Nhà đất LH Hàn Quốc về việc nghiên cứu quy hoạch và phát triển dự án Khu công nghiệp sạch (thuộc dự án phát triển Khu công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên).
Ngoài việc mở rộng quỹ đất ra các tỉnh, Ecopark cũng tiếp tục nhân rộng mô hình BT. Năm 2017, công ty được phê duyệt tham gia triển khai 3 tuyến đường BT gồm gồm Đường Đa Tốn đi đường Hà Nội – Hải Phòng (2,4 km); Đường từ khu đô thị Ecopark đi đường 179 (3,2 km); Đường 179 từ đường Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải (5,7 km).
Tổng vốn đầu tư theo đề xuất là 3.433 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 1.659 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 1.290 tỷ đồng. Giá trị công trình BT dự kiến là 3.360 tỷ đồng, quỹ đất thanh toán dự kiến là khoảng 74,6ha tại xã Đông Dư, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.