Chủ đầu tư tự ý cắt điện, nước của cư dân: Giải pháp hạ sách, tự đào hố chôn thương hiệu

ng Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA thừa nhận: Hiện tượng chủ đầu tư vô cớ cắt điện, nước của cư dân là hạ sách. Hành động này chẳng khác gì tự đào đất chôn mình, tự tay tiêu diệt chính thương hiệu mà doanh nghiệp dày công xây dựng.

Từ đầu năm 2021 tới nay, tại Hà Nội và TP.HCM liên tục xảy ra tình trạng chủ đầu tư tự ý cắt điện, nước của cư dân, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Đặc biệt, vào những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm và dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, tình trạng này vẫn diễn ra, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Chủ đầu tư “khô máu” với cư dân

Mới đây, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại Tháp doanh nhân Hà Đông (Hà Nội) đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng, “tố cáo” Công ty CP Xuất nhập khẩu Tây Đô - chủ đầu tư dự án tự ý cắt điện, nước của cư dân.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Vũ Văn Thế Anh - một cư dân tại Tháp doanh nhân Hà Đông cho biết: Do dự án vướng phải nhiều vi phạm trong công tác xây dựng, nên cho tới nay, sau 5 năm đưa cư dân vào sống, dự án vẫn chưa có Ban quản trị tòa nhà. Điều này đồng nghĩa với việc, Công ty CP Xuất nhập khẩu Tây Đô vừa là chủ đầu tư, vừa là đơn vị vận hành tòa nhà.

Cư dân tháp doanh nhân Hà Đông “tố” chủ đầu tư nhiều lần cắt điện, nước vô cớ.

Bên cạnh đó, do chưa nghiệm thu được phòng cháy, chữa cháy, dự án này cũng chưa được cấp đường điện, đường nước riêng. Để “lách luật”, Công ty Tây Đô đã đấu nối đường điện, nước với khách sạn Anh Quân nằm sát sườn.

Được biết, dự án Tháp doanh nhân Hà Đông và khách sạn Anh Quân đều cùng một chủ, nên trên danh nghĩa, các cư dân sống tại dự án này đang mua điện từ chủ đầu tư. Cũng vì “nắm đằng chuôi”, nên mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, chủ đầu tư đã tự ý cắt điện, nước của hàng trăm cư dân.

“Nhiều gia đình có em nhỏ, người già, không có điện, nước chẳng khác gì triệt đường sống của người dân. Người dân sống tại các dự án kiểu này chẳng khác gì cá nằm trên thớt, mỗi khi không vừa ý, chủ đầu tư lại dọa cắt điện, nước. Đây là hành động rất vô nhân tính của chủ đầu tư”, ông Thế Anh nói.

Theo ghi nhận của PV, trường hợp chủ đầu tư tự ý cắt điện, nước của cư dân không phải là chuyện hiếm gặp. Trước đó, cư dân sống tại dự án Capital Garden (Minh Khai, Hà Nội), hoặc dự án 6th Element, cũng bị chủ đầu tư cắt điện, cắt nước giữa mùa hè.

Nhận định về hành động tự ý cắt điện, nước của hàng trăm cư dân, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Tinh hoa, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Chủ đầu tư không có quyền tự ý cắt điện, cắt nước của cư dân. Điều này là vi phạm pháp luật.

Luật sư Quách Thành Lực phân tích: Theo quy định của Bộ Xây dựng, việc vận hành và quản lý tòa nhà chung cư sẽ do một đơn vị thứ 3 đảm nhiệm độc lập. Đơn vị này hoạt động dựa trên sự thống nhất của Ban quản trị tòa nhà, cư dân và chủ đầu tư.

Với trường hợp tại dự án Tháp doanh nhân Hà Đông, Công ty xuất nhập khẩu Tây Đô vừa là chủ đầu tư, vừa là đơn vị quản lý tòa nhà đã là không đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hành động tự ý cắt điện, nước của hàng trăm cư dân, chủ đầu tư Tháp doanh nhân Hà Đông cũng đã vi phạm Nghị định số 68, và sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng - 4 triệu đồng, buộc phải đóng điện lại cho cư dân.

“Trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc chủ đầu tư tự ý cắt nước, cắt điện đều không nên, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cư dân. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh đang ngày một phức tạp, thời tiết tại Hà Nội nắng nóng, việc chủ đầu tư tự ý cắt điện, nước là điều khó có thể chấp nhận được”, Luật sư Quách Thành Lực khẳng định.

Trong trường hợp này, Luật sư Quách Thành Lực khuyến nghị, người dân cần đến UBND cấp xã, phường đề nghị can thiệp để được đảm bảo quyền lợi.

Dù vậy, Luật sư Quách Thành Lực lưu ý: Tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, Bộ Xây dựng đã quy định chi tiết về một số trường hợp đơn vị vận hành được phép cắt điện, nước. Cụ thể, tại Điều 6, phụ lục số 2, đơn vị vận hành nhà chung cư có quyền cắt điện, cắt nước căn hộ khi người sử dụng nhà chung cư không nộp kinh phí quản lý vận hành và kinh phí khác khi đã được thông báo bằng văn bản đến lần thứ 2.

Cắt điện nước của cư dân là hạ sách

Đồng tình với nhận định của Luật sư, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) thừa nhận: Hiện tượng chủ đầu tư vô cớ cắt điện, nước của cư dân là hạ sách. Hành động này chẳng khác gì tự đào đất chôn mình, tự tay tiêu diệt chính thương hiệu mà doanh nghiệp dày công xây dựng.

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Lê Hoàng Châu cho biết: Mọi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, nhất là trong ngành bất động sản đều muốn làm thương hiệu “sạch”. Doanh nghiệp nào càng có tiếng “thơm”, không có thị phi, thì sản phẩm của họ càng được công chúng đón nhận.

Ngược lại, những doanh nghiệp tạo ra quá nhiều “scandal”, quá nhiều thị phi, thường sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, và điều tất yếu là bị đào thải ra khỏi thị trường.

Quay trở lại vấn đề chủ đầu tư tự ý cắt điện nước của cư dân, dù pháp luật cho phép, nhưng đây là hành động cực kỳ tiêu cực, không nên làm trong bối cảnh kinh tế thị trường”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA nói: Truyền thông thương hiệu hiệu quả nhất, chính là phương thức truyền miệng, truyền từ người này sang người khác. Trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng phương pháp này sẽ tạo ra tiếng xấu, các dự án sau sẽ khó nhận được sự tin tưởng của khách hàng.

Tôi lấy làm lạ, có nhiều phương án giải quyết “hòa bình” hơn, sao chủ đầu tư, đơn vị vận hành tòa nhà không thực hiện, mà lại dùng tới phương án hạ sách là cắt điện, nước của cư dân. Ví dụ như đối thoại nhằm tìm ra phương án hòa giải, làm thỏa mãn giữa các bên”, ông Châu nêu.

Một số ý kiến cho rằng, hành động tự ý cắt điện nước, chủ đầu tư sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng - 4 triệu đồng còn nhẹ, không có tính răn đe. Do đó, Chính phủ, Bộ Xây dựng cần nâng mức xử phạt lên 10 lần, nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, giải pháp tăng mức xử phạt, nhằm giải quyết vấn đề chủ đầu tư cố ý cắt điện, nước của cư dân tính khả thi không cao, mang lại ít hiệu quả.

“Có nhiều điều khoản, quy định mức xử phạt rất cao, nhưng hiệu quả răn đe lại rất thấp. Ví dụ như quy định xử phạt liên quan tới lây nhiễm đại dịch Covid-19, dù có mức xử phạt lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều người vẫn cố tình vi phạm”, ông Lê Hoàng Châu nhận xét.

Do đó, ông Châu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn nạn này, chính là ý thức của cả hai bên: “Cả chủ đầu tư và cư dân đều cần có văn hóa chung cư, cần có đối thoại và sự chia sẻ giữa các bên. Nếu dân trí, nhận thức chưa được nâng lên, thì dù mức xử phạt tăng 10 lần hay 20 lần cũng không hiệu quả”.

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng tình rằng, chung cư ở Việt Nam ngày càng nhiều nhưng việc xây dựng cũng như phổ biến, tuyên truyền “văn hóa chung cư” chưa được triển khai thường xuyên. Do đó, bên cạnh việc ban hành các quy định, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng nên thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, xây dựng văn hóa chung cư nhằm hạn chế những tranh chấp kéo dài không đáng có.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-dau-tu-tu-y-cat-dien-nuoc-cua-cu-dan-giai-phap-ha-sach-tu-dao-ho-chon-thuong-hieu-post138151.html