Chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng
Mùa hè năm nay, thời tiết nhiều diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng hơn mọi năm, diễn ra trên diện rộng, là điều kiện để dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Để giúp người dân có thêm thông tin và chủ động phòng bệnh, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Trần Văn Thiện, cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Phóng viên (PV): Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2024 sẽ duy trì nhiệt độ ở mức cao. Bác sỹ có những lưu ý gì về tình hình dịch bệnh dễ phát sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay?
Bác sỹ Trần Văn Thiện: Hàng năm, vào thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc sẽ tạo điều kiện cho các loại véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và thực hành vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như: bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm màng não do não mô cầu...
Hơn nữa, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng các loại vắc xin cần thiết như bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản… trong giai đoạn vừa qua chưa đạt như mong đợi, sẽ tạo ra khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng, kết hợp với việc mùa hè sẽ có nhiều hoạt động vui chơi tập thể, tập trung đông người dẫn đến mầm bệnh dễ có nguy cơ lây lan và tăng số mắc nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch.
Bên cạnh đó nguy cơ mất nước và điện giải do ra mồ hôi nhiều, nhất là người làm việc dưới nắng nóng. Mất nước và chất điện giải sẽ làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt, thậm chí trụy tim mạch, làm sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm kèm theo thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, thói quen thức ăn chưa đươc nấu chín (tiết canh, nem chua, bò tái...) dễ dẫn đến bị ngộ độc thực phẩm.
Đối với tỉnh Ninh Bình, trong 4 tháng đầu năm 2024 số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nêu trên cũng có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: 5 trường hợp mắc ho gà; 1 trường hợp mắc sởi; 2 trường hợp mắc Rubella; 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết và có 2 ổ dịch được ghi nhận; 43 trường hợp mắc tay chân miệng; 1 trường hợp mắc thương hàn; 117 trường hợp mắc thủy đậu; 7 trường hợp mắc lỵ trực trùng; 47 trường hợp mắc viêm gan vi rút; 2 trường hợp mắc sốt rét.
Một điểm đáng chú ý nữa, trong 4 tháng đầu năm 2024 đã có khoảng 1.400 trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại do bị chó, mèo và các loại động vật cắn phải điều trị dự phòng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Với những số liệu nêu trên, chúng tôi nhận thấy nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là có thể xảy ra trong mùa hè này nếu như không có các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch ngay từ sớm của các địa phương.
Bấm số thứ tự khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Minh Quang
PV: Thưa bác sỹ, công tác phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai như thế nào?
Bác sỹ Trần Văn Thiện: Để kiểm soát tốt dịch bệnh mùa hè trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè; tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại địa phương như: Ho gà, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, dại... Đồng thời hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống một số dịch bệnh tại các địa phương có nguy cơ cao. Yêu cầu các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát để triển khai tập huấn/tập huấn lại cho cán bộ, nhân viên y tế các tuyến.
Công tác giám sát, xử lý ổ dịch là hoạt động trọng tâm và ưu tiên hàng đầu. Tăng cường hoạt động giám sát thường quy, giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng, đảm bảo tất cả các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm đều được điều tra, giám sát đúng quy định. Tiến hành giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ tại các ổ dịch được ghi nhận, đồng thời hướng dẫn, triển khai vệ sinh môi trường, phun hóa chất xử lí ổ dịch triệt để; lồng ghép truyền thông trực tiếp, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh cho các đối tượng nguy cơ tại các ổ dịch, đảm bảo khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
Đơn vị cũng chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội đáp ứng nhanh, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế dịch bệnh khi cần thiết.
Công tác tiêm chủng cũng được đẩy mạnh để tăng độ bao phủ các loại vắc xin trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường rà soát và triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng là vô cùng quan trọng.
Song song với các hoạt động trên, Trung tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội để nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo từng thời điểm.
PV: Để chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh trong mùa nắng nóng, bác sỹ có những khuyến cáo gì đối với người dân?
Bác sỹ Trần Văn Thiện: Đối với việc dự phòng các bệnh truyền nhiễm cần phối hợp biện pháp phòng, chống đặc hiệu và không đặc hiệu, cụ thể:
Để phòng, chống đặc hiệu thông qua tiêm chủng vắc xin, người dân cần: Cho trẻ đi tiêm phòng các loại vắc xin đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng: Vắc xin phòng lao, Bạch hầu-ho gà- uốn ván viêm màng não mủ do Hib viêm gan B, bại liệt, Viêm não Nhật Bản, sởi, rubella. Bên cạnh đó cân nhắc cho trẻ sử dụng một số loại vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ như: Vắc xin phòng tiêu chảy do Rota virus, phế cầu, viêm màng não do não mô cầu, cúm, thủy đậu…
Đối với các đối tượng là trẻ lớn hoặc người lớn cũng cần tiêm một số loại vắc xin: Nhắc lại vắc xin phòng viêm màng não mủ do Hib, bạch hầu-ho gà-uốn ván, viêm não Nhật Bản cho trẻ lớn. Đồng thời tiêm phòng vắc xin thủy đậu, cúm, phế cầu, viêm màng não do não mô cầu cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ chuẩn bị mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền...
Đối với việc phòng, chống không đặc hiệu thông qua các biện pháp: Thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối; Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm: ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, người lớn là 2 lít nước, trẻ em uống khi trẻ khát; ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể; vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để phát sinh các ổ bọ gậy từ đó phát sinh muỗi gây bệnh Sốt xuất huyết có điều kiện phát triển; vệ sinh nơi ở hàng ngày bằng cách lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Nếu sử dụng máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng từ 25-27 độ và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người.
Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cần thực hiện cách ly theo quy định đối với một số bệnh có nguy cơ lây truyền cao qua đường hô hấp, tiêu hóa. Đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều triợ̉ nhà; cho học sinh nghỉ học khi mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế sự lây lan trong trường học. Tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn sinh sống.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!
Phan Hiếu (Thực hiện)