Chủ động bảo vệ thương hiệu, tự tin hội nhập quốc tế

Trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp Việt phải vừa sản xuất, phân phối, vừa chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ thương hiệu của mình để khẳng định vị thế trên thế giới.

Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng và coi thương hiệu là công cụ đi đến người tiêu dùng. (Nguồn: Printerest)

Những bài học đắt giá về bảo vệ thương hiệu

Thương hiệu đóng vai trò định giá trong các thương vụ mua bán và sáp nhập của doanh nghiệp. Để xây dựng được một thương hiệu đứng vững trên thị trường là điều vô cùng gian nan. Thế nhưng, khi đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường, doanh nghiệp lại vấp phải vấn nạn vi phạm bản quyền thương hiệu. Không ít doanh nghiệp đã từng lao đao, thậm chí đi đến phá sản bởi không thể chống đỡ được với hàng giả, hàng nhái và "nhập hằng" thương hiệu tràn lan trên thị trường.

Đó là lý do những bài học thực tế đắt giá trong bảo vệ thương hiệu của chính các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế cần được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn nữa. Điển hình như vụ Cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee., Ltd có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc đã nhanh tay đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” tại Trung Quốc.

Hay ở Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống, thế nhưng theo thống kê, hiện mới chỉ có 1.938 thương hiệu Việt Nam được đăng ký với Cục Sáng chế và Bảo vệ thương hiệu Mỹ, trong đó chỉ có 1.090 thương hiệu đang tồn tại.

Đại diện Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ từng khuyến cáo, có không ít nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước tại Mỹ. Việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Hay "bi đát" hơn, một số doanh nghiệp phải bỏ tiền mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác.

Hay chính tại Việt Nam, mới đây nhất, Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Phố (CityLand) vừa trình đơn giám định lên Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu, gửi đơn "cầu cứu" tới chính quyền, giới truyền thông trước nguy cơ bị nhầm lẫn với một doanh nghiệp có trụ sở tại Bình Dương. Theo đại diện Công ty này, doanh nghiệp hiện đang sử dụng logo "CityLand", nhưng thời gian gần đây, lại nhận phản ánh từ khách hàng về những khuất tất từ một số dự án của Công ty Bất động sản Bình Dương CityLand (trụ sở tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Làm rõ có hay không sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp, đại diện CityLand cho biết, công ty không hề có sự liên quan nào đến Công ty Bất động sản Bình Dương CityLand. Như vậy, có phải sự nhập nhằng, lợi dụng thương hiệu đã gây ra những nhầm lẫn đáng tiếc này. Sự việc chắc chắn đã tác động tiêu cực đến uy tín của thương hiệu CityLand, gây hoang mang và lo lắng đối với khách hàng và đối tác của công ty, nhưng đại diện doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận rằng, "chưa thể khẳng định có dấu hiệu cố tình mạo danh thương hiệu để lừa đảo, qua cách đặt tên mập mờ này không. Trước mắt, chỉ có thể quyết liệt bảo vệ thương hiệu và chờ kết quả của cơ quan điều tra".

Xét về nguyên nhân của những tình trạng trên, một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ quan tâm đến xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác xuất khẩu, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng nước sở tại mà chưa để tâm đến vấn đề về quy định bảo vệ thương hiệu của chính mình.

Ở thời điểm hiện tại, thương hiệu Việt Nam vẫn được biết đến rất ít ở thị trường thế giới. Không những thế, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa Việt Nam càng bộc lộ những bất cập lớn như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài, tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian, bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Logo nhận diện thương hiệu của Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Phố (CityLand) và Công ty Bất động sản Bình Dương CityLand.

Bảo vệ thương hiệu bằng cách nào?

Thương hiệu doanh nghiệp là hình ảnh đại diện của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng hơn với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đang mang đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường ra thế giới. Nhưng điều này cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì vậy, việc đăng ký thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu sẽ góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc được bảo hộ về mặt pháp lý và gia tăng giá trị kinh tế cho hàng hóa.

Theo đó, doanh nghiệp cần tự bảo vệ bằng cách đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam cũng như tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của mình càng sớm càng tốt; đảm bảo thông tin nhất quán đến người tiêu dùng.

Khi lên kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường hay thâm nhập thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cách thức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nước sở tại. Thiết lập hệ thống thông tin phản hồi và cảnh báo xâm phạm thương hiệu ngay tại nước sở tại. Xem xét thành lập văn phòng đại diện tại nước ngoài để thuận tiện theo dõi việc sử dụng thương hiệu của đối thủ cạnh tranh, nhằm ngăn chặn nguy cơ bị làm mất uy tín thương hiệu của mình tại nước ngoài.

Hiện tại, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang đặt ra những yêu cầu mới cho việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động, thực hiện thành công việc ký kết và thực thi có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng như: Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay mới đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong đó, CPTPP và EVFTA là các FTA thế hệ mới, cấp độ tiêu chuẩn cao hơn, cân bằng lợi ích, toàn diện với những nội dung thương mại phi truyền thống, như di chuyển thể nhân, lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường... Điều đó cho thấy, để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo thương hiệu để có thể tận dụng hiệu quả các FTA, đứng vững trong thị trường quốc tế.

Gia Thành

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-dong-bao-ve-thuong-hieu-tu-tin-hoi-nhap-quoc-te-111143.html