Chủ động các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết bùng phát

Trong thời gian gần đây, các ca bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến. Từ tháng 1 đến tháng 7, dao động có khoảng 1 - 3 ca, tháng 8 ghi nhận 20 ca. Tính đến ngày 4/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 30 ca dương tính với sốt xuất huyết tại 3 ổ dịch. Hiện nay, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi lây bệnh sinh sôi phát triển.

Người dân xóm Chanh Trên, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chủ động phát dọn vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống phòng, chống muỗi lây bệnh sốt xuất huyết.

Người dân xóm Chanh Trên, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chủ động phát dọn vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống phòng, chống muỗi lây bệnh sốt xuất huyết.

Ngày 6/9, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi. Trên địa bàn huyện Kim Bôi ghi nhận 6 ca ở 6 xã dương tính với sốt xuất huyết. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết: Hiện nay, các bệnh nhân sốt xuất huyết đã ổn định về sức khỏe và được xuất viện. Sau 15 ngày theo dõi nơi cư trú của các bệnh nhân, không có thêm ca bệnh phát sinh. Hầu hết các ca bệnh trên địa bàn huyện đều do ngoại lai. Người bệnh bị nhiễm từ nơi khác, chủ yếu là ở Hà Nội về địa phương. Sau khi có thông tin về các ca bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo trạm y tế các xã tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng bệnh như phát quang bụi rậm, xử lý nước mưa ở chum, vại, lốp xe, dụng cụ đựng nước ngoài trời. Vận động các hộ diệt trừ muỗi, lăng quăng bằng hình thức phun thuốc, diệt thủ công. Cán bộ trung tâm triển khai kiểm tra lại các ổ dịch cũ. Qua kiểm tra phát hiện tại xã Hợp Kim có muỗi mang bệnh sốt xuất huyết. Đến nay, trên địa bàn huyện không phát sinh thêm bệnh nhân mắc bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tuy các ca bệnh chủ yếu là do ngoại lai, nhưng nguy cơ lây lan, xuất hiện ổ dịch là rất lớn. Đa số các trường hợp này khi phát hiện vào giai đoạn lây truyền mạnh nhất là 5 ngày đầu của sốt đều trở về địa phương. Cũng không loại trừ xuất hiện các trường hợp ổ dịch nội sinh. Bệnh sốt xuất huyết thuộc nhóm bệnh lây qua véc tơ. Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Như năm 2017, giám sát phát hiện mật độ nguồn truyền bệnh có tại 31 ổ dịch, năm 2018 có tại 28 ổ dịch cũ. Như vậy, trên địa bàn có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai theo dõi hàng ngày tình hình dịch sốt xuất huyết tại các khu vực lân cận và trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố có ca bệnh tiến hành điều tra xác minh ca bệnh. Xử lý kịp ổ dịch để tránh tình trạng lây lan nhanh và bùng phát mạnh. Rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện còn tại các đơn vị. Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Đối với người dân ở vùng có nguồn bệnh cần chủ động các biện pháp diệt trừ muỗi, lăng quăng như đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng, bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa. Phòng, chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/132833/chu-dong-cac-bien-phap-phong,-chongsot-xuat-huyet-bung-phat.htm