Chủ động các biện pháp ứng phó với bão Rai
Chiều 17-12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển để triển khai các giải pháp ứng phó với bão Rai.
Các đại biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia, trong chiều tối nay 17-12, bão Rai (bão số 9) đi vào Biển Đông. Dự báo vào 7 giờ ngày 18-12, bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc. Đến 7h ngày 20-12, vị trí tâm bão cách bờ biển Đà Nẵng - Bình Định khoảng 150 km về phía Đông. Cường độ bão giảm xuống cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo đường đi của bão Rai.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 8,5 đến 14 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.
Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết: Để chủ động ứng phó với bão Rai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện triển khai đến các cấp, ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên triển khai ứng phó.
Tính đến 10 giờ ngày 17-12, toàn tỉnh đã có 5.923 phương tiện khai thác thủy sản với gần 23.000 lao động đã vào neo đậu tại bến. Hiện còn 750 phương tiện với trên 7.300 lao động đang hoạt động trên biển. Đến nay, tất cả các phương tiện đều nắm được thông tin về bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương. Thanh Hóa cũng đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại cây trồng vụ đông đã đến kỳ, chủ động phương án bảo vệ diện tích cây trồng đang trong thời gian sinh trưởng phát triển. Các phương án di dời dân ở khu vực ven biển và các chòi canh thủy sản, bảo vệ diện tích thủy sản chưa thu hoạch... cũng đã được triển khai.
Các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh được giao nhiệm vụ về các địa phương, các vùng có nguy cơ để chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Ảnh chụp màn hình các điểm cầu.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận sự vào cuộc tích cực, chủ động trong triển khai các giải pháp ứng phó của các bộ, ngành Trung ương liên quan, các địa phương ven biển, các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền về cơn bão.
Theo Phó Thủ tướng, đây là cơn bão muộn, cường độ lớn, có hướng đi khó dự đoán. Trước đây, những cơn bão muộn vào mùa đông dễ gây tâm lý chủ quan, lơ là. Vì vậy yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các bộ, ngành, các lực lượng công an, quân đội, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để sẵn sàng ứng phó nếu bão đổ bộ. Trước mắt, phải triển khai ngay công tác kêu gọi và bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, có phương án bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, những vị trí dễ sạt lở… Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về cơn bão để các ngành, địa phương và toàn dân biết để có giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/chu-dong-cac-bien-phap-ung-pho-voi-bao-rai/149978.htm