Chủ động các giải pháp phòng chống dịch tại siêu thị, chợ dân sinh
Lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và giữ được giá bình ổn trong suốt thời gian phòng, chống dịch.
Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn rất cao.
Chính vì vậy, ngoài việc đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thì việc nâng cao ý thức của người dân tại nơi công cộng, đặc biệt là các kênh thương mại cũng được ngành công thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đẩy mạnh.
Chủ động phòng dịch
Tại huyện Đông Anh, Ban Quản lý chợ Đông Anh đã yêu cầu các tiểu thương và khách mua hàng khi đến chợ mua, bán hàng hóa phải đeo khẩu trang và vệ sinh tay bằng dung dịch cồn trước khi vào chợ, đồng thời chuẩn bị nhiệt kế đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho người dân đi mua hàng.
Ngoài ra, Ban Quản lý chợ còn phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột tại các lối vào chợ trên địa bàn nhằm đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh.
"Ban Quản lý chợ cũng phối hợp với ủy ban nhân dân, công an các xã, thị trấn trên địa bàn kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành," ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Anh cho hay.
Trong khi đó, tại nhiều chợ truyền thống khác như chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) hay chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) bên cạnh nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được dán ở vị trí dễ thấy, dễ đọc thì tại các lỗi vào chợ đều để dung dịch nước rửa tay sát khuẩn.
Song song với đó, hệ thống loa tại nhiều khu chợ cũng liên tục phát nội dung tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước và sau khi mua bán.
Các tiểu thương kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, cho biết Ban Quản lý đã phổ biến yêu cầu người kinh doanh thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang, bố trí các chốt trực tại khu vực ra vào chợ và nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế.
Còn tại trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã thức hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách đối với nhân viên và khách đến mua hàng hóa.
Theo đại diện Vinmart, công tác phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, như bố trí đội ngũ nhân viên túc trực tại các lối ra vào để hỗ trợ khách hàng sát khuẩn tay và đo thân nhiệt.
Tại Công ty MM Mega Market Việt Nam chi nhánh Thăng Long, đại diện siêu thị này cho hay công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ.
“Tất cả nhân viên, khách hàng đeo khẩu trang phải đo thân nhiệt khi vào siêu thị. Tại nhiều vị trí trong siêu thị có bố trí nước rửa tay sát khuẩn,” đại diện doanh nghiệp này thông tin.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Hiện nay, hàng hóa đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo, nhằm cung ứng đủ cho người dân trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo khảo sát, việc cung ứng khẩu trang, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cũng như dung dịch sát khuẩn rất dồi dào. Giá các mặt hàng khẩu trang dao động từ 2.000 đồng/chiếc đến 45.000 đồng/chiếc tùy loại.
Trong khi đó, sản phẩm sát khuẩn tay có nhiều dung tích, mùi thơm cho khách hàng lựa chọn, với giá từ 13.000 đồng/chai đến 120.000 đồng/chai tùy loại. Đặc biệt, sức mua các mặt hàng này tăng nhưng không đột biến.
Bà Đỗ Ngọc Khánh Chi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON Việt Nam chi nhánh Hà Đông cho biết đến thời điểm này lượng hàng hóa dự trữ trên toàn hệ thống siêu thị AEON tăng từ 1,5-2 lần so với bình thường.
Việc dự trữ này tùy thuộc vào từng nhóm mặt hàng. Ví dụ như mặt hàng gạo, mỳ tôm… lượng dự trữ tăng lên nhiều hơn và trong trường hợp nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt họ có thể nhanh chóng giao hàng cho doanh nghiệp.
“Số liệu này được AEON xây dựng so với số lượng mua hàng của cùng kỳ năm ngoái. Trong trường hợp có phát sinh đột biến, nhu cầu tiêu dùng tại kênh siêu thị tăng vọt, phía AEON sẽ điều chỉnh lại để đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung cấp cho khách hàng,”bà Đỗ Ngọc Khánh Chi cho biết thêm.
Cùng với việc đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, AEON cũng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đối với kênh bán hàng trực tiếp, ngoài việc đo thân nhiệt cho khách hàng, sát khuẩn tay trước khi vào siêu thị, khách hàng được yêu cầu đeo khẩu trang khi đi mua sắm….
Để chủ động nguồn cung ứng hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp cần tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với nhu cầu bình thường của người dân. Việc này thực hiện trong 3 tháng 8, 9, 10, đối với 17 mặt hàng thiết yếu mà ngành công thương đã đưa ra.
Trong công tác dự trữ hàng hóa, lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị phía doanh nghiệp thương mại bố trí lượng hàng tại các địa điểm bán hàng, lượng hàng trong kho trực tiếp của đơn vị và kho của các nhà phân phối bảo đảm đúng yêu cầu đã đặt ra.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng ý các doanh nghiệp xây dựng một phương án để điều phối hàng hóa trong toàn hệ thống chi tiết, cụ thể trong mọi tình huống, chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố để bảo đảm đủ nguồn hàng với 17 mặt hàng thiết yếu.
“Tất cả hàng hóa phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và giữ được giá bình ổn trong suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19, cũng như trong Chương trình bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2021,” bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh./.